1. Tài sản của quỹ gồm những gì ? Nguồn thu của quỹ gồm những nguồn nào ?

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, tài sản của quỹ bao gồm:

Thứ nhất, tiền Việt Nam đồng và tài sản được quy đổi ra Việt Nam đồng như vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản và các loại tài sản khác của các cá nhân, tổ chức.

Thứ hai, các khoản sinh lời từ tài sản, tài chính của quỹ;

Thứ ba là các tài sản, tài chính hợp pháp khác.

Lưu ý: Tài sản là tiền đồng Việt Nam; ngoại tệ, vàng quy đổi thành tiền đồng Việt Nam đóng góp cho quỹ phải được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng của quỹ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nguồn thu của quỹ:

Quỹ xã hội, quỹ từ thiện có các nguồn thu từ các hoạt động sau:

– Đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật. Nguồn thu của quỹ không bao gồm nguồn tài sản của các sáng lập viên đóng góp khi thành lập quỹ.

– Thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

– Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp (nếu có), bao gồm:

+ Thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước giao;

+ Thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng.

– Thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ.

– Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

2. Quy định về việc sử dụng tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện được sử dụng vào các hoạt động sau:

– Chi tài trợ cho các chương trình, đề án có nội dung và mục đích phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ gồm: vì mục đích nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và các mục đích xã hội khác vì sự phát triển cộng đồng theo điều lệ quỹ.

– Chi tài trợ theo uỷ quyền của các cá nhân, tổ chức và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo luật định.

– Chi cho các hoạt động tài trợ khác phù hợp với mục đích hoạt động quỹ và đúng pháp luật.

– Chi thực hiện các dịch vụ công, các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng hoặc các nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước giao.

– Chi cho các hoạt động quản lý quỹ.

– Mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm với tiền nhàn rỗi của quỹ.

– Chi cho việc thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo quy định pháp luật và điều lệ quỹ.

Lưu ý:

– Việc phân phối tài sản do đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của Chính Phủ trong các văn bản liên quan tới tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng hoặc đóng góp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

– Đối với nguồn viện trợ từ các tổ chức chính trị nước ngoài cũng thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ trong Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ chính phủ nước ngoài và các văn bản liên quan.

3. Chi cho hoạt động quản lý của quỹ bao gồm những nội dung chi nào ?

Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, việc chi cho hoạt động quản lý quỹ gồm các nội dung phải chi sau:

– Trả tiền lương và thành toán các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý quỹ.

– Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản đóng góp bắt buộc khác theo quy định.

– Trả tiền thuê cơ sở vật chất (ví dụ: thuê trụ sở quỹ), phương tiện làm việc (nếu có).

– Mua sắm, sữa chữa vật tư văn phòng, tài sản phục vụ hoạt động quỹ.

– Thanh toán các khoản công tác phí phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu hoạt động quỹ.

– Chi cho các hoạt động liên quan đến thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hóa; chi phí chuyển tiền; chi phí liên quan đến phân bổ tiền, hàng cứu trợ).

– Các khoản chi khác theo điều lệ và pháp luật.

4. Các quy định trong hoạt động quản lý tài sản, tài chính quỹ ?

Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, hoạt động quản lý tài sản, tài chính quỹ được quy định như sau:

– Hội đồng quản lý quỹ sẽ ban hành các quy định trong việc quản lý sử dụng tài sản, tài chính quỹ; các định mức chi tiêu và phê duyệt tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ, chuẩn y kế hoạch tài chính và xét duyệt quyết toán tài chính hằng năm của quỹ.

– Trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ, báo cáo kiến nghị với Hội đồng quản lý quỹ về tình hình tài sản, tài chính của quỹ thuộc về Ban kiểm soát quỹ.

– Giám đốc quỹ có nghĩa vụ chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng  tài sản, tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của quỹ theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ trên cơ sở nhiệm vụ hoạt động đã được Hội đồng quản lý quỹ thông qua.

– Hội đồng quản lý quỹ và Giám đốc quỹ có trách nhiệm thực hiện công khai tình hình tài sản, tài chính của quỹ hằng quý, hằng năm theo các tiêu chí sau:

+ Danh sách, số tiền, hiện vật đóng góp, tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho quỹ;

+ Danh sách, số tiền, hiện vật tổ chức, cá nhân được nhận từ quỹ; công khai kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp;

+ Báo cáo tình hình tài sản, tài chính và quyết toán quý, năm của quỹ theo từng nội dung thu, chi theo Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

– Quỹ phải thực hiện công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trên phương tiện thông tin đại chúng hàng năm theo quy định hiện hành.

5. Quy định về chủ thế có quyền vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ 

Chủ thể có quyền vận động, kêu gọi đóng góp tiền hàng, tiền cứu trợ gồm có:

– Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại tuỳ theo mức độ, phạm vi thiệt hại khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân. 

–  Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.

– Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

– Các cơ quan thông tin đại chúng như các báo, đài; các tổ chức đơn vị của quỹ xã hội, quỹ từ thiện hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Các chủ thể được phép tiếp nhận và phân phối tiền hàng, tiền cứu trợ bao gồm:

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Hội chữ thập đỏ Việt Nam;

– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương

– Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương.

– Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP.

– Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

– Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện như sau: toàn bộ số tiền huy động được sẽ nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban cứu trợ cùng cấp theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

6. Quy định về công tác kế toán của quỹ

Theo quy định tại Điều 31 nghị định 93/2019/NĐ-CP, quỹ phải tổ chức công tác kế toán, thông kê theo đúng quy định pháp luật về kế toán, thông kê cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan. Cụ thể:

– Thực hiện quy định về chứng từ kế toán; hạch toán kế toán và các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có liên quan đến quỹ;

– Tuân thủ quy định về việc mở sổ kế toán ghi chép và lưu trữ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính có liên quan đến quỹ theo quy định pháp luật.

– Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính và quyết toán năm cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ và cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ.

– Quỹ chịu sự thanh, kiểm tra, kiểm toán về thu – chi, quản lý và sử dụng quỹ của cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép thành lập quỹ hoặc cơ quan tài chính của chính cơ quan đã cấp giấy phép cho quỹ và cơ quan kiểm toán có thẩm quyền. 

– Phải cung cấp các thông tin cần thiết khi cơ quan chức năng của Nhà nước yêu cầu.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội hoặc tư vấn thường xuyên, tư vấn theo vụ việc cho các hoạt động của quỹ sau khi thành lập có thể liên hệ tổng đài tư vấn trực tuyến hoặc gửi email dịch vụ qua địa chỉ: [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group