1. Có mấy hình thức bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành ?

Hiện nay, nhà nước đã quy định và đưa vào áp dụng trong đời sống xã hội hai hình thức bảo hiểm xã hội chính là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

– Bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. 

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị giới hạn trong phạm vi các đối tượng quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm có: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, ..

– Bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là:

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội hiện nay quy định có bao nhiêu chế độ đối với người tham gia? 

Hiện nay pháp luật bảo hiểm xã hội của Việt Nam quy định có 05 chế độ, quy định lần lượt từ Mục 1 đến Mục 5 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 gồm: Chế độ ốm đau, Chế độ thai sản, Chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Chế độ hưu trí và Chế độ tử tuất.

Chế độ ốm đau đây là chế độ trợ cấp ốm đau được quy định nhằm đảm bảo thu nhập, đời sống cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và gia đình họ khi họ ốm đau, tai nạn, rủi ro phải tạm thời nghỉ việc hoặc khi phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm hay nghỉ việc để thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Chế độ thai sản là chế độ được quy định nhằm mục đích đảm bảo thu nhập cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ sinh con hoặc phải tạm thời nghỉ việc khi nhận nuôi con nuôi. Điểm mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 là trong trường hợp cả vợ và chồng đều tham gia bảo hiểm xã hội mà vợ sinh con thì chồng sẽ được nghỉ và hưởng chế độ tùy theo phương thức sinh và số con được sinh ra.

Chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp là chế độ được quy định nhằm đảm bảo việc chữa trị và bù đắp thu nhập cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người sử dụng lao động chịu toàn bộ trách nhiệm về chi phí ý tế, tiền lương trong thời gian người lao động điều trị. Cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả phí giám định thương tật, trợ cấp thương tật, trợ cấp phục vụ, phương tiện trợ giúp sinh hoạt dựa trên mức độ thương tật của người lao động theo quy định của pháp luật.

Chế độ hưu trí đây là chế độ được áp dụng nhằm hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có cuộc sống ổn định khi họ không còn khả năng lao động vì tuổi già. Chế độ hưu trí gồm chế độ lương hưu hàng tháng và chế độ hưởng trợ cấp một lần khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Chế độ tử tuất chế độ này được áp dụng nhằm san sẻ những chi tiêu liên quan đến việc mai táng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi họ qua đời và hỗ trợ nuôi dưỡng thân nhân của người lao động mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng họ khi còn sống. Thân nhân của người lao động được hưởng trợ cấp mai táng theo Điều 66 và xét hưởng tiền tuất một lần hoặc tuất hàng tháng theo quy định tại Điều 67, Điều 68, Điều 69 và Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Đây là toàn bộ 05 chế độ đới với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện mới có Chế độ Hưu trí và Chế độ tử tuất.

3. Các phương thức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành ?

3.1. Các phương thức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Hiện tại, các phương thức đóng bảo hiểm bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động có thể sử dụng là đóng hàng tháng hoặc đóng định kỳ 03, 06, 12 tháng một lần.

Trường hợp đóng hàng tháng: Hàng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần: Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hằng tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

– Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phương thức đóng là 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nếu người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.

– Đối với trường hợp đóng cho thời gian còn thiếu không quá 06 tháng: Người lao động đóng một lần cho số tháng còn thiếu thông qua đơn vị trước khi nghỉ việc; Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc hoặc thân nhân của người lao động chết đóng một lần cho số tháng còn thiếu tại cơ quan BHXH huyện nơi cư trú.

– Đối với người lao động hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần thông qua đơn vị quản lý cán bộ, công chức có phu nhân hoặc phu quân để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Đóng theo địa bàn, đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó.

3.2. Các phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể lựa chọn một trong các phương thức sau:

– Đóng hằng tháng;

– Đóng 03 tháng một lần;

– Đóng 06 tháng một lần;

– Đóng 12 tháng một lần;

– Đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.

– Đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu (đối với những người đủ điều kiện về hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm.

4. Câu hỏi mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không ?

Câu hỏi: Thưa Luật sư của LVN Group! Hai vợ chồng tôi đang làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn và nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ từ năm 2018. Nay vợ tôi mang thai hộ chị gái thì khi vợ tôi sinh thì vợ tôi có được nhận tiền thai sản không? Và chị gái tôi không đủ điều kiện hưởng chế độ thì anh rể tôi có được hưởng không (anh rể tôi cũng có đóng BHXH)?

Trả lời:

Thứ nhất, với trường hợp của bạn, theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 lao động nữ mang thai hộ là một trong các trường hợp được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Tuy nhiên, để xác định vợ bạn có được hưởng không cần xem xét vợ bạn có đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước sinh hay không. Cụ thể, khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:

Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Vậy, chỉ cần vợ bạn đóng từ đủ 06 tháng bảo hiểm xã hội trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con là đã đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con rồi.

Thứ hai, trường hợp của anh chị bạn, sẽ xảy ra hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Chị ban có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì anh bạn cũng không được hưởng chế độ.

Trường hợp 2: Nếu chị bạn không tham gia bảo hiểm xã hội thì theo quy định tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH thì anh bạn phải đáp ứng điều kiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng tính tới thời điểm nhận con thì mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

5. Câu hỏi về mẹ đơn thân có được hưởng chế độ thai sản không ?

Câu hỏi: Thưa Luật sư của LVN Group, tôi là mẹ đơn thân mới bắt đầu tham gia bảo hiêm xã hội. Tôi muốn hỏi khi sinh con, tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc của mình cho chúng tôi, chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Hiện nay, luật BHXH không đặt ra điều kiện phải có vợ hoặc có chồng đầy đủ thì mới được hưởng chế độ thai sản. Luật chỉ đặt ra các điều kiện để hưởng chế độ thai sản tại Điều 31 Luật BHXH 2014 như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Lao động nữ sinh con;

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Do vậy nếu là mẹ đơn thân, bạn vẫn được hưởng chế độ khi sinh con chỉ cần đáp ứng điều kiện đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp. 

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group