Luật sư tư vấn:

Vấn đề Bạn quan tâm, Luật LVN Group xin được trao đổi như sau:

Bản án số 1413/2010/DS-PT ngày 14/12/2010 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa Ngân hàng thương mại cổ phần AC với bà Bùi Thị Mỹ H và ông Nguyễn Anh T.

Tóm tắt nội dung vụ án:

Nguyên đơn – Ngân hàng AC ủy quyền cho ông Lê Xuân M đại diện trình bày: Ngày 14/5/2005, Ngân hàng AC và bị đơn là ông Nguyễn Anh T và bà Bùi Thị Mỹ H có ký Hợp đồng tín dụng số SGD.CN. 01140505 với nội dung: Ngân hàng AC cho ông T, bà H vay số tiền 05 tỷ đồng, thời hạn vay là 120 tháng (từ ngày 14/5/2005 đến ngày 14/5/2015), phương thức trả lãi hàng tháng, trả vốn hàng quý; mục đích vay là thanh toán tiền mua nhà số238 THĐ, phường NCT, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Lãi suất vay: 12 tháng đầu tiên sau thời gian ân hạn: 1,07%/tháng; Thời gian còn lại, lãi suất cho vay được xác đỉnh lại 12 tháng một lần (sau đây gọi là “kỳ xác định lãi suất”) và được tính theo công thức: lãi suất = Tiền gửi tiết kiệm 13 tháng của Ngân hàng AC (loại lãi cuối kỳ) + 0,4%/tháng…

Tài sản bảo đảm là bất động sản số 2/28 CT, phường 5, quận 3, Thành phố HCM thuộc quyền sở hữu của ông T, bà H.

Trong quá trình vay, từ ngày 30/6/2005 đến ngày 31/7/2008, ông T, bà H đã trả được số tiền vốn 2.547.000.000 đồng, lãi trong hạn 1.644.714.478 đồng, phạt 2.134.041 đồng. Tổng cộng là 4.193.848.519 đồng.

Do ông T, bà H vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng AC đã có thông báo thu hồi nợ trước hạn ngày 01/10/2008. Ngày 31/10/2008, ngân hàng đã chuyển toàn bộ số nợ vay còn thiếu sang nợ quá hạn.

Tính đến ngày 01/9/2010, ông T, bắ H còn nợ ngân hàng các khoản sau: vốn 2.453.000.000 đồng; lãi trong hạn: 133.075.250 đồng; lãi phạt: 3.647.299 đồng; lãi quá hạn: 1.438.071.250 đồng. Tổng cộng là: 4.027.793.799 đồng.

Nay Ngân hàng AC khởi kiện yêu cầu ông T, bà H có trách nhiệm thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật số vốn còn thiếu và tiền lãi phát sinh trên dư nợ gốc theo lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng từ ngày 01/9/2010 đến khi trả hết nợ. Trả nợ theo thứ tự: Lãi quá hạn, lãi phạt, lãi trong hạn, vốn, nếu bị đơn không thực hiện đề nghị phát mãi tài sản bảo đảm.

–    Bị đơn bà Bùi Thị Mỹ H trình bày: Bà thừa nhận bà và ông T có quan hệ tín dụng với Ngân hàng AC. Tính đến ngày 25/8/2010, bà và ông T còn nợ 4.027.793.799 đồng. Do không có khả năng trả lãi và vốn một lần nên đề nghị nguyên đơn cho phát mãi căn nhà số 2/28 CT, phường 5, quận 3, Thành phố HCM đã thế chấp để cấn trừ nợ.

–    Đồng bị đơn ông T ủy quyền cho ông Lý Gia Đ trình bày: Ngày 14/5/2005 ông T và bà H có vay của Ngân hàng AC số tiền 05 tỷ đồng để trả tiền mua căn nhà số238 THĐ, phường NCT, quận 1, Thành phố HCM. Trên thực tế từ lúc mua căn nhà cho đến nay việc khai thác, sử dụng, thu huê lợi kinh doanh tài sản trên đều do bà H quản lý nên việc thanh toán nợ cho nguyên đơn phải là nghĩa vụ của bà H. Đề nghị nguyên đơn cho bị đơn tiếp tục thực hiện Hợp đồng tín dụng số SGD.CN. 01140505 ngày 14/5/2005, đề nghị phía bị đơn là bà H chuyển giao Căn nhà số 238 THĐ, phường NCT, quận 1, Thành phố’ HCM cho ông T khai thác, sử dụng để ông có nguồn tiền trả nợ gốc và lãi cho nguyên đơn theo đúng phương án vay mà hai bên đã ký. Ông T sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trả nợ cho nguyên đơn.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 56/2010/DSST ngày 01/9/2010, Tòa án nhân dân quận 1, Thành phố HCM đã quyết định:

1/ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn:

Buộc ông T và bà H phải trả cho Ngân hàng AC nợ vốn 2.453.000.000 đồng; lãi trong hạn: 133.075.250 đồng; lãi phạt: 3.647.299 đồng; lãi quá hạn tính đến ngày 01/9/2010: 1.438.071.250 đồng.

Kể từ ngày 02/9/2010, tiền lãi tiếp tục phát sinh tính trên số nợ vốn chưa hoàn trả theo mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn, cho đến khi thi hành án xong…

Ngày 14/9/2010, ông T kháng cáo với lý do: Bản án sơ thẩm đã xét xử chưa toàn diện mọi vấn đề, nhất là phương án vay nợ do các bên đã thỏa thuận, không xem xét đề nghị hòa giải của bị đơn cũng như không ghi nhận ý kiến của các bên một cách khách quan; cách tính lãi của Ngân hàng cao hơn quy định của pháp luật; buộc phát mãi tài sản của ông là vô lý vì ông có khả năng trả nợ. Vì vậy, ông đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết: buộc bà H là đồng bị đơn phải giao lại tài sản là căn nhà số 238 THĐ, quận 1, Thành phố HCM cho ông được phép khai thác, sử dụng để trả nợ phía ngân hàng đúng phương án vay tiền đã ký kết giữa các bên và đề nghị xem xét lại phần lãi suất tính quá cao.

Nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm:

Về nội dung:… Phía bị đơn và ông T kháng cáo cho rằng lãi suất của Ngân hàng cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước và phạt tín dụng đối với thời hạn chậm trả. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của ông T xuất trình bảng kê lãi suất cơ bản, thông báo phát mãi căn nhà số 128 THĐ để chứng minh khả năng trả nợ của ông T. Hội đồng xét xử xét thấy: Căn cứ vào Điều 4 của hợp đồng tín dụng nêu trên, bên vay là ông T và bà H có ký tên vào phía dưới của các trang hợp đồng tín dụng chứng tỏ đã có đọc và đồng ý ký tên. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện cho nguyên đơn trình bày lãi suất quá hạn, tiền phạt chậm trả do Ngân hàng AC áp dụng dựa trên quy định của Thông đốc Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định số 127/NHNH ngày 03/02/2005 về việc sửa dổi, bổ sung một số điều của quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Xét hồ sơ vụ án và các tài liệu đã thu thập thể hiện các đương sự là ông T, bà H đã thỏa thuận ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Trong quá trình thực hiện, bên vay đã không trả lãi đúng hạn nên Ngân hàng AC căn cứ vào hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa hai bên để tính nợ vốn, lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt và yêu cầu ông T, bà H trả là có căn cứ.

Đây là quan hệ tín dụng giữa một bên là cá nhân và một bên là tổ chức tín dụng, không phải là quan hệ giữa cá nhân với cá nhân nên không thể lấy lãi suất trần cơ bản để điều chỉnh. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận các tài liệu chứng minh của người đại diện của ông T xuất trình, nên yêu cầu kháng cáo của ông T về việc đề nghị xem xét lại lãi suất không được chấp nhận…

QUYẾT ĐỊNH:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của đồng bị đơn – ông Nguyễn Anh T. Giữ nguyên bản án sơ thẩm…

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn… Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ Luật sư của LVN Group của Công ty luật LVN Group luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.