1. Thương mại điện tử là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Như vậy, TMĐT bản chất vẫn là hoạt động mua bán hàng hoá nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên mỗi trường Internet trên các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Sàn giao dịch TMĐT là một website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu của website có thể tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website đó, Ví dụ một số cái tên như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đang vô cùng thành công khi triển khai hình thức này.
2. Ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
– Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
– Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
– Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Trường hợp không cư trú ở Việt Nam, muốn tạo website TMĐT tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài trước hết cần đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nước sở tại. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam. Sau đó, cá nhân, tổ chức cần thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng theo quy định tại Điều 52 nghị định 52/2013/NĐ-CP.
3. Khái niệm về quản lý thuế
– Theo Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý Thuế 2019 quy định cụ thể như sau:
“Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.”
Quản lí thuế trong tiếng Anh là Tax management. Quản lí thuế là việc Nhà nước xác lập cơ chế, biện pháp để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của chủ thể nộp thuế, cơ quan thu thuế và các tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình thu, nộp thuế.
– Cơ quan quản lí thuế bao gồm:
- Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;
- Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.
– Theo Điều 5 Luật quản lý thuế 2019 quy định cụ thể như sau:
- Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.
- Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
- Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định của Chính phủ.
– Theo Điều 4 Luật quản lý thuế 2019 quy định cụ thể như sau:
- Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.
- Hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế.
- Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.
- Quản lý thông tin người nộp thuế.
- Quản lý hóa đơn, chứng từ.
- Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế.
- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
- Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
- Hợp tác quốc tế về thuế.
- Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
4. Quy định chung về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là cần thiết.
Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 về kê khai thuế quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Đây chỉ là một trong những nội dung mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong thời gian tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về nội dung quản lý với hoạt động thương mại điện tử.
5. Quy định về hoạt động TMĐT với các tổ chức nước ngoài
Hiện nay các thương nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh TMĐT tại Việt Nam thông qua các hoạt động đâu tư, lập chi nhảnh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Đặc biệt đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi cung cấp dịch vụ TMĐT thì phải có giấy phép kinh doanh. Giấy phép sẽ do Sở Công thương nơi tổ chức đó đặt trụ sở cấp.
Hiện tại, quy định về kê khai, nộp thuế với thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động TMĐT tại Việt Nam nhưng không có trụ sở, có một nội dung được quy định cụ thể đó là kê khai thuế nhà thầu. Mà hình thức thực hiện là thông qua hợp đồng giữa nhà thầu và cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ của nhà thầu tại Việt Nam.
Tại nước ta, việc sử dụng các dịch vụ của Google, Youtube hay Facebook, v.v… là rất phổ biến. Các doanh nghiệp này dù không có trụ sở tại Việt Nam nhưng lại phát sinh thu nhập tại Việt Nam thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ quảng cáo. Nhưng trong số đó, chỉ có một số doanh nghiệp tại Việt Nam mới thực hiện kê khai nộp thuế nhà thầu; nhưng nhà thầu nước ngoài lại phải đáp ứng đây đủ các điều kiện thì mới nộp thuế, như về nơi thường trú, cư trú tại Việt Nam; thời hạn kinh doanh và cả áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và có mã số thuế.
Nếu không đáp ứng những điêu kiện trên thì lúc này bên Việt Nam sẽ phải nộp thuế thay cho bên nhà thầu Bạn đọc có thể tham khảo chỉ tiết quy trình kê khai và nộp thuế tại bài viết Kê khai thuế nhà thầu đối với hóa đơn Google, Facebook
Vậy những thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động TMĐT tại Việt Nam, nhưng lại không hiện diện tại Việt Nam cung cấp dịch vụ TMĐT cho các tổ chức, cá nhân khác thì sẽ được quản lý như thế nào? Đó chỉnh là nội dung chính tại quy định Luật Quản lý thuế 2019. Cụ thể như sau:
“Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nên tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Có thể hiểu răng quy định đó đặt ra nghĩa vụ cuả các thương nhân, tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, nhưng có kinh doanh TMĐT tại Việt Nam phải trực tiếp đăng ký thuế khai thuế, nộp thuế hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện.
6. Quyền của người nộp thuế
Theo Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019 bên cạnh các quyền như Luật cũ, nhiều quyền mới được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế như:
– Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
– Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
– Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật về giao dịch điện tử.
– Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan.
– Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế
Theo quy định tại Điều 6 Luật quản lý thuế 2019 những hành vi bị nghiêm trong quản lý thuế bao gồm:
1. Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
2. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
3. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
4. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
5. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
6. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
7. Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
8. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.
Như vậy, nếu bất kì cá nhân, tổ chức vi phạm những điều cấm này đều sẽ bị xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.