1. Khái quát chung

Bảo đảm an toàn thực phẩm là một nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, nên cũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, điều này đã được thể hiện cụ thể bằng hành động cụ thể: Thành lập Cục quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm (tiền thân của Cục ATVSTP ngày nay) năm 1999. Ngay trong năm này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm CLVSATTP; năm 2000 đã phê duyệt chương trình bảo đảm VSATTP là một trong 10 chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Y tế; năm 2003 đã ban hành Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm ; năm 2004 ban hành Nghị định số 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh VSATTP; năm 2006 phê duyệt chương trình hành động bảo đảm VSATTP giai đoạn 2006-2010 theo hướng trở thành chương trình mục tiêu quốc gia độc lập; năm 2007, phê duyệt 6 dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm VSATTP giai đoạn đến 2010 với tổng kinh phí khoảng 1300 tỷ đồng. Năm 2008, ban hành Nghị định số 79/2008/NĐ-CP về hệ thống tổ chức quản lý và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác bảo đảm VSATTP; đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác bảo đảm VSATTP vào tháng 01/2007 và lần 2 vào tháng 3/2008; ban hành Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các bộ ngành liên quan đề xuất xây dựng dự án luật an toàn thực phẩm để trình Quốc hội vào năm 2009. Các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành hàng loạt các Quyết định, Thông tư, Thông tư liên tịch … để hướng dẫn chi tiết thi hành các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ cho lĩnh vực quản lý mới, đặc biệt quan trọng này.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

2. Một số văn bản, qui định cụ thể

(1). Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

(2). Pháp lệnh VSATTP (số 12/2003/PL-UBTVQH11) ngày 07/8/2003. Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh VSATTP.

(3). Luật Thuỷ sản số 17/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá 11.

(4). Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội khoá 11. Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

(5). Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10. Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật và Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

(6). Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ t­ướng Chính phủ phê duyệt Chiến lư­ợc Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010.

(7). Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

(8). Quyết định số 154/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ”Quản lý nhà nước về dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm giai đoạn 2006-2010;

(9). Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg ngày 20/02/2006 của Thủ t­ướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010.

a) Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm

Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 26/7/2003 gồm 07 chương, 54 điều. Một trong những nội dung rất mới của Pháp lệnh này là đã quy định “kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện (Điều 4)”. Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng quy định những hành vi cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quyền, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm; quản lý thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm nhập khẩu, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; nội dung quản lý nhà nước về VSATTP, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP đối với các Bộ, UBND…

Đây có thể nói là một văn bản pháp luật đầu tiên quy định tương đối đầy đủ các khía cạnh quản lý nhà nước về VSATTP.

b) Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh VSATTP.

Ngày 07/9/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2004/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghị định gồm 6 chương với 36 điều, hướng dẫn chi tiết về: 1) Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 2) Thủ tục, thẩm quyền kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; 3) Danh mục, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao; 4) Công bố tiêu chuẩn VSATTP đối với sản phẩm; 5) Trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP và trách nhiệm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; 6) Kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm muốn được hoạt động thì ngoài Giấy phép kinh doanh và các thủ tục khác theo yêu cầu của pháp luật thì phải có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao thì phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của cơ quan y tế có thẩm quyền. Đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước, trước khi lưu hành phải có Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

c) Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài các quy định xử phạt các vi phạm chung trong lĩnh vực y tế, Nghị định đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và mức xử phạt (Điều 15) như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không mặc trang phục chuyên dụng khi trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hoặc không có giấy chứng nhận đã qua tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm;

b) Nơi bày bán thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay mà không có tủ kính che đậy, bao gói hợp vệ sinh;

c) Không sử dụng dụng cụ riêng để gắp, múc, chứa đựng các loại thực phẩm ăn ngay;

d) Kinh doanh thực phẩm ăn ngay mà không có đủ nguồn nước sạch cho việc làm vệ sinh dụng cụ, vệ sinh tay người bán;

đ) Các dụng cụ chứa đựng, gắp, múc, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện việc vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ, nơi bày bán thực phẩm không đúng quy định của Bộ Y tế;

g) Không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh rau an toàn theo quy định đối với cơ sở kinh doanh rau an toàn.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm ở môi trường không bảo đảm vệ sinh;

b) Không tổ chức lưu mẫu thực phẩm theo quy định hoặc có lưu mẫu nhưng không đúng theo quy định;

c) Không thực hiện chế độ giám sát việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể được tổ chức nấu tại cơ sở.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nguyên liệu, nước dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế;

b) Sử dụng lại bao bì đã chứa đựng dầu, mỡ hoặc sữa để chứa đựng thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp;

c) Sản xuất dụng cụ dùng cho việc ăn uống, các loại bao bì để đóng gói trực tiếp thực phẩm từ các nguyên liệu, phụ gia không có trong danh mục cho phép do Bộ Y tế công bố;

d) Sử dụng thiết bị, dụng cụ chứa đựng, bao gói, phương tiện vận chuyển, bảo quản có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được làm bằng vật liệu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ nguồn gốc động vật chưa qua kiểm dịch động vật hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu;

b) Sản xuất, kinh doanh các loại nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép;

c) Không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm trước khi lưu hành hoặc sản phẩm thực phẩm được lưu hành trên thị trường nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như đã công bố;

d) Không thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm phải công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hoặc đã công bố nhưng bản công bố đã hết hạn;

đ) Xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở môi trường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

e) Sản xuất, sử dụng nước đá dùng cho ăn, uống không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế;

g) Không bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm;

h) Người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm đang mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da hay các bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, nhiễm bẩn, có tạp chất lạ hoặc nhiễm các chất độc hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh, vi sinh vật gây bệnh không được phép có trong thực phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép;

c) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm, gia súc, thuỷ sản, rau quả do bị bệnh, bị ngộ độc, chết không rõ nguyên nhân hoặc bị ngâm tẩm bằng các chất hoá học không được phép sử dụng;

d) Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao;

đ) Sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép;

e) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, các vi chất dinh dưỡng, các chất hỗ trợ chế biến không được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng liều lượng, giới hạn quy định hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ;

g) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh;

h) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo quản bằng chiếu xạ nhưng không ghi trên nhãn nội dung bằng tiếng Việt Nam hoặc ký hiệu quốc tế là thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ;

i) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chiếu xạ nằm ngoài danh mục thực phẩm được phép chiếu xạ hoặc thực phẩm nằm trong danh mục chiếu xạ nhưng sử dụng quá liều chiếu xạ theo quy định của pháp luật;

k) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng công nghệ gen hoặc các nguyên liệu sử dụng công nghệ gen nhưng không ghi nhãn bằng tiếng Việt Nam là “Thực phẩm có sử dụng công nghệ gen”;

l) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ nguyên liệu không phải là thực phẩm, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc cho hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng vào thực phẩm;

m) Bán buôn các loại nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học vượt quá giới hạn cho phép;

n) Ghi nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo dưới mọi hình thức về thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh;

o) Thay đổi, làm lại nhãn hoặc thay đổi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm đã được xuất xưởng, lưu thông;

p) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có pha trộn, pha màu, bột, để bao phủ, nhuộm, chế biến nhằm che dấu tình trạng hư hỏng, biến chất của thực phẩm;

q) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu bị hỏng, kém chất lượng hoặc một nguyên liệu khác không phù hợp cho thực phẩm, cho dù nguyên liệu đó đã hoặc chưa qua chế biến;

r) Sử dụng phương tiện bị ô nhiễm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại để vận chuyển thực phẩm;

s) Không thực hiện việc báo cáo khi có ngộ độc thực phẩm xẩy ra với cơ sở y tế hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi gần nhất để có biện pháp phòng ngừa và khắc phục hậu quả kịp thời;

t) Không thực hiện đầy đủ các biện pháp đề phòng và xử trí kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn hoặc quảng cáo khi chưa có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc không sửa đổi nội dung quảng cáo theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền;

b) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không trung thực, không rõ ràng, sai với nội dung đã công bố; không đúng hoặc quá mức về đặc tính, bản chất, giá trị, chất liệu, thành phần ưu điểm, tính an toàn, độ tinh khiết, trọng lượng, tỷ lệ, xuất xứ, thành phần của thực phẩm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 7 của Nghị định này đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b, c, d, e và điểm g khoản 4; điểm a, b, c, d, đ, e, g, i, l, m, o, p, q và điểm r khoản 5 của Điều này.

d) Bộ luật Hình sự năm 2005 ( trích):

Các hành vi gian lận trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn bị quy trách nhiệm hình sự theo các điều khoản của Bộ luật hình sự như sau:

( Điều 157): Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

e) Lợi dụng danh nghĩa, cơ quan, tổ chức;

f) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

(Điều 168): Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

(Điều 186): Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

a) Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

( Điều 244): Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn VSAT gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

II. VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

1. Thực tiễn kết quả kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm

Công tác kiểm tra, thanh tra về VSATTP luôn được coi là một hoạt động quan trọng và ưu tiên của công tác quản lý nhà nước về VSATTP. Các thành tựu đạt được trong thời gian qua trong công tác này có sự đóng góp đặc biệt tích cực của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành đồng loạt ở cấp Trung ương và địa phương, tiến hành định kỳ vào các đợt cao điểm như mùa lễ hội, bão lụt.. hay đột xuất như dịch bệnh, các sự cố đặc biệt như sữa nhiễm melamine vừa qua… Tất cả các đợt thanh tra, kiểm tra đều có phát hiện và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo báo cáo của Cục ATVSTP về kết quả thanh tra VSATP phục vụ Tết nguyên đán năm 2008 của 37 tỉnh, thành phố như sau:

– Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra: 55.538 cơ sở

– Số cơ sở không đạt : 17.661 cơ sở (31,8%)

– Số cơ sở vi phạm bị xử lý : 3121 cơ sở (5,62%)

Trong đó: Phạt cảnh cáo 607 cơ sở (1,09%); Phạt tiền 2514 cơ sở (4,53%); Tổng số tiền phạt 1.889.509.000 đồng; Đình chỉ sản xuất 18 cơ sở (0,03%).

Kết quả thanh tra, kiểm tra của của 54 tỉnh, thành phố trong dịp tháng hành động vì CLVSATTP năm 2008:

– Tổng số cơ sở thanh, kiểm tra

182.004

– Số cơ sở vi phạm bị xử lý

33.503 (chiếm 18,4%

– Số cơ sở bị cảnh cáo

31.352 (chiếm 17,2%)

– Số cơ sở bị phạt tiền

2.151 (chiếm 1,2%)

– Tổng tiền phạt

1.478.066.000 đồng

Nhìn chung, các hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương đặc biệt là trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP và Tết Nguyên đán được triển khai thường xuyên; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra trong năm 2007 nhiều hơn so với các năm trong giai đoạn 2001-2006. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế đạt so với chỉ tiêu đề ra. Các hoạt động thanh, kiểm tra VSATTP ở trung ương được tăng cường, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế và quốc gia được tổ chức tại Hà Nội. Các Viện khu vực đã tăng cường chức năng giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại địa bàn thuộc các Viện quản lý, tuy nhiên cần phải triển khai hoạt động này rộng hơn mới có tính đại diện cho thị trường thực phẩm cả nước.

2. Tồn tại, hạn chế và những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm.

Nhờ chính sách đổi mới của Đảng, đất nước chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu vô cùng to lớn cả về kinh tế, chính trị và vị trí trên trường quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện luật pháp cho rất nhiều lĩnh vực để vừa đảm bảo tính dân tộc và hội nhập, phát triển. An toàn thực phẩm là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, vì thế hệ thống luật pháp cũng mới được hình thành và vẫn đang trong giai đoạn xây dựng tích cực nên trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, là:

– Chưa đồng bộ, còn thiếu nhiều và chồng chéo hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh.

– Thiếu nhiều quy định chi tiết, cụ thể, hoặc chưa phù hợp với nhiều loại hình hoạt động, kinh doanh, khó khăn khi triển khai.

– Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm thực phẩm, nhiều tiêu chuẩn quy chuẩn chưa phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

– Hệ thống quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Năng lực hệ thống kiểm nghiệm CLVSATTP còn rất hạn chế.

– Đầu tư cho công tác quản lý an toàn thực phẩm còn rất thấp so với yêu cầu thực tế và các nước trong khu vực.

– Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường rất hạn chế, rất khó triển khai và duy trì các quy trình công nghệ quản lý chất lượng VSATTP tiên tiến trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối…

– Nhận thức, thực hành VSATTP của doanh nghiệp, người tiêu dùng còn thấp, còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

3. Những vấn đề đặt ra đối với pháp luật an toàn thực phẩm

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là một nhu cầu bức thiết, không thể không triển khai. Để triển khai được hoạt động này có hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống pháp luật đầy đủ và phải đáp ứng được các yêu cầu:

(1) Yêu cầu bảo đảm sức khỏe nhân dân và phát triển giống nòi:

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu CLVSATTP không đảm bảo hoặc sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính, các bệnh truyền qua thực phẩm hoặc sẽ gây ra ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng tới các chức năng, bệnh lý mạn tính như ung thư, tiểu đường, suy gan, thận, rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, rối loạn tiêu hóa… đặc biệt là ảnh hưởng tới phát triển giống nòi. Muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi cần phải có một thị trường thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn.

(2) Phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và khu vực:

+ Chiến lược ATTP toàn cầu của WHO nhằm mục tiêu giảm gánh nặng xã hội và y tế đối với bệnh truyền qua thực phẩm

Thực hiện mục tiêu trên theo hướng tiếp cận:

– Giám sát các bệnh truyền qua thực phẩm;

– Đánh giá nguy cơ;

– Quản lý nguy cơ.

+ Chiến lược ATTP khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ngộ độc thực phẩm

Thực hiện mục tiêu trên theo hướng tiếp cận:

– Nâng cao nhận thức của cộng đồng về VSATTP;

– Xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm;

– Nâng cao năng lực của các nước trong việc giám sát, làm giảm vụ ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng của nó đến cộng đồng trong khu vực.

(3) Đáp ứng yêu cầu hội nhập và xuất khẩu:

Để phục vụ lộ trình đã cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong thời gian tới, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm VSATTP của nước ta và trước mắt phải thực hiện nghĩa vụ của các nước thành viên là tham gia Hiệp định của WTO về việc áp dụng các biện pháp về ATTP và kiểm dịch động, thực vật (Hiệp định SPS); tham gia Hiệp định của WTO về rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT). Điều này đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu để tương đồng với các nước về kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng, VSATTP, luật lệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, VSATTP: HACCP, GHP, ISO… Vì vậy, Việt Nam không những phải thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển mà còn tăng cường quản lý chất lượng, VSATTP để xuất khẩu được thực phẩm nông sản, thủy sản và ngăn chặn được thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn nhập vào Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam và khách du lịch.

(4) Đảm bảo tính bao phủ toàn bộ chuỗi thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tránh chồng chéo hoặc bỏ trống. Các quy định cần cụ thể, thuận lợi cho việc thực thi và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương. Huy động được các lực lượng liên ngành tham gia, đặc biệt là các hội/hiệp hội nghề nghiệp cần được sử dụng như “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước.

(5) Đảm bảo kiểm soát bền vững các yếu tố nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần xây dựng một hệ thống thông tin đủ đáp ứng cung cấp, cập nhật tình hình và nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên thế giới, trong khu vực cũng như trong nước. Sự kiện sữa nhiễm melamine của tập đoàn Tam Lộc, Trung Quốc cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống cảnh báo nguy cơ trong đảm bảo ATVSTP.

4. Một số quan điểm mới của Việt Nam trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội khác không còn là vấn đề của riêng mỗi khu vực, mỗi quốc gia. Vấn đề xây dựng chính sách, phát triển kinh tế, xã hội, nguy cơ dịch bệnh của mỗi nước đều có thể ảnh hưởng đến nhiều nước khác và phải tuân thủ các quy ước quốc tế. Theo đó, các rào cản thương mại sẽ dần được dỡ bỏ thay bằng sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau. Như vậy, để quản lý được thị trường thực phẩm cũng như bảo hộ, phát triển được các sản phẩm thực phẩm trong nước thì đòi hỏi phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận quản lý nhà nước cũng như năng lực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, chúng ta sẽ liên tục phải đặt hệ thống ở tình trạng báo động, khi mà liên tục phải giải quyết các “sự cố khẩn cấp”, như là: chưa hết sự cố sudan, 3-MCPD thì lại đến dịch tả, rồi melamine. Câu hỏi là sau các sự cố này sẽ là sự cố gì?

Một số nguyên tắc cơ bản của quan điểm quản lý an toàn thực phẩm của chúng ta trong giai đoạn mở cửa hội nhập là:

(1) Thay đổi cách tiếp cận từ “quản lý sản phẩm” sang “quản lý quá trình”: hiện nay chúng ta đang thực hiện mô hình quản lý cắt ngang “chuỗi thực phẩm” thành nhiều công đoạn và kiểm soát sản phẩm của từng công đoạn đó thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn “cho phép”. Theo cách này, chúng ta sẽ luôn bị rơi vào tình trạng “thiếu tiêu chuẩn” bởi vì có quá nhiều loại thực phẩm và các loại thực phẩm mới vẫn luôn được sáng tạo ra. Việc kiểm tra các sản phẩm cuối cùng sẽ tốn kém rất nhiều nhân lực, và luôn đưa nhà quản lý vào thế bị động (chỉ phát hiện ra sản phẩm vi phạm khi đã muộn: ví dụ như trường hợp sữa nhiễm melamine, chỉ phát hiện ra khi hàng loạt trẻ em nhập viện do sử dụng sản phẩm, hay việc rượu nhiễm metanol ở Việt Nam chỉ được phát hiện khi hàng loạt bệnh nhân ngộ độc/tử vong…). Việc chuyển đổi sang phương thức “quản lý quá trình” sẽ giúp chúng ta chuyển đổi từ thế “bị động” thành chủ động loại trừ hoặc giảm thiểu đến mức có thể chấp nhận được các yếu tố nguy cơ ra khỏi “chuỗi thực phẩm” ngay từ khi nó có thể hình thành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản phẩm cuối. Theo đó, thay việc chứng nhận sản phẩm chúng ta chuyển sang “chứng nhận quy trình” như là: quy trình nuôi trồng; quy trình sản xuất, chế biến; quy trình bảo quản, phân phối… Thay việc ban hành các tiêu chuẩn cho phép cho từng sản phẩm, sẽ ban hành các hành vi, giới hạn cấm vi phạm.

(2) Xây dựng hệ thống labo kiểm nghiệm thực phẩm, nghiên cứu khoa học thực phẩm, công nghệ, sinh học… thực sự mạnh và có chiều sâu, bảo đảm:

– Đủ năng lực kiểm nghiệm tất cả các chỉ số kiểm soát chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, ứng phó được các hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu và kiểm soát được sản phẩm nhập khẩu vào thị trường trong nước.

– Cập nhật nhanh nhất các kỹ thuật, phát kiến mới liên quan đến lĩnh vực quản lý (độc chất, phụ gia, chất bảo quản, GMO…).

– Triển khai hệ thống phân tích, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

– Đáp ứng đòi hỏi trong các tình huống khẩn cấp về an toàn thực phẩm.

(3) Pháp luật về an toàn thực phẩm đóng vai trò sống còn trong thời đại thương mại quốc tế; phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ mạnh, phù hợp với thông ước quốc tế, kèm theo nguồn lực tương xứng đảm bảo kiểm tra, giám sát, cưỡng chế nghiêm khắc và phản ứng nhanh từ các cấp chính quyền đối với những vi phạm về an toàn thực phẩm.

(4) Hội nhập quốc tế: duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan trong việc chia sẻ thông tin, giải quyết tranh chấp, sự cố khẩn cấp về an toàn thực phẩm.

(5) An toàn thực phẩm không phải là vấn đề chuyên môn sức khỏe thuần túy, mà liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, an sinh, an toàn xã hội, hợp tác quốc tế, an ninh quốc gia… do đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải là công tác liên ngành và gắn liền với chính sách phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của nhà nước. Công tác này phải được đầu tư nguồn lực (nhân lực, vật lực) tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Phải coi công tác đầu tư cho an toàn thực phẩm là đầu tư cho phát triển, an toàn và an sinh xã hội. Cần phát huy vai trò của các tổ chức nghề nghiệp, hội hiệp hội liên quan tham gia công tác xây dựng chính sách, giám sát an toàn thực phẩm; coi các tổ chức này như là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)