Khách hàng: Kính chào Luật sư LVN Group, Luật sư hãy giúp tôi phân tích rõ về khái niệm thanh toán và các phương thức thanh toán quốc tế là gì? Điều kiện thanh toán có ý nghĩa như thế nào trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do?
Cảm ơn!
Trả lời:
1. Khái niệm thanh toán
Thanh toán đơn giản là thuật ngữ ngắn gọn mô tả việc chuyển giao các phương tiện tài chính từ một bên sang một bên khác. Tiền là phương tiện thực hiện trao đổi hàng hóa, đồng thời là việc kết thúc quá trình trao đổi. Lúc này tiền thực hiện chức năng phương tiện thanh toán. Sự vận động của tiền tệ có thể tách rời hay độc lập tương đối với sự vận động của hàng hoá. Thực hiện chức năng phương tiện thanh toán, tiền không chỉ sử dụng để trả các khoản nợ về mua chịu hàng hóa, mà chúng còn được sử dụng để thanh toán những khoản nợ vượt ra ngoài phạm vi trao đổi như nộp thuế, trả lương, đóng góp các khoản chi dịch vụ …
Lưu thông không dùng tiền mặt là các quá trình tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán không trực tiếp bằng tiền mặt mà thực hiện bằng cách trích chuyển trên các tài khoản ở Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc bù trừ lẫn nhau giữa những người phải thanh toán và những người thụ hưởng.
Thanh toán không dùng tiền mặt chỉ được phát triển và hoàn thiện trong nền kinh tế thị trường và được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh tế tài chính đối nội cũng như đối ngoại. Sự phát triển rộng khắp của thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay là do yêu cầu phát triển vượt bậc của nền kinh tế hàng hoá. Kinh tế hàng hoá phát triển càng cao, khối lượng hàng hoá trao đổi trong nước và ngoài nước càng lớn thì cần có những cách thức trả tiền thuận tiện, an toàn và tiết kiệm.
Xét về mặt lý luận, thanh toán không dùng tiền mặt là một hình thức vận động của tiền tệ. Ở đây, tiền vừa là công cụ kế toán, vừa là công cụ để chuyển hoá hình thức giá trị của hàng hoá và dịch vụ. Mặt khác, thanh toán không dùng tiền mặt là nghiệp vụ có quá trình chứa đựng những công nghệ tinh vi và phức tạp. Khi thực hiện chức năng phương tiện thanh toán có thể sử dụng tiền đủ giá (vàng) hoặc dấu hiệu giá trị. Trở ngại chính của tiền giấy và tiền kim loại là chúng dễ bị đánh cắp và có thể tốn nhiều chi phí vận chuyển; để khắc phục nhược điểm này, cùng với bước phát triển của hệ thống thanh toán là sự ra đời của séc trong hoạt động của Ngân hàng hiện đại. Điều này cải tiến một bước rất quan trọng trong thanh toán, nâng cao hiệu quả thanh toán. Chúng có thể được sử dụng bù trừ trong thanh toán, giảm chi phí vận chuyển và đặc biệt là nó an toàn, ghi theo số lượng tiền tuỳ ý. Tuy nhiên, nó có hai nhược điểm cơ bản: thanh toán chậm do không được ghi “Có” ngay vào tài khoản người thụ hưởng và chi phí in ấn, quản lý còn cao.
2. Phương thức thanh toán quốc tế
Trong việc tổ chức thanh toán giữa các tổ chức tín dụng ở các quốc gia khác nhau để thực hiện các khoản thu chi liên quan đến hoạt động kinh tế chính trị – xã hội đều diễn ra qua việc xử lý các giấy tờ thanh toán nhất định gọi là nghiệp vụ thanh toán quốc tế.
Thanh toán quốc tế có thể kể đến những phương thức sau:
Phương thức chuyển tiền
Trong thanh toán quốc tế, một khách hàng (người trả tiền) có thể yêu cầu Ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền cho một người khác (người thụ hưởng) ở một địa điểm nhất định bằng hai cách: Chuyển tiền điện hay chuyển tiền bằng thư. Phân biệt nội dung 2 cách này là thời gian nhanh hay chậm, phí cao hay thấp. Nếu khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài thì việc thanh toán thực hiện bằng ngoại tệ, nó được sử dụng chủ yếu trong thanh toán phi mậu dịch, các dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá…
Phương thức uỷ thác thu hay nhờ thu
Đây là phương thức thanh toán, trong đó người xuất khẩu sau khi hoàn tất nghĩa vụ xuất chuyển hàng hoá cho người nhập khẩu thì uỷ thác cho Ngân hàng phục vụ mình thu hộ số tiền ở người nhập khẩu trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra. Phương thức nhờ thu gồm nhờ thu phiếu trơn và nhờ thu kèm chứng từ.
Phương thức tín dụng chứng từ
– Trên cơ sở hợp đồng Thương mại đã ký kết, người nhập khẩu lập thủ tục xin mở thư tín dụng.
– Ngân hàng mở thư tín dụng thông báo nội dung và chuyển thư tín dụng qua Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu là Ngân hàng thông báo.
– Ngân hàng thông báo, báo tín cho người xuất khẩu về nội dung thư tín dụng đã mở.
– Người xuất khẩu nếu thấy nội dung thư tín dụng phù hợp yêu cầu cần thì tiến hành xuất hàng hoá cho người nhập khẩu.
– Sau khi xuất chuyển hàng hoá, người xuất khẩu lập bộ chứng từ thanh toán gửi Ngân hàng mở thư tín dụng (qua Ngân hàng thông báo).
– Ngân hàng mở thư tín dụng kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp thì thanh toán cho người xuất khẩu.
– Ngân hàng mở thư tín dụng đòi tiền người nhập khẩu và chuyển giao bộ chứng từ cho người nhập khẩu.
– Người nhập khẩu kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp với thư tín dụng thì hoàn trả tiền cho Ngân hàng, nếu không, có quyền từ chối trả tiền.
Phương thức thư tín dụng
Là một sự thỏa thuận, trong đó một Ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng, sẽ trả một số tiền nhất định, cho một người thứ ba hoặc chấp nhận hối phiếu do người thứ ba ký phát trong phạm vi số tiền đó, khi người thứ ba này xuất trình cho Ngân hàng bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những quy định đã đề ra trong thư tín dụng. Các loại thư tín dụng Thương mại chủ yếu gồm: Thư tín dụng có thể huỷ ngang; Thư tín dụng không thể huỷ ngang; Thư tín dụng không thể huỷ bỏ có xác nhận; Thư tín dụng chuyển nhượng. Đây là một nghiệp vụ được các Ngân hàng đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của khách hàng trong điều kiện quốc tế hoá thị trường hiện nay.
Ngoài những phương thức trên, ngân hàng còn thực hiện các nghiệp vụ thanh toán khác (biên lai tín thác), hoặc thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán, chiết khấu bộ chứng từ thanh toán…. Việc thực hiện giao dịch có thể qua đường thư, telex hoặc mạng máy tính qua hệ thống SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication): Hiệp hội tài chính viễn thông liên Ngân hàng toàn cầu. SWIFT được thành lập năm 1973 và đi vào hoạt động chính thức từ cuối năm 1977, trụ sở chính đặt tại thủ đô Bruxelles của nước Bỉ.
– SWIFT là hiệp hội của các Ngân hàng với mạng lưới viễn thông an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cao, quy mô hoạt động trên toàn thế giới. Đến nay đã có gần trên 150 thành viên quốc gia với hơn 4000 ngân hàng thành viên góp cổ phần, (không kể các thành viên phụ).
– SWIFT là tổ chức hoạt động không vì lợi ích tự thân, cung cấp cho các Ngân hàng thành viên một mạng riêng để chuyển giao dữ liệu trên phạm vi toàn cầu, xử lý các giao dịch liên Ngân hàng quốc tế với các đặc điểm cơ bản: tiêu chuẩn (Standard), an toàn (Security), trách nhiệm tài chính (Finacial Liablity), hợp tác (Cooperation).
– Khi nói đến SWIFT, thường hay nhắc đến việc tiêu chuẩn hoá. SWIFT sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế (International Standard Organization – ISO), ngược lại, ISO cũng cố gắng sắp xếp định dạng các bức điện trong thanh toán liên ngân hàng phù hợp với các khuôn mẫu do SWIFT đã đưa ra. Tất nhiên, các tiêu chuẩn của SWIFT cũng có quan hệ rất chặt chẽ với các quy chế của phòng Thương mại quốc tế Paris.
3. Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều Thành viên nhằm loại bỏ các rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các Thành viên với nhau.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể mang nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ Hiệp định Đối tác Kinh tế (Economic Partnership Agreement), Hiệp định thương mại Khu vực (Regional Trade Agreement)… nhưng bản chất đều là các thỏa thuận hướng tới tự do hóa thương mại giữa các Thành viên.
Thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể là các quốc gia (ví dụ Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ…) hoặc các khu vực thuế quan độc lập (ví dụ Liên minh châu Âu, Hong Kong Trung Quốc…). Vì vậy, thông thường khi nói tới Thành viên Hiệp định thương mại tự do (FTA), người ta hay dùng từ chung là “nền kinh tế”.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể là song phương (02 Thành viên) hoặc đa phương/khu vực (nhiều hơn 02 Thành viên).
Phạm vi “thương mại” trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh sinh lời, trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả các vấn đề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới thương mại (sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động, môi trường…). (Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI).
4. Nội dung của Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Phạm vi và các vấn đề được đề cập trong mỗi Hiệp định thương mại tự do (FTA) là khác nhau, phụ thuộc vào lựa chọn và thỏa thuận giữa các Thành viên Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, với tính chất chung là hướng tới loại bỏ rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các nền kinh tế thành viên, một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thường bao gồm các nội dung chính sau:
Nhóm các cam kết liên quan tới tự do hàng hóa (thương mại hàng hóa)
Nhóm này bao gồm các cam kết liên quan tới việc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hóa giữa các Thành viên, cụ thể:
– Ưu đãi thuế quan (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu): Thường là một Danh mục liệt kê các dòng thuế được loại bỏ và lộ trình loại bỏ thuế (loại bỏ ngay hay sau một số năm)
– Quy tắc xuất xứ: Bao gồm các cam kết về điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan và thủ tục chứng nhận xuất xứ
– Loại bỏ hoặc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan: Bao gồm các cam kết ràng buộc, hạn chế các biện pháp hạn chế/cấm xuất nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…
Ngoài ra, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn sau này còn có thêm các cam kết về các vấn đề thúc đẩy, hỗ trợ cho thương mại hàng hóa, ví dụ:
– Hải quan và tạo thuận lợi thương mại: Bao gồm cam kết về quy trình, thủ tục, minh bạch thông tin… trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa
– Các nguyên tắc trong đối xử với hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông trong thị trường nội địa.
Nhóm các cam kết liên quan tới tự do dịch vụ (thương mại dịch vụ)
Không phải Hiệp định thương mại tự do (FTA) nào cũng có các cam kết về thương mại dịch vụ. Thường thì các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán ký kết ở giai đoạn sau này mới có các cam kết về vấn đề này, thường sẽ bao gồm:
– Mở cửa thị trường dịch vụ: Thường là một Danh mục các dịch vụ cam kết mở và các điều kiện mở cửa cụ thể
– Các nguyên tắc liên quan tới việc đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi họ cung cấp dịch vụ vào Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân Việt Nam
Nhóm các cam kết liên quan tới các vấn đề khác
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn sau này thường có thêm các cam kết về một hoặc một số các lĩnh vực khác không phải thương mại hàng hóa, dịch vụ nhưng có vai trò quan trọng trong thương mại, đầu tư giữa các Thành viên như:
– Đầu tư (có thể là cam kết về đầu tư độc lập hoặc cam kết về đầu tư gắn với mở cửa thị trường dịch vụ)
– Sở hữu trí tuệ
– Cạnh tranh
– Minh bạch, chống tham nhũng
– Môi trường
– Lao động; …
=> Số các lĩnh vực và mức độ chi tiết của các cam kết trong mỗi lĩnh vực là khác nhau giữa các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tùy thuộc vào sự quan tâm của các Thành viên và bối cảnh đàm phán.
5. Ý nghĩa của điều kiện thanh toán trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do
Đại bộ phận các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hiện có đều cung cấp một số điều khoản giới hạn về điều kiện thanh toán đối với những giao dịch được điều chỉnh bởi Hiệp định. Trong khung cảnh kinh tế được tiền tệ hoá, mỗi hoạt động kinh doanh quốc tế đều dẫn tới việc chuyển hàng hoá từ nhà xuất khẩu sang nhà nhập khẩu, và, đồng thời, việc chuyên tiền- như một phương tiện thông thường của việc thanh toán, theo hướng ngược lại.
Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) chủ yếu thiết lập những điều kiện phổ biến cho yếu tố thứ nhất của hoạt động kinh doanh, cụ thể là việc chuyên hàng hoá.
Một nền kinh tế dựa trên sự đổi chác, hàng hoá được trao đôi cho nhau và không thanh tóán thông qua thị trường tiền tệ. Điều đó được coi là trường hợp đặc biệt và trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ không đề cập tới.
Riêng những quy định giải quyết yếu tố thứ hai thường nằm trong một điều khoản duy nhất, đó là: Thanh toán.
Những điều kiện theo đó hoạt động kinh doanh được tiến hành, xác định chi phí của hoạt động kinh doanh này. Những chi phí đó được cộng thêm vào giá của bản thân hàng hóa và bao gồm rất nhiều yếu tố có tính chất khác nhau, như vận tải, thông tin, những tiếp xúc kinh doanh, mọi loại bảo hiểm, sự đáp ứng quy chế kỹ thuật, thuế hải quan, những phí tổn hành chính, những dịch vụ ngân hàng, v.v… Mọi chi phí kinh doanh được gộp vào giá cuối cùng mà người nhập khẩu phải trả để lấy hàng. Bởi thế, chúng rất quan trọng đối vói khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, nghĩa là năng lực tìm được người mua nước ngoài. Các chi phí kinh doanh thậm chí có thể mang tính ngăn trở nếu chúng tạo thành một phần đáng kể của chi phí sản xuất hàng hoá, như có thể xảy ra trong trường hợp nhập khẩu số lượng lớn hoặc nhũng hạn chế xuất khẩu.
Chi phí kinh doanh có thể có những nguồn gốc khác nhau, một trong những nguồn đó là Nhà nước, các cơ quan nhà nước và các công cụ quản lý. Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đề cập chủ yếu đến các loại chi phí kinh doanh này. Trong những loại chi phí kinh doanh thuộc thẩm quyền của các bên, đa số những điều khoản của bản Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đều dính líu tói những điều kiện chuyển giao hàng hoấ mua bán quốc tế.
Một số điều khoản liên quan đến cấc điều kiện cụ thể của việc sản xuất hàng xuất khẩu và một số liên quan đến thái độ của các bên đối với nắm giữ ngoại tệ và chuyển đổi ngoại tệ: những điều kiện thanh toán trong kinh doanh quốc tế. Chương này liên quan đến vấn đề vừa nêu trên.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).