Luật sư tư vấn:

Quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay đã được luật hóa theo các quy định mới (Điều 22 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), là bước tiến mạnh mẽ của pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Các quy định tại Thông tư này đã khẳng định nguyên tắc tự chủ trong hoạt động kinh doanh được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và được củng cố thêm qua những luận điểm khoa học.

Nội dung quy định nội bộ về hoạt động cho vay tương đối rộng, không đơn thuần chỉ dừng lại ở quy trình cho vay như thường thấy trong các quyết định nội bộ của tổ chức tín dụng. Đó còn là quyết định phân công nhiệm vụ của từng đơn vị, cá nhân của tổ chức tín dụng để thực hiện có hiệu quả quy trình này (Xem thêm: Quyết định số 4257/QĐ-VP ngày 28/8/2008 của Ngân hàng BIDV về trình tự, thủ tục cấp tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp). Đến nay, các nghiên cứu về lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa đi sâu làm rõ trách nhiệm của cán bộ, nhân viên tín dụng, những người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch trái với quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng. Bởi lẽ, phạm vi áp dụng và trách nhiệm của các chủ thể theo quy định này vẫn còn mới mẻ trong thực tiễn. Nhưng có thể thấy, trong hoạt động kinh doanh nói chung, quy định về điều lệ, quy chế nội bộ của doanh nghiệp luôn luôn có giá trị bắt buộc các bên tuân thủ thực hiện đối với thành viên doanh nghiệp đó.

Điểm chung của các quy định nội bộ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là lợi ích của nhà đầu tư. Song, quy định nội bộ cho vay trong lĩnh vực ngân hàng có nội dung rộng hơn rất nhiều, trong đó quyền lợi của người gửi tiền vẫn phải được duy trì, bảo đảm bằng việc xác định rõ phạm vi điều chỉnh cho các giao dịch vay (trong pháp luật doanh nghiệp, quy định nội bộ về ký kết hợp đồng kinh tế chỉ giới hạn ở thẩm quyền theo hạn mức tài sản của doanh nghiệp).

Với quy định tổ chức tín dụng phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung (khoản 3 Điều 22 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), pháp luật hiện hành đã khẳng định, nâng cao giá trị pháp lý của quy định nội bộ ngân hàng nói chung, quy định nội bộ về cho vay nói riêng, thể hiện được những ưu điểm như được nêu khi cho vay. Đó là, tạo ra những cơ hội cho các tổ chức tín dụng chủ động tổ chức, thực hiện giao dịch cho vay, đồng thời cũng tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên ngân hàng trong hoạt động này.

Quy định nội bộ của một tổ chức tín dụng thông thường bao gồm: Quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng; Quy định về tổ chức, hoạt động của hội đồng tín dụng, cơ quan cao nhất trong ngân hàng có thẩm quyền phê duyệt, quyết định cho vay các khoản vay lôn. Song, trách nhiệm pháp lý của những cá nhân thành viên trong hội đồng này đến đâu,  phạm vi, mức độ nào, cũng cần phải được tổ chức tín dụng quan tâm, triển khai đến tận các bộ công nhân viên đơn vị. Trách nhiệm này không thể dựa trên các quy định chung chung, thiếu cơ chế pháp lý thực thi. Vì khi đó sẽ dẫn đến sự tùy tiện áp dụng, khó xác định phạm vi, mức độ trách nhiệm cụ thể trước pháp luật, như thực tiễn đã từng xảy ra.

Ví dụ: Trong vụ án: “Phạm Công D và đồng phạm”, Tòa án các cấp đã đặt ra trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân là thành viên Hội đồng tín dụng ngân hàng trong việc xét duyệt các khoản cho vay trái pháp luật. Cụ thể, ngày 28/12/2012, Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần ĐT (Nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV XDVN) thống nhất cho Công ty TNHH MTV Thương mại xây dựng dịch vụ TQ vay 370 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ ĐHP vay 280 tỷ đồng theo các phương án kinh doanh và phương án trả nợ, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất vay 15%/năm. Sau đó, do không thu hồi được vốn vay, các thành viên hội đồng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng” theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (nay là Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” – Bản án hình sự sơ thẩm số 332/2016/HSST ngày 9/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 52-56; 202; 231).

Xét xử vụ án hình sự trên, Bản án sơ thẩm số 332/2016/HSST ngày 9/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: Hội đồng tín dụng ngân hàng tham gia phê duyệt, cấp tín dụng 02 hồ sơ vay của Công ty ĐHP và Công ty TQ, chấp nhận sử dụng tài sản bảo đảm dựa theo chứng thư thẩm định giá chưa phù hợp, gây thiệt hại là 470.000.000.000 đồng. Sau khi thành viên Hội đồng tín dụng ngân hàng có kháng cáo, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm (từ ngày 27/12/2017 đến ngày 24/1/2017), Tòa án đã tuyên giữ nguyên nội dung phán quyết, tiếp tục khởi tố và đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm hình sự các thành viên Hội đồng tín dụng.

Bình luận về vụ án hình sự này, tác giả không đi sâu đề cập, phân tích đúng sai của hành vi xét duyệt hai khoản vay. Vì sau khi xét xử tại Tòa án, các thành viên Hội đồng tín dụng liên tục khiếu nại với lý do: họ không có chức năng cho vay; không phỏng vấn, tiếp xúc với bên vay mà chỉ dựa trên tài liệu, chứng từ do chi nhánh ngân hàng trình xét; quy định nội bộ về cho vay của ngân hàng không điều chỉnh hành vi, trách nhiệm của Hội đồng tín dụng Ngân hàng ĐT,… Nhưng có thể thấy, trong vụ án này, quan điểm của các cơ quan tố tụng hình sự đã dựa trên hành vi xét duyệt cho vay nhưng không đánh giá đúng tài liệu chứng thư thẩm định giá trái pháp luật với kết quả sau đó bị mất vốn (mối quan hệ nhân quả), để truy cứu trách nhiệm hình sự, theo tác giả là có căn cứ.

Về phương diện nghiệp vụ, tại các tổ chức tín dụng, các khoản cho vay thường do hội đồng tín dụng (thành viên là những người lãnh đạo ở vị trí chủ chốt của Tổ chức tín dụng) quyết định. Nếu không phân định, làm sáng tỏ vai trò, chức năng của từng thành viên hội đồng như hiện nay, dễ dẫn đến quy chụp trách nhiệm của tất cả các thành viên tham gia xét duyệt khoản vay. Điều này không phù hợp với nguyên tắc chuẩn mực về quản lý, kiểm soát cho vay, vì mỗi thành viên của hội đồng này chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi nghiệp vụ, chuyên môn của mình nếu có sai phạm. Quy định nội bộ của tổ chức tín dụng cần phải khắc phục những khuyết điểm, thể hiện rõ phạm vi trách nhiệm này.

Tuân thủ quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng, cán bộ, nhân viên tín dụng có quyền từ chối phê duyệt, từ chổỉ quyết định cho vay nếu khách hàng không đáp ứng các điều kiện vay. Do đó, họ được quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền về những quy định nội bộ cho vay không phù hợp, trái pháp luật, mang tính áp đặt, có nguy cơ xảy ra rủi ro, chính họ phải gánh chịu trách nhiệm nếu áp dụng.

Đối với hội đồng tín dụng của ngân hàng, việc xét duyệt các khoản vay không đủ điều kiện vay vốn, chỉ dựa trên các tài liệu do chi nhánh ngân hàng đệ trình mà không nghiêm túc tiến hành kiểm tra, đánh giá, đối chiếu quy định của pháp luật để dẫn đến sai phạm đương nhiên phải bị xử lý trách nhiệm. Mức độ trách nhiệm đến đâu tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai phạm, năng lực, thẩm quyền, trách nhiệm từng thành viên trong hội đồng, ghi rõ trong các quy định nội bộ và quy định của pháp luật.

Tóm lại, tổ chức tín dụng cần thực hiện giải pháp xây dựng quy định nội bộ về cho vay chuẩn mực, trong đó phân định cụ thể phạm vi, trách nhiệm của từng thành viên tham gia cấp tín dụng để bảo đảm thực thi, áp dụng đối với cán bộ, nhân viên ngân hàng. Giải pháp này sẽ phát huy những giá trị tích cực, khẳng định ý nghĩa của quy định nội bộ về cho vay, nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ tín dụng, những người làm công tác quản lý trong ngân hàng, bịt kín lỗ hổng của quy trình cho vay, nâng cao trách nhiệm về sau, cũng như xử lý nếu cá nhân, tập thể có sai phạm.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn… Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ Luật sư của LVN Group của Công ty luật LVN Group luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.