1. Quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong lĩnh vực đất đai
Nhìn vào các một số quy định hiện hành, Nhà nước ta không có sự phân biệt về chính sách theo giới, nam/nữ bình đẳng trước pháp luật về đất đai. Điều 105, 106 và 108 Luật Đất đai năm 2003 quy định, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất có các quyền chung của người sử dụng đất. Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ”. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã ghi nhận: “1- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. 2- Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, phải ghi tên cả vợ và chồng”1. Luật Đất đai năm 2003 quy định tại Điều 48 khoản 3: “Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định “tất cả những giấy tờ, đăng ký tài sản gia đình bao gồm cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở phải được ghi cả tên vợ và chồng”. Tại Điều 5 của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP còn quy định: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng đã đăng ký quyền sở hữu mà chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên cả vợ và chồng. Nếu vợ, chồng không yêu cầu cấp lại giấy đăng ký tài sản thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Trong trường hợp vợ chồng ly hôn hoặc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật đã đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà có ghi tên vợ và chồng, có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số: 1900.0191
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: vợ chồng có quyền để lại thừa kế tài sản cho nhau, nhưng con dâu trong gia đình lại không thuộc hàng thừa kế2. Di sản của cha mẹ chồng muốn cho con dâu một phần thì phải viết đích danh tên con dâu trong di chúc. Đây chính là mặt hạn chế trong thực tiễn đời sống cũng như pháp luật dân sự của chúng ta. Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi chết, không phân biệt nam hay nữ, đều có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất. Pháp luật cũng không phân biệt nam hay nữ là người nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Trong hai vợ chồng, khi có một người chết trước thì người còn lại có quyền hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất. Theo Điều 666 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Điều 31 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định: vợ, chồng có quyền để lại thừa kế tài sản cho nhau. Nhưng Điều 669 của Bộ luật Dân sự năm 2005 lại quy định “con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng” được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, vợ, chồng “được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này”.
Đối với gia đình Việt Nam, dù ở nông thôn hay ở thành phố, nhà ở, đất đai (đất ở, đất canh tác, đất lâm nghiệp) luôn có giá trị đặc biệt lớn và rất quan trọng trong khối tài sản được coi là bất động sản của mỗi hộ gia đình. Trước đây theo truyền thống, phần lớn nam giới là người đứng tên chủ sở hữu các tài sản thuộc về chủ hộ. Số liệu điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam cho biết, có 79,7% hộ gia đình ở đồng bằng và 82,1% hộ gia đình ở trung du – miền núi do nam giới làm chủ hộ đang đứng tên chủ sở hữu nhà ở và đất ở. Còn tại thành phố, do tỷ lệ phụ nữ được phân nhà dưới thời bao cấp cao, nên số phụ nữ đứng tên chủ sở hữu nhà cao hơn ở nông thôn, tỷ lệ này là 19,2% và chỉ có 49,8% nam giới đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở3.
Việc pháp luật quy định tất cả những giấy tờ, đăng ký tài sản gia đình bao gồm cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở phải được ghi cả tên vợ và chồng là yếu tố pháp luật mang tính tiến bộ, là sự minh chứng cho sự bình đẳng giới giữa vợ và chồng. Cũng nhờ vậy, mà trách nhiệm pháp lý của cả vợ và chồng trong việc quyết định sử dụng, quản lý tài sản, nhất là khối tài sản lớn là đất đai, nhà ở sẽ tăng lên, tác động đến khả năng khai thác hiệu quả hơn nguồn tư liệu sản xuất.
Đồng thời, khi quyền sử dụng và sở hữu các tài sản lớn trong gia đình đều được cả vợ và chồng đứng tên, thì người phụ nữ đã có được quyền đồng sở hữu tài sản, quyền được sinh sống và hưởng hạnh phúc trong chính ngôi nhà họ đã tạo lập cùng với các tài sản gia đình. Họ sẽ ổn định về mặt vật chất, tâm lý, tình cảm. Đây chính là ý nghĩa to lớn về mặt pháp lý mà pháp luật đã tạo ra cho người phụ nữ và cho sự bình đẳng giới.
2. Một số kiến nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy pháp luật ngày càng có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, từng bước khẳng định chỗ đứng của họ trong gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, những quyền về tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất, của người phụ nữ còn nhiều bất cập, như trường hợp vợ làm ruộng, chồng làm cán bộ công tác xa nhà, trong thời gian chung sống họ đã xây dựng trên đất của cha mẹ chồng cho (không làm văn bản) một ngôi nhà, nhưng khi ly hôn, người vợ không được chia tài sản là nhà đất, vì nhà đó xây dựng trên đất của nhà chồng. Có trường hợp, cha mẹ chồng giúp các con, cho các con một phần tiền để làm nhà riêng. Nhưng khi các con ly hôn thì lại coi là nhà xây dựng lên là tiền của mình, nên đã đòi lại con trai và con dâu. Hay có trường hợp khi chồng chết, họ hàng nhà chồng đến lấy hết tài sản, đuổi con dâu đi khỏi nhà. Do đó, để bảo đảm thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, chúng tôi đề nghị:
Thứ nhất, các quy phạm pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cần được sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thủ tục kê khai xin cấp GCNQSDĐ phải có xác nhận của cả vợ và chồng. Trong phần kê khai để cấp GCNQSDĐ phải có phần kê khai tình trạng hôn nhân của chủ sử dụng. Đây chính là một căn cứ quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình xin cấp giấy và sau khi đã được cấp GCNQSDĐ.
Thứ hai, pháp luật cần phải quan tâm hơn đến quyền lợi của nữ giới, quyền của người vợ, người mẹ có một chỗ ở sau khi ly hôn để có thể ổn định cuộc sống, tạo điều kiện chăm sóc con cái và giúp những đứa trẻ sẽ đỡ bị tổn thương, thiệt thòi trong giai đoạn đang học tập và trưởng thành.
Thứ ba, cần nghiên cứu từng bước để pháp luật quy định cụ thể: con dâu được hưởng di sản thừa kế của gia đình nhà chồng. Phần tài sản họ được hưởng sẽ bù đắp một phần công sức đóng góp, duy trì, bảo vệ khối tài sản trong gia đình nhà chồng trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp. Đây là một yêu cầu chính đáng của phụ nữ.
Thứ tư, các quyết định liên quan đến việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất, bất động sản do vợ chồng cùng tạo lập, được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân phải được trao đổi, bàn bạc, thoả thuận thống nhất ý kiến bằng văn bản của cả vợ và chồng.
(1) Xem Khoản 1 và Khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Chính trị Quốc gia năm 2000.
(2) Nguyễn Thị Mai, Vụ pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp, Công trình nghiên cứu: “Sự bình đẳng về cơ hội kinh tế đối với phụ nữ trong pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam”, Chủ nhiệm Ngô Bá Thành, Cuốn 1, tr. 251.
(3) Lê Ngọc Văn, Nguyễn Linh Khiếu, Đỗ Thị Bình: Số liệu điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá (khu vực phía bắc) Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
TS Doãn Hồng Nhung – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Nguồn tạp chí nghiên cứu lập pháp – văn phòng quốc hội)
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)