>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Nguyên thủy, nó phản ảnh sự quan ngại đối với một số quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế vội vã, chọn cách phát triển thiển cận, miễn sao tăng thu nhập hiện tại cho nhanh, mà không để ý đến những nguy hại dài lâu của lối phát triển ấy đến môi trường sinh thái (tàn phá rừng, sa mạc hoá…), đến trữ lượng hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên (quặng mõ, dầu hoả, khí đốt).
Ý niệm “phát triển bền vững” nhấn mạnh đến khả năng phát triển kinh tế liên tục lâu dài, không gây ra những hậu quả tai hại khó khôi phục ở những lãnh vực khác, nhất là thiên nhiên. Phát triển mà làm hủy hoại môi trường là một phát triển không bền vững, phát triển mà chỉ dựa vào những loại tài nguyên có thể cạn kiệt (mà không lo trước đến ngày chúng cạn kiệt thì phải làm sao) là một phát triển không bền vững. Có người còn thêm rằng lối phát triển tùy thuộc quá nhiều vào ngoại lực (như FDI) cũng là khó bền vững, vì nguồn ấy có nhiều rủi ro, không chắc chắn. Nói ngắn gọn, phát triển là không bền vững nếu nó thật “nóng” trong một thời kỳ, song cái “nóng” đó không thể giữ lâu, nền kinh tế chóng rơi vào khủng hoảng, hay ít nhất cũng chậm lại trong tương lai.
Không thể chối cãi: “phát triển bền vững” là một ý niệm hữu ích, đáng lưu tâm. Nhưng chỉ để ý đến liên hệ giữa môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, và tăng trưởng kinh tế là chưa khai thác hết sự quan trọng của ý niệm “bền vững”. Ý niệm ấy sẽ hữu ích hơn nếu được áp dụng vào hai thành tố nòng cốt khác của phát triển, đó là văn hoá và xã hội.
Để rõ ràng, cần khẳng định một điều ai cũng biết, là văn hoá và xã hội phải nằm trong tiêu đích phát triển: một quốc gia thật sự phát triển không chỉ là quốc gia trong đó người dân có thu nhập cao, mà còn là một quốc gia có đời sống văn hoá sung mãn, một quốc gia mà cộng đồng có những đức tính làm “ấm lòng” thành viên xã hội đó. Điều khó thấy hơn là chính sự phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi sự bền vững trong phát triển xã hội và văn hoá, vì văn hoá và xã hội còn có vai trò thành tố của phát triển kinh tế.
■ Phát triển xã hội bền vững
Nhà xã hội học người Mỹ James Coleman (1926-95) phân biệt ba loại vốn: vốn vật thể là kết quả của những biến đổi vật thể để tạo thành những công cụ sản xuất, vốn con người là kết quả những biến đổi trong con người để cấu thành tài nghệ và khả năng thao tác, vàvốn xã hội.
Theo Coleman, “vốn xã hội” có ba đặc tính: Thứ nhất, nó tùy thuộc vào mức độ mà người trong xã hội tin cậy nhau. Nói cách khác, nó tùy thuộc vào nghĩa vụ mà mỗi người tự ý thức, và kỳ vọng của người này ở người khác. Thứ hai, nó có giá trị vì là gói ghém những liên hệ xã hội, và những liên hệ này mang đặc tính của kênh truyền thông. Nói rõ hơn: qua liên hệ tiếp xúc với hàng xóm, bạn bè, mỗi người có thể thu thập nhiều thông tin hữu ích cho cuộc sống, thay thế phần nào những phương tiện truyền thông tân thời như sách báo, truyền thanh, truyền hình. Thứ ba, vốn xã hội càng lớn nếu xã hội càng có nhiều lề thói (nhất là những lề thói mà người không tuân theo sẽ bị trừng phạt).
Chi tiết hơn, Coleman phân biệtvốn xã hội trong gia đình và vốn xã hội trong cộng đồng. Trong mỗi gia đình, con cái có thể lĩnh hội vốn tài chính, vốn con người, và vốn xã hội trong gia đình. Vốn tài chính là do của cải và thu nhập gia đình. Loại vốn này là một nguồn lực vật chất cho các em: sách vở cần thiết, nơi ngồi học thoải mái, và tiền bạc để ứng phó những nhu cầu thường nhật. Vốn con người là phản ảnh trình độ văn hoá của cha mẹ, cho con cái một môi trường hiểu biết trong sự học hành. Vốn xã hội (trong gia đình) thì khác, nó tùy thuộc vào mức quan tâm, thời giờ mà cha mẹ dành cho con cái trong những sinh hoạt trí tuệ. Một gia đình dù giàu có (vốn tài chính là sung túc), cha mẹ có học vấn cao (vốn con người nhiều), nhưng nếu thờ ơ với con cái (vì quá bận mưu sinh chẳng hạn) thì sẽ nghèo vốn xã hội trong gia đình. Nói gọn, vốn xã hội trong gia đình tùy thuộc vào sự có mặt của phụ huynh, và sự quan tâm của họ đến con cái.
Vốn xã hội trong cộng đồng cũng có một ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của lớp trẻ. Vốn này nằm trong liên lạc xã hội giữa phụ huynh, và giữa phụ huynh và các thể chế cộng đồng. Ví dụ, nếu cha mẹ học sinh không biết nhau, hoặc nếu gia đình các em thường thay đổi chỗ ở, thì sẽ khó giúp nhau theo dõi sự học hành, canh chừng các sinh hoạt của con em, và vì thế vốn xã hội sẽ yếu đi.
Đi xa hơn Coleman, Francis Fukuyama (tác giả quyển “Điểm Tận của Lịch Sử”nổi tiếng)cho rằng vốn con người và vốn xã hội có ảnh hưởng lẫn nhau. Cụ thể, theo ông, vốn con người có thể làm tăng vốn xã hội (người có học sẽ ý thức hơn tầm quan trọng của sự lưu tâm đến con cái, và ngược lại, khi con cái được quan tâm thì sẽ cố gắng học hành, trau giồi vốn con người). Song Fukuyama đưa thêm nhận định: không phải loại vốn nào cũng là tốt. Vốn xã hội có thể xấu (băng đảng tội phạm chẳng hạn), vốn vật thể có thể xấu (vũ khí để làm tội ác), vốn con người có thể là xấu (trí tuệ dùng để nghĩ ra những phương pháp hành hạ, tra tấn, chí đến diệt chủng)
Như vậy, áp dụng ý niệm vốn xã hội của Coleman và Fukuyama (và nhiều người khác nữa, xin xem bài của Trần Hữu Dũng, Thời Đại số 8), một sự phát triển không đồng thời vun quén vốn xã hội là một phát triển không bền vững. Dù rằng, như nhà kinh tế Kenneth Arrow (Nobel 1972) đã chỉ rõ, ưu điểm của vốn xã hội là nó không cạn kiệt qua sử dụng, song cái nguy hiểm là loại vốn này dễ bị suy mòn nếu đường lối phát triển là không đúng, và không thể một sớm một chiều tái tạo hay vay mượn nó được. Chính sách phát triển mà chỉ hô hào làm giàu (thậm chí có người cho rằng phải chấp nhận mức độ tham ô nào đó trong giai đoạn gia tốc phát triển) sẽ hủy hoại tính cộng đồng, làm mất sự tin cẩn lẫn nhau, và do đó làm suy giảm vốn xã hội. Khó nghĩ hơn, hầu như bất cứ phát triển kinh tế nào cũng cần những luồng chảy lao động (dân vùng này đi làm vùng khác) thông thoáng, tuy nhiên sự di cư này sẽ ảnh hưởng trực tiếp (có phần tiêu cực) đến gắn bó gia đình, và do đó vốn xã hội. “Phát triển bền vững” đòi hỏi sự đánh đổi tối ưu, ăn khớp, giữa nhiều diễn biến xã hội và kinh tế khác nhau.
Thiếu vốn xã hội (hoặc nếu vốn xã hội không được kịp thời thay thế bởi những loại vốn khác) thì phát triển sẽ không bền vững.Một quốc gia thiếu tính cộng đồng, thiếu tình tự dân tộc là một quốc gia không phục vụ những nhu cầu cơ bản của con người (dù thu nhập vật chất có là cao), tức là một quốc gia không phát trỉển.
■ Phát triểnvăn hoá bền vững
Phát triển bền vững cũng đòi hỏi một phát triển văn hoá. Một nền văn hoá tốt đẹp là cần thiết vì đời sống chúng ta không thể gọi là “khá hơn” (theo bất cứ định nghĩa nào, miễn là nhất quán và trung thực) nếu văn hoá không khá hơn, hoặc ít nhất cũng là không tệ đi.
Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội (tiên khởi là nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002)) cho rằng, muốn hiểu văn hoá như một nhân tố trong đời sống kinh tế, và nhất là muốn đánh giá vai trò của nó trong tiến trình phát triển, thì nên nhìn nó như một loại vốn — tương tự như ba loại vốn thường biết khác. (Đó là: vốn vật thể, như máy móc, thiết bị; vốn con người, như kỹ năng, kiến thức; và vốn thiên nhiên, gồm những tài nguyên do thiên nhiên cống hiến và môi trường sinh thái.)
Thêm một bước, có thể phân biệt hai dạng vốn văn hoá: vật thể và phi vật thể. (Một phần đoạn sau đây đã đăng trên Tia Sáng số xuân 2003.) Vốn văn hoá vật thể là gồm những công trình kiến trúc, đền đài cung miếu, di tích lịch sử, những địa điểm có ý nghĩa văn hoá. Loại vốn này cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay (chẳng hạn như du lịch), hoặc là “đầu vào” cho sản xuất những sản phẩm và dịch vụ (văn hoá cũng như ngoại văn hoá) trong tương lai, Dạng kia, vốn văn hoá phi vật thể, là những tập quán, phong tục, tín ngưỡng, và các giá trị khác của xã hội. Loại vốn văn hoá này (cùng những nghệ phẩm công cộng như văn chương và âm nhạc) là một loại dây, một thứ keo gắn kết cộng đồng. Nó cũng cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay, họăc dùng trong sản xuất những sản phẩm văn hoá trong tương lai.
Những nhận xét trên cho thấy vài hai liên hệ giữa văn hoá, kinh tế, và phát triển.
Một là, giá trị kinh tế có thể tăng lên nhờ giá trị văn hoá. Lấy ví dụ một ngôi nhà có tính di tích lịch sử. Ngôi nhà ấy có giá trị kinh tế như một kiến trúc (ngụ cư hoặc thương mại), biệt lập với giá trị văn hoá. Song nhiều người sẽ sẳn sàng mua ngôi nhà đó một giá cao hơn giá trị vật thể thuần tuý của nó. Hầu như mọi loại vốn văn hoá vật thể đều có thể được nghĩ đến như ngôi nhà lịch sử trong ví dụ, tức là chúng bơm tiêm giá trị văn hoá vào giá trị kinh tế của vật thể, làm tăng thêm, có thể gấp nhiều lần, giá trị của vật thể ấy.
Hai là, vốn văn hoá giúp ta hiểu sâu hơn về ý niệm tính bền vững của phát triển. Đóng góp của nó vào khả năng phát triển dài hạn không khác gì đóng góp của vốn thiên nhiên. Vì môi trường sinh thái là thiết yếu cho hầu hết hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng, bỏ bê môi trường đó qua sự khai thác quá đáng tài nguyên sẽ làm giảm sản năng và phúc lợi kinh tế. Không bảo dưỡng vốn văn hoá (để di sản đồi trụy, làm mất bản sắc văn hoá dân tộc) cũng có những hậu quả tai hại như vậy.
Như vậy, phát triển toàn bộ phải gồm phát triển văn hoá, và phát triển bền vững phải gồm sự tôn trọng và bảo tồn những “vốn văn hoá”. Một sự phát triển văn hoá bền vững không chỉ là một sự phát triển có tính nâng cao văn hoá chung chung (dù như vậy cũng là rất đáng quý). Nếu sự phát triển ấy làm mất đi những khía cạnh tốt của văn hoá đang có, thì nó không thể là một phát triển bền vững. Tương tự, nếu sự phát triển vài loại hình văn hoá nghệ thuật sẽ làm ô uế những văn hoá khác, hoặc những môi trường khác, thì phát triển đó là không bền vững.
Văn hoá cần phát triển không chỉ vì giá trị tự tại của nó, nhưng còn bởi sự quan trọng của nó trong phát triển xã hội và kinh tế, và giá trị của những phát triển này. Nói khác đi, phát triển kinh tế mà không phát triển văn hoá là một phát triển què quặt, không cân đối. Tất nhiên. Nhưng ít người để ý thêm rằng chính sự vơi cạn vốn văn hoá (nếu xảy ra) sẽ làm đổ vỡ phát triển kinh tế (và xã hội), nghĩa là một sự phát triển kinh tế không bền vững,
Hãy nhìn kĩ xem đường lối phát triển đương hành là có hại gì đến văn hóa không. Sự hủy hoại này có thể dễ thấy như sự suy đồi các di tích lịch sữ, những cảnh quan thu hút khách du lịch, nhưng nó cũng có thể gián tiếp, như sự suy thoái văn chương, nghệ thuật, ngôn ngữ bản xứ. Sự tràn lan của tiếng Anh ngày nay là một thí dụ nổi bật: hiển nhiên sự phổ cập tiếng Anh sẽ có lợi cho thương mại và công nghiệp cần thiết để phát triển, nhưng nó cũng hút đi phần nào sinh lực phát triển của ngôn ngữ và văn chương bản xứ, làm giảm đi một loại vốn văn hoá.
Cái nguy hiểm là, trong cuộc chạy đua phát triển, ta quên đi những giá trị văn hoá dân tộc, và đến một lúc nào đó, nhìn lại thì đã mất nó từ lâu. Nên nói rõ rằng đây không phải chỉ là bảo tồn văn hoá vì cái hay, cái đẹp của nó, nhưng mà giữ gìn tính kế thừa của văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác, bảo tồn vai trò của nó trong những giai đoạn phát triển về sau. Không có nó thì sự phát triển hôm nay chẳng những là què quặt, nhưng còn là một phát triển không bền vững.
Lấy một ví dụ: lối phát triển (trên hầu hết thế giới) hiện nay là nhằm vào tiện nghi, nhưng theo đuổi tiện nghi thường làm mòn đi sự tinh tế thẩm mỹ (“sao cũng đưọc, miển là tiện lợi” như nhà phê bình mỹ học Virginia Postrel đã nhận xét). Một khi cảm quan thẩm mỹ bị “tầm tầm hoá” thì tính sáng tạo cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và không ai có thể nghi ngờ rằng sự kiện này sẽ làm tốc độ phát triển chậm lại. Nói khác đi, lối phát triển chỉ nhằm tăng tiện nghi sinh hoạt, bất chấp thẩm quan văn hoá, là không bền vững.
Tóm lại, nếu ta nhìn nhận có một liên kết giữa vốn kinh tế, vốn văn hoá và vốn xã hội (trong đó có vốn con người), thì hủy hoại vốn văn hoá và vốn xã hội cũng là hủy hoại vốn kinh tế. Nói cách khác, những mất mát, suy đồi không thể phục hồi của văn hoá và xã hội sẽ hăm dọa sự bền vững của phát triển kinh tế.
Trần Hữu Dũng
Dayton
24-10-04
SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG SỐ THÁNG 11/2004
Trích dẫn từ: http://www.viet-studies.info/THDung/THD_PhatTrienBenVung.htm