1/ Cơ sở pháp lý:

– Luật thương mại năm 2005;

– Bộ luật dân sự năm 2005.

2/ Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 151 Bộ luật dân sự năm 2005:

Điều 151. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn

2. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:

b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;”.

Vì hợp đồng giữa hai bên có thỏa thuận giao hàng đợt hai vào giữa tháng 10, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 151 Bộ luật dân sự năm 2005, như vậy, thời điểm công ty A giao hàng đợt hai cho bên bạn là ngày 15/10/2016.

Tại khoản 1 Điều 37 Luật thương mại năm 2005 quy định:

Điều 37. Thời hạn giao hàng
1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng”.
Như vậy, công ty A phải giao hàng cho công ty của bạn vào đúng thời điểm giao hàng ngày 15/10/2016 đã thỏa thuận trong hợp đồng. Vì ngày 23/10 công ty A mới giao hàng, không đúng ngày 15/10 do đó công ty A đã vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 294 quy định:
Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm”.

Sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Điều 161 Bộ luật dân sự năm 2005 là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Từ những căn cứ trên cho thấy, vì lý do nước sông cạn công ty A không thể giao hàng đúng thời hạn thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng và thuộc trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm.
Để được miễn trách nhiệm, công ty A phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên bạn về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.
Nếu công ty A thực hiện không đúng việc thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Bồi thường thiệt hại, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Trân trọng ./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Luật LVN Group biên tập