1. Quy định về trách nhiệm bồi thường nhà nước ở Cộng hòa Liên bang Đức
Khi chủ thể của hành vi công quyền trong lĩnh vực luật công mà hành vi của họ vi phạm quyền lợi của công dân, Hiến pháp Đức bảo đảm cho công dân sự bảo vệ pháp lý khi công chức nhà nước có hành vi vi phạm quyền lợi của họ. Theo đó, công dân khả năng được đề nghị thẩm định tính hợp pháp của hành vi nói trên (bảo vệ pháp lý nguyên phát). Sự bảo vệ pháp lý ấy còn được bổ sung bởi Luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước (ở một số bang mới sáp nhập) vì bên cạnh việc thẩm định hành vi công quyền qua Toà án, Luật này đưa ra khả năng đòi bồi thường hậu quả của sự vi phạm trên (bảo vệ pháp lý thứ phát).
Ở Đức, công dân có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, yêu cầu xoá bỏ hậu quả bất lợi trong một số trường hợp sau:
Thứ nhất, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ của công chức. Người bị thiệt hại có thể đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại, kể cả thu nhập (lãi) bị mất và tiền bồi thường cho thiệt hại tinh thần. Tuy nhiên, trong trường hợp vi phạm đó xảy ra do vô tình, công chức chỉ bị quy trách nhiệm nếu người bị thiệt hại không được bồi thường bằng một cách khác..
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191
Thứ hai, khi có các biện pháp và quyết định bất hợp pháp của ngành tư pháp.
Khi thẩm phán có hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ trong quá trình xét xử, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm nếu sự vi phạm đó đồng thời là tội phạm (bóp méo luật hoặc nhận hối lộ). Trong trường hợp phán quyết của Thẩm phán trong thủ tục thi hành án, lệnh trong tố tụng hình sự hoặc nghị quyết trong các thủ tục nhằm xác định án phí hoặc ấn định giá trị tố tụng sẽ được ngoại trừ để bảo vệ sự độc lập của Thẩm phán, bảo vệ hiệu lực pháp luật của các phán quyết Nhà nước.
– Phạm vi quyền đòi bồi thường:
+ Đối tượng của bồi thường là thiệt hại tài sản gây ra bởi một biện pháp truy tố hình sự, trong trường hợp phạt giam do toà quyết định thì cũng kể cả thiệt hại phi vật chất.
+ Chỉ bồi thường thiệt hại tài sản, nếu kiểm tra thấy thiệt hại đó lớn hơn 25 Euro.
+ Trong thiệt hại phi vật chất, được bồi thường 11 Euro cho mỗi ngày bị giam.
Thứ ba, khi có sai phạm trong hoạt động lập pháp.
Theo quy định của Hiến pháp Đức, công dân không thể trực tiếp chống lại tác động gây hại sinh ra từ hành vi lập pháp. Theo đó, anh ta phải đợi luật được thi hành rồi mới khởi kiện (bảo vệ pháp lý nguyên phát). Ngoài ra các nghị sĩ phải chịu trách nhiệm trước xã hội nói chung chứ hành vi công vụ của họ không nhằm bảo vệ người thứ ba, do vậy, ở đây không tồn tại khả năng vi phạm nghĩa vụ công vụ.
Về quyền khởi kiện của công dân.
Vì ở Đức không có đạo luật về trách nhiệm nhà nước. Cơ sở pháp lý quan trọng nhất của các quyền khởi kiện được quy định tại các điều khoản riêng lẻ trong các luật chuyên ngành như:
– Quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi vi phạm nghĩa vụ công vụ. Người bị thiệt hại có thể khởi kiện đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại, kể cả thu nhập (lãi) bị mất và tiền bồi thường cho thiệt hại tinh thần. Quyền này được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Toà án giải quyết là toà án cấp bang,
– Quyền khởi kiện theo hợp đồng từ các quan hệ nghĩa vụ theo luật công. Người bị thiệt hại có thể đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại khi cơ quan hành chính có hành vi được xem là bất hợp pháp và có lỗi khi vi phạm nghĩa vụ từ quan hệ nghĩa vụ theo luật công nhất là khi vi phạm nghĩa vụ bảo vệ tài sản và quyền lợi công dân. Thủ tục giải quyết sẽ tiến hành theo quy chế tố tụng hành chính, được quy định trong Bộ luật dân sự và Luật thủ tục hành chính
– Quyền khởi kiện yêu cầu xoá bỏ hậu quả bất lợi, nhằm bảo vệ các quyền cơ bản. Người bị thiệt hại có thể yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi bị vi phạm và hậu quả kéo dài bất hợp pháp (không xét tính bất hợp pháp của sự vụ, chỉ xét tính bất hợp pháp của hậu quả), không phụ thuộc vào lỗi của chủ thể, nhưng không được yêu cầu bồi thường về tiền và lãi suất bị mất. Toà án giải quyết là toà án hành chính.
– Quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường khi trưng dụng, xuất phát điểm là chế định bảo đảm quyền sở hữu. Nguời bị thiệt hại có thể yêu cầu đền bù đặc biệt bằng tiền định hướng theo giá trị thị trường của thiệt hại nhưng không được đền bù toàn bộ và không tính lãi suất. Toà án giải quyết là Toà án dân sự, quy định trong Hiến pháp và theo án lệ
– Quyền yêu cầu bồi thường vì trở thành nạn nhân bị thiệt hại đến các giá trị phi vật chất (mạng sống, sức khoẻ, tự do) bởi sự can thiệp của công quyền (kể cả biện pháp hoạch định, dự phòng và xã hội của Nhà nước), được quy định trong Luật cảnh sát của liên bang và tiểu bang, Luật hình sự, Luật thủ tục hành chính của liên bang và tiểu bang, Bộ luật xã hội VII…
2. Việc bồi thường oan sai của cơ quan nhà nước ở Cộng hòa Pháp
Đặc điểm cơ bản trong chế định bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự gây ra oan, sai tại Cộng hoà Pháp không được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên biệt mà được quy định trong Luật tố tụng hình sự. Đồng thời việc bồi thường gắn hiền chặt chẽ với trình tự xem xét lại Bản án hình sự theo trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Pháp luật của Cộng hoà pháp quy định về bồi thường do chế định này nằm trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy, các bản án oan, sai của Toà án phúc thẩm và giám đốc thẩm được coi là cơ sở pháp lý cơ bản để xác định trách nhiệm bồi thường. Phạm vi trách nhiệm bồi thường gồm có:
– Bồi thường về vật chất: Pháp luật bồi thường án oan, sai Cộng hoà Pháp quy định là một khoản tiền bồi thường dành cho nạn nhân của oan, sai hoặc cho người thân của người đó tương ứng với những thiệt hại mà việc kết tội sai gây ra. Phạm vi xem xét trách nhiệm bồi thường vật chất bao gồm cả khoản thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần được tính ra bằng tiền. Chủ thể của quyền yêu cầu bồi thường được xác định chính là nạn nhân của oan, sai hoặc nếu anh ta đã mất thì vợ hoặc chồng, bố mẹ hoặc con. Trong trường hợp những người này không còn, thì chủ thể yêu cầu bồi thường được mở rộng đến ngưòi thân xa hơn nhưng khoản bồi thường lại được xác định hẹp hơn: chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất mà bản án sai đã gây ra cho nạn nhân.
– Về bồi thường tinh thần: Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần đuợc xem xét sau khi đã có quyết định của Toà án xét lại công nhận sự vô tội của người này. Quyết định đó sẽ được niêm yết tại thành phố mà quyết định kết án đã được công bố; tại địa phương nơi xảy ra vụ án và tại nơi thường trú của người đệ đơn, tại nơi sinh và nơi ở cuối cùng của người đã bị kết án sai nếu người ấy đã chết; với cùng một điều kiện văn bản của quyết định cũng được công bố toàn văn trong công báo và trong 05 tờ báo khác do Toà án chọn, chi phí công bố này do nhà nước trả.
– Về thủ tục yêu cầu bồi thường vật chất: đương sự phải làm một đơn viết tay trên giấy có dán tem và được đăng ký nếu không sẽ không được chấp nhận. Đơn yêu cầu bồi thường này phải đăng ký, việc đăng ký có thể được làm vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình xem xét lại bản án nhưng không thể sau quyết định xem xét lại được công bố.
Quyết định bồi thường về vật chất thuộc thẩm quyền của Toà án đã xem xét lại bản án hoặc là Toà án nếu Toà này đã ra quyết định cuối cùng mà không cần xem xét lại, hoặc Toà án đã xét lại. Cũng tương tự như vậy đối với các vụ việc được xem xét lại ở Toà án công binh.
Tóm lại mọi trường hợp quyết định bồi thường đều do Toà án quyết định. Các khoản bồi thường này được Nhà nước chi trả và được chi như án phí hình sự, trừ những ngoại lệ trong các trường hợp việc bồi thường cần phải thông qua một quá trình chứng minh đánh giá, mà kết quả cho thấy việc thiệt hại chính do lỗi của nguyên đơn dân sự người tố giác hoặc nhân chúng giả mà bản án được tuyên./.
SOURCE: TẠP CHÍ THANH TRA SỐ THÁNG 10 NĂM 2009 – TRẦN THỊ THU THỦY
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)