1. Khái niệm nuôi con nuôi

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010 thì nuôi con nuôi là:

1. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì khái niệm nuôi con nuôi được định nghĩa như sau:

” Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ, con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.”

Như vậy có thể hiểu nuôi con nuôi là việc một người trưởng thành ( hoặc một cặp vợ chồng hợp pháp ) nhận đứa trẻ không do mình trực tiếp sinh ra làm con. Việc nhận nuôi con nuôi này làm phát sinh quan hệ cha mẹ – con giữa người nhận nuôi con nuôi với người được nhận làm con nuôi.

2. Đặc điểm của việc nuôi con nuôi

– Việc nhận nuôi con nuôi được xác lập dựa trên cơ sở sự tự nguyện của các bên và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. 

Việc nhận nuôi con nuôi phải có được sự đồng ý của cả bên nhận nuôi và bên được nhận nuôi, không có sự ép buộc đe doạ phải nhận nuôi hay phải đồng ý nhận nuôi. Việc nhận nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Sau khi các bên tự nguyện thống nhất việc nhận nuôi thì việc nhận nuôi đó phải nhận được sự công nhận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi việc nhận nuôi mà không đúng với quy định của pháp luật và không có sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền đều bị coi là hành vi sai trái.

– Làm phát sinh quan hệ pháp luât cha mẹ – con giữa những người không có quan hệ huyết thống ( quan hệ nhân tạo )

Cha mẹ – con trong quan hệ nuôi con nuôi khônghệ  có quan hệ huyết thống. Người con nuôi không phải do trực tiếp mà người nhận làm bố mẹ nuôi sinh ra. Quan cha mẹ – con trong trường hợp này là quan hệ không cùng huyết thống, được tạo nên nhờ sự kiện nhận nuôi con nuôi.

– Nhằm đem lại lợi ích cho người được nhận nuôi. 

Người được nhận nuôi làm con nuôi ở đây là trẻ em, là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ, nuôi nấng, cần được nuôi nấng trong một môi trường tốt để có thể phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Trường hợp trẻ em  không có cha mẹ thì có quyền có một gia đình và được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật để đứa trẻ đó được chăm nom , nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Điều này cũng được ghi nhận tại Hiến pháp Việt Nam 2013, theo quy định tại Điều 37. Hiến pháp Việt Nam 2013

1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

– Có thể chấm dứt

Việc nhận nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong một số trường hợp do vi phạm quy định của pháp luật hoặc do thoả thuận của các bên.

3. Điều kiện của việc nhận nuôi con nuôi

* Điều kiên về nội dung

– Đối với người được nhận làm con nuôi

Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

 

Theo quy định của pháp luật một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Việc nuôi con nuôi hướng tới đối tượng trước tiên là trẻ em, nên pháp luật quy định độ tuổi tối đa của người được nhận làm con nuôi là trong khoảng dưới 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhận nuôi trong một số trường hợp luật định. Những người ở độ tuổi này chưa có sự trưởng thành nhất định về thể chất và tinh thần, rất cần sự quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của người lớn. 

– Đối với người nhận nuôi con nuôi

Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người muốn nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng các điều kiến sau: 

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị mất năng lực hành vi dân sự và không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

+ Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên

+ Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi: cần có khả năng tài chính đầy đủ hoặc có công việc có khả năng tạo ra thu nhập thường xuyên, có chỗ ở ổn định

+ Có tư cách đạo đức tốt.

Trường hợp người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì cần đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và các quy định khác theo đúng pháp luật. Ngoài ra người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú. 

– Quan hệ giữa người được nhận nuôi và người nhận nuôi

Sau khi hoàn tất thủ tục nhận nuôi con nuôi và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận thì người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi chính thức xác lập quan hệ cha mẹ – con

Giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi phải có sự chênh lệch về độ tuổi, con nuôi ít tuổi hơn bố mẹ nuôi ( ít nhất 20 tuổi trở lên)

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cấm các trường hợp có mối liên hệ thân thuộc với nhau làm thủ tục nhận nuôi. Cấm: ông, bà – cháu; anh, chị, em ruột với nhau

– Sự ưng thuận

+ Có sự đồng ý của cả bên nhận nuôi và bên được nhận nuôi;

+ Có sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận nuôi;

+ Một bên đồng ý nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ chết/ mất tích/ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được.

+ Có sự đồng ý của người giám hộ: phải có sự đồng ý của người giám hộ nếu cả cha mẹ đẻ chết/ mất tích/ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được

+ Bắt buộc phải có sự đồng ý của con nuôi nếu con nuôi trên 9 tuổi

* Điều kiện về hình thức

– Thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi

Căn cứ Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi, Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP, khoản 1 Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP thì thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện như sau:

+ Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

+ Đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi.

Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

+ Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ.

– Trình tự, thủ tục nhận nuôi con nuôi

+ Lập và nộp hồ sơ nuôi con nuôi: gồm có hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi

+ Giải quyết việc đăng ký nhận nuôi con nuôi

. Kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người có liên quan: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong thwoif hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tiến hành xong việc lấy ý kiến của những người quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.

+ Đăng ký việc nuôi con nuôi

Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật nuôi con nuôi năm 2010

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có ý kiến của người liên quan.

Giấy chứng nhận nuôi con được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

Lưu ý: Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

.