Kính thưa quý khách hàng!
Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:
NỘI DUNG YÊU CẦU
Anh được tư vấn về chế độ chi trả phụ cấp đứng lớp đối với CBQL nhà trường :Cụ thể như sau:
Anh là hiệu trưởng THCS, theo TT28 của bộ anh dạy 2 tiết/tuần, nhưng trong qúa trình thực hiện anh dạy không đủ số tiết theo quy định. Sau khi có đơn kiện, đoàn xác minh kiểm tra và tham mưu cho chủ tịch UBND huyện kết luận truy thu số tiết dạy thiếu của a. Phòng tài chính – kế hoạch huyện đã tính toán việc truy thu trên cơ sở TT28 là anh dạy 2 tiết/ tuần = 8 tiết/tháng, sau đó lấy số tiền phụ cấp của a được hưởng chia cho số tiết tương ứng
Ví dụ:
* Năm học 2016 – 2017 anh phải dạy 2 tiết/tuần x 37 tuần = 74 tiết
Anh đã dạy 44/74 tiết = 59,46%
Số tiền được nhận = 37.124.010 x 59,46% = 22.073.936 đ
Số tiền phải thu hồi = 37.124.010 – 22.073.936 = 15.050.074 đ
Như vậy đồng nghĩa với việc truy thu của anh tương đương hơn 500 ngàn đồng 1 tiết dạy, theo a nghĩ việc chi trả phu cấp đứng lớp cho nhà giáo thì không kể CBQL hay GV, nếu truy thu phải chia cho 19 tiết/tuần = 76 tiết /năm. Còn lí do nữa phòng TC- KH trả tiền lớp treo theo lương cơ bản và khi chi trả cho GV chỉ khoảng 18.000đ/tiết dạy, thì lí do gì trừ của anh hơn 500 ngàn đồng/tiết hơn cả ngày lương của a.
Nhờ văn phòng tham khảo và cho anh biết việc thực hiện truy thu có đúng không. Xin cảm ơn.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc giáo viên phổ thông;
Thông tư số: 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quyết định 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do thủ tướng chính phủ ban hành;
Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thực hiện quyết định 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do bộ giáo dục và đào tạo – bộ nội vụ – bộ tài chính cùng ban hành;
Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo;
NỘI DUNG TƯ VẤN
Ngoài lương thì phụ cấp luôn là một trong những điều mà giáo viên quan tâm, Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 244/2005/QĐ-TTG và hướng dẫn tại Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&DT-BNV-BTC, chế độ phụ cấp ưu đãi được áp dụng với những đối tượng sau:
“1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
a) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);
b) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;
c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền”
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định về định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng.
“Điều 7. Định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
2. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.”
Khoản 2 Điều này được sửa, đổi bổ sung theo Khoản 6 Điều 1 thông tư 15/2017/TT-BGDĐT như sau:
“2. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học”.
Quy định này chỉ rõ: Hiệu trưởng có nhiệm vụ giảng dạy dạy một số tiết để nắm được nội dung. Cụ thể, Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy.
Như thông tin quý khách cung cấp: Phòng tài chính – kế hoạch huyện đã tính toán việc truy thu trên cơ sở Thông tư 28 là quý khách giảng dạy 2 tiết/ tuần = 8 tiết/tháng. Sau đó lấy số tiền phụ cấp của quý khách được hưởng chia cho số tiết tương ứng. Để xác định được cách tính này đúng hay sai? Cần xác định mức phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy được xác định như thế nào?
Điều 76 Luật giáo dục 2019 quy định về tiền lương của giáo viên như sau: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Có thể thấy, nhà giáo được xếp lương dựa trên hai yếu tố:
Thứ nhất, vị trí việc làm
Thứ hai, phụ cấp. Phụ cấp thì hiện nay giáo viên có hai loại phụ cấp nổi trội nhất là phụ cấp trực tiếp giảng dạy và phụ cấp thâm niên.
Theo quy định tại Khoản 2 Quyết định 244/2005/QĐ-TTG được hướng dẫn bởi Điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì mức phụ cấp ap dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy được tính như sau:
“II. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH
1. Mức phụ cấp
a) Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh);
b) Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;
c) Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;
d) Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề;
đ) Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng;
e) Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Việc xác định địa bàn miền núi thực hiện theo quy định của Uỷ ban Dân tộc; địa bàn hải đảo theo thực tế địa lý; địa bàn vùng sâu, vùng xa tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn sau khi có ý kiến thống nhất của Liên Bộ.
2. Cách tính
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi;
III. PHƯƠNG THỨC VÀ NGUỒN CHI TRẢ
1. Phương thức chi trả
Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Nguồn chi trả
Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi được sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục theo quy định và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương.”
Như vậy, có thể thấy mức phụ cấp giảng dạy đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong trường trung học phổ thông là 30%.
Cách tính mức phụ cấp trực tiếp giảng dạy như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng= Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Ngoaì ra, giáo viên còn được hưởng phụ cấp thâm niên đối với Nhà giáo theo 54/2011/NĐ-CP.
Do đó, không có quy định cụ thể 1 tiết học của quản lý như: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được xác định bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể thấy việc đứng giảng dạy cũng là một phần nhiệm vụ của hiệu trưởng. Đặc thù công việc của Hiệu trưởng là quản lý, giảng dạy không phải là công việc chủ yếu.
Do vậy, nếu lấy tổng số tiền phụ cấp mà quý khách được hưởng để chia cho số tiết tương ứng mà quý khách phải dạy là không có cơ sở.
Theo quan điểm của Luật LVN Group, quý khách nên làm đơn đề nghị yêu cầu phòng tài chính làm rõ việc khấu trừ trên dựa trên căn cứ cơ sở nào.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Chế độ phụ cấp của giáo viên”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn!