Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể cho thấy pháp luật về vấn đề này còn khá nhiều điểm bất cập, đặc biệt là trong các quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết có cân nhắc, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài là một nhu cầu cấp thiết.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

1. Khái quát về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết trước khi có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006

1.1 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 và văn bản hướng dẫn

Theo số liệu của Bộ Y tế cho thấy, từ những năm đầu của thập kỷ 50, nước ta đã có những ca ghép mô, bộ phận cơ thể người đầu tiên như: ghép da, ghép giác mạc từ tử thi vô thừa nhận và đặc biệt vào đầu những năm 70, việc ghép gan và tim đã được thực hiện trên lợn do Giáo sư Tôn Thất Tùng và một số bác sĩ khác tiến hành (1). Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có một băn bản pháp lý nào của Nhà nước quy định về điều kiện hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Đến cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 những ca lấy, ghép thử nghiệm thận, gan đã cho những kết quả đáng mừng. Và do nhu cầu của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng, đồng thời để tạo hành lang pháp lý cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể có hiệu quả, năm 1989 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (Luật BVSKND) được Quốc hội thông qua. Để chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong Luật quy định rất nhiều vấn đề về phòng ngừa bệnh, khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng… trong đó lần đầu tiên có quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người: “1, Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại. 2, Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh chưa thành niên…” (2).

Phân tích quy định trên ta thấy, Luật này không trực tiếp quy định về quyền và điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể mà chỉ quy định trong những trường hợp nào “thầy thuốc” (ở đây mà cụ thể là cơ sở y tế có thẩm quyền) được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống hoặc sau khi chết. Và từ những quy định ở khoản 1 Điều 30, chúng ta có thể thấy Luật quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết cần một trong hai điều kiện sau: thứ nhất, phải có sự sự đồng ý của thân nhân người chết, trong trường hợp người chết không có di chúc để lại; thứ hai, trường hợp người chết có di chúc để lại (khoản 2 Điều 30 BVSKND. Bên cạnh đó, Luật này cũng có quy định về điều kiện của việc ghép mô, bộ phận cơ thể (tức là điều kiện với người nhận mô, bộ phận cơ thể để chữa bệnh) là phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc người giám hộ của người bệnh chưa thành niên (khoản 2, Điều 30).

Tuy nhiên, ở đây, Luật mới chỉ quy định rất chung về điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể nói chung cũng như điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết nói riêng. Khoản 2 Điều 30 chủ yếu nhấn mạnh đến tính tự nguyện của người hiến hoặc gia đình họ trong việc hiến mô, bộ phận cơ thể (tức là chỉ quy định điều kiện về ý chí) mà không có một quy định nào điều kiện về độ tuổi, về sức khoẻ đối với người hiến, về năng lực nhận thức của họ… Theo chúng tôi, khoản 2 Điều 30 của Luật BVSKND chỉ là một quy định mang tính chất kỹ thuật để giúp các cơ sở y tế tiến hành việc lấy ghép mô, bộ phận cơ thể được thuận lợi hơn trong một số trường hợp cần thiết như đã nêu ở trên. Mặt khác, chúng ta cũng thấy quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người thời kỳ này chưa được thừa nhận nên chưa thể có được một quy định đầy đủ về điều kiện mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống cũng như điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết.

Để đảm bảo những quy định về lấy, ghép đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể trong Điều 30 Luật BVSKND đi vào thực tiễn cuộc sống thì vấn đề này đã được cụ thể hóa trong Nghị định ban hành kèm theo Điều lệ Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng số 23-HĐBT ngày 24/1/1991 tại Điều 10: “Về lấy và ghép mô bộ phận cơ thể người

1- Việc lấy mô, bộ phận cơ thể người sống phải được người đó tự nguyện và viết thành văn bản.

2- Việc lấy mô hoặc một bộ phận của cơ thể người chết được tiến hành trong các trường hợp:

– Người chết có di chúc để lại đồng ý cho mô hoặc một bộ phận cơ thể của họ.

– Người chết không có di chúc nhưng được thân nhân người chết đồng ý cho bằng văn bản.

– Người chết vô thừa nhận.

4- Các thủ tục, tiến hành ghép mô hoặc một bộ phận cơ thể con người được tiến hành như các trường hợp phẫu thuật ghi trong Điều 8 của Điều lệ này

…”.

Trong Điều lệ này đã có những quy định cụ thể hơn về cơ sở y tế khi tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể sau khi chết (khoản 1 Điều 10), ngoài hai trường hợp Luật đã quy định là trường hợp người chết có di chúc để lại và trường hợp không có di chúc, nhưng được thân nhân người chết đồng ý thì Điều lệ này có quy định cụ thể hơn, trong trường hợp người chết không có di chúc để lại thì thân nhân người chết có quyền đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết, nhưng phải thể hiện bằng văn bản (khoản 2 Điều 10). Mặt khác, Điều lệ cũng quy định cơ sở y tế có thẩm quyền cũng được sử dụng xác, bộ phận cơ thể người chết vô thừa nhận để phục vụ cho mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học mà thực tế trong những năm vừa qua là việc sử dụng mô (giác mạc, kết mạc) để chữa trị cho người bệnh; sử dụng bộ phận cơ thể, xác tử thi vô thừa nhận phục vụ cho việc giảng dạy tại các Trường y. Tuy nhiên, cả Luật BVSKND cũng như Điều lệ Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng đều chưa có quy định cụ thể về điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết như: chưa quy định về vấn đề hiến xác, liệu có cần quy định về độ tuổi với người hiến để lại di chúc hay không? Điều kiện về sức khoẻ, điều kiện về năng lực nhận thức hay liệu có bắt buộc cần phải có sự đồng ý của gia đình trong trường hợp người hiến để lại di chúc sau khi chết, nếu cần có sự đồng ý của gia đình thì sự đồng ý này chỉ cần đồng ý bằng lời nói hay phải bằng văn bản, trong trường hợp người hiến xác, bộ phận cơ thể cho giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học thì trình tự thủ tục thế nào… Do đó, thực tế các cơ sở y tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nhận mô, bộ phận cơ thể người đối với trường hợp người hiến sau khi chết. Mặt khác, các văn bản trên cũng mới chỉ quy định về việc hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết nhằm mục đích chữa bệnh, chứ chưa có một quy định nào về hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nên vấn đề này thực tế xảy ra các cơ sở y tế rất khó giải quyết. Ví dụ, một người làm đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết phục vụ cho mục đích cứu chữa người bệnh, tuy nhiên lúc anh ta chết, cơ sở y tế có thẩm quyền mới phát hiện ra anh ta bị HIV… thì cơ sở y tế có được nhận mô, bộ phận cơ thể đó cho mục đích khoa học không?

1.2 Bộ luật Dân sự năm 2005

Phải nói rằng, việc thừa nhận và quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, gắn liền với việc thừa nhận và quy định các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể được thừa nhận là cơ sở cũng như căn cứ để các nhà làm luật quy định một cách cụ thể và chặt chẽ về các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó có các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Mặt khác, việc quy định chặt chẽ, cụ thể các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ giúp mọi người thực hiện tốt hơn quyền được hiến của mình.

Điều 34 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) quy định: “Cá nhân có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình hoặc hiến xác sau khi chết vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học…”. Tuy nhiên, quy định tại Điều 34 của BLDS 2005 về cá nhân được hiến trước khi có Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác 2006, thì còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có cách hiểu cho rằng, cá nhân ở đây có thể là bất kỳ ai không phân biệt họ bao nhiêu tuổi, miễn là họ không bị nhược điểm về thể chất, tâm thần và tự nguyện, quan điểm khác lại cho rằng cá nhân hiến bộ phận cơ thể ở đây phải là người đã thành niên – mới có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Sở dĩ có các cách hiểu khác nhau như vậy bởi vì trong Bộ luật chưa quy định điều kiện cụ thể với cá nhân ở đây là gì về độ tuổi, về năng nhận thức, về sức khoẻ… Như vậy, chúng ta thấy Bộ luật quy định cũng rất chung chung về việc cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể khi còn sống hoặc sau khi chết mà không quy định cụ thể về độ tuổi, sức khoẻ đối với người hiến.

2. Điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết

2.1 Điều kiện về năng lực chủ thể

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết là một quyền nhân thân quan trọng, mặc dù là quyền nhưng không phải cá nhân nào muốn thực hiện cũng được mà cá nhân đó phải đạt được những điều kiện nhất định, trong đó một điều kiện không thể không nói đến đó là điều kiện về độ tuổi và điều kiện về khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi.

Như chúng ta đã biết, điều kiện về độ tuổi là một dấu hiệu định lượng quan trọng để xem xét cá nhân đó có đủ khả năng thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể hay không. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà ở các nước trên thế giới có sự quy định khác nhau về độ tuổi đối với người hiến bộ phận cơ thể khi còn sống, đặc biệt là hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết. ở Pháp, đủ 13 tuổi trở lên mới có quyền đăng ký từ chối hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (tức là sau khi một người bị chết đi, cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ kiểm tra xem người đó có thẻ từ đăng ký từ chối hiến xác không, nếu không có thì cơ sở y tế có thẩm quyền gián tiếp suy luận là người đó đã đồng ý hiến)(3). ở nước ta, Điều 5 của Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Phân tích quy định trên ta thấy, cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết. Sở dĩ có quy định như vậy bởi các nhà làm luật nước ta quan niệm rằng ở tuổi đó, người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng như về mặt pháp lý họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể bằng hành vi của mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật. Nếu độ tuổi là một dấu hiệu định lượng, là điều kiện cần để hiến mô, bộ phận cơ thể thì khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là dấu hiệu định tính để xác định xem cá nhân đã hoàn thiện về mặt tâm lý, về khả năng nhận thức hay chưa.

Tuy nhiên, đối với trường hợp hiến, nhận tế bào mà cụ thể là hiến nhận tinh trùng thì Luật lại quy định khác, tuỳ thuộc vào người hiến là nam hay nữ mà Luật có quy định khác nhau, nếu chủ thể hiến là nam giới phải đạt độ tuổi từ đủ 20 tuổi trở lên và phải không bị nhược điểm về thể chất tinh thần có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật” (4).

Qua khoản 1 Điều 6 của Luật, một câu hỏi đặt ra là: tại sao người hiến mô, bộ phận cơ thể chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là được quyền hiến còn đối với hiến tinh trùng nếu người hiến là nam giới bắt buộc phải từ đủ 20 tuổi trở lên, trong khi đó nữ chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên đã có quyền nhận tinh trùng, hiến, nhận noãn, phôi, mà như chúng ta đã biết, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã có đầy đủ năng lực pháp luật. Mặt khác, theo chúng tôi, việc Luật quy định có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đã bao hàm trong đó cả yếu tố độ tuổi, một người được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cũng đồng nghĩa với việc người đó đã đủ 18 tuổi trở nên. Sở dĩ, Luật quy định như trên có nhiều lý do, nhưng theo chúng tôi thì có một số lý do sau:

– Về mặt sinh học cũng như tâm lý học: ở nữ giới thường phát triển sớm hơn nam giới, theo nghiên cứu của các nhà y học cho thấy ở nữ giới thường phát triển nhanh hơn nam giới từ 2-4 tuổi và cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt sinh học thì về tâm lý ở nữ giới cũng hoàn thiện sớm hơn.

– Về mặt kỹ thuật lập pháp: việc quy định nam giới từ đủ 20 tuổi trở nên mới được hiến tinh trùng là một động tác kỹ thuật nhằm tạo nên sự thống nhất về vấn đề này trong Luật Hiến, lấy ghép mô; bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 với các Luật trước đó như những quy định về điều kiện kết hôn, điều kiện nhận nuôi con nuôi trong pháp luật hôn nhân gia đình.

– Mặt khác, căn cứ vào thể trạng của người Việt Nam, đặc biệt là nam giới thì từ đủ 20 tuổi trở lên mới phát triển đầy đủ về mặt sinh lý. Khi đó tinh trùng hiến mới đảm bảo cho việc thụ tinh có hiệu quả và quy định như vậy cũng phù hợp với những quy định pháp luật trước đó.

2.2 Điều kiện về trình tự

Những người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế, khi nhận được thông tin của người hiến mô, bộ phận cơ thể, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Sau khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế (5) có đủ điều kiện về trang thiết bị, về đội ngũ cán bộ y tế để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến. Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể và hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khoẻ cho người hiến (6). Đến đây, người hiến mô, bộ phận cơ thể người để được hiến phải đảm bảo được điều kiện về sức khoẻ. Còn trường hợp hiến xác sau khi chết thực hiện theo quy định điều 19 của Luật.

Một vấn đề đặt ra là liệu điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết vào mục đích nghiên cứu khoa học có khác gì với điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết vì mục đích chữa bệnh không? ở đây, chúng ta có thể dễ dàng trả lời được là giữa chúng có sự khác nhau bởi mục đích của chúng là khác nhau. Vì vậy, có thể thấy có nhiều trường hợp không đủ điều kiện để hiến mô, bộ phận cơ thể vì mục đích chữa bệnh, nhưng vẫn có thể hiến và được sử dụng và mục đích nghiên cứu khoa học.

2.3 Điều kiện về sức khỏe

Việc hiến mô, bộ phận cơ thể nói chung cũng như việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc mang lại hay kéo dài sự sống cho người bệnh. Thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã xảy ra những trường hợp việc lấy, ghép nhầm mô, bộ phận cơ thể của người hiến bị bệnh (nan y) cho người bệnh đã gây ra những cái chết rất thương tâm hoặc trường hợp bác sĩ lấy nhầm bộ phận cơ thể của người hiến dẫn tới tính mạng của người hiến bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ cũng như tinh thần cho người hiến, Luật đã đưa ra những quy định về hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết phải được kiểm tra sức khoẻ, tuy nhiên lại chưa quy định cụ thể người hiến cần phải đáp ứng được điều kiện gì về sức khoẻ. Nhưng theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc thực hiện kỹ thuật cấy ghép thận, gan… cho người bệnh thì trong Quyết định này có chỉ rõ là người hiến về sức khoẻ không bị mắc các bệnh nan y như: viêm gan B, nhiễm HIV,…

Bên cạnh các quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết, cơ sở y tế có thẩm quyền để có thể lấy được xác, bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết, Luật cũng xác định thêm một số điều kiện khác như: điều kiện xác định chết não, liệu có cần sự đồng ý của gia đình người hiến không trong trường hợp người thân của họ muốn hiến xác, bộ phân cơ thể? Trong Luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên mà tự nguyện làm đơn hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết thì không cần sự đồng ý của gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra trường hợp người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhưng khi họ chết rồi cơ sở y tế có thẩm quyền đến lấy thì gia đình người hiến không đồng ý, trường hợp này cơ sở y tế có được quyền cưỡng chế lấy không? Vấn đề này (7), ở Pháp đã áp dụng cơ chế suy đoán sự đồng ý, tức là khi phát hiện một người bị chết, cơ sở y tế có thẩm quyền kiểm tra trên hệ thống thông tin điện tử xem người đó có đăng ký từ chối hiến không, nếu người đó không đăng ký thì suy đoán rằng người đó đã đồng ý hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu gia đình người hiến không đồng ý hiến thì cơ sở y tế cũng không lấy xác, bộ phận cơ thể của người đó.

Điều 5 của Luật quy định người hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống cũng như sau khi chết đều là người phải từ đủ 18 tuổi trở lên tự nguyện làm đơn đăng ký hiến. Tuy nhiên, Luật cũng quy định trong trường hợp người chết không có đơn đăng ký hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhưng nếu gia đình người hiến đồng ý thì cơ sở y tế có thẩm quyền vẫn đựợc nhận (8).

Một vấn đề đặt ra là, những người sau khi chết không có thẻ đăng ký hiến xác, sau khi chết mà gia đình người đó đồng ý hiến bằng văn bản thì có bắt buộc người chết đó phải từ đủ 18 tuổi trở lên không? Trong trường hợp người chết 17 tuổi không có thẻ đăng ký hiến mà gia đình họ đồng ý hiến cho y học bằng văn bản thì giải quyết vấn đề này thế nào, Luật cũng chưa có quy định.

3. Một số kiến nghị

3.1 Về trình tự, thủ tục đối với người hiến xác, bộ phận cơ thế sau khi chết

– Cần phải sớm có quy định pháp luật về trình tự thủ tục đối với việc hiến mô, bộ phận cơ thể người cho mục đích nghiên cứu khoa học cũng như quy định về điều kiện đối với các tổ chức nhận xác, bộ phận cơ thể người để nghiên cứu khoa học. Quy định này rất quan trọng bởi, hiến xác, bộ phận cơ thể người vì mục đích chữa bệnh là biện pháp ngăn chặn hậu quả, thì nghiên cứu khoa học lại giúp phát hiện và phòng ngừa bệnh tật.

– Về thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sống; thủ tục đăng ký hiến bộ phận cơ thể người hiến xác sau khi chết, theo chúng tôi, ở khoản 4 Điều 12 cũng như khoản 4, Điều 18 của Luật về trách nhiệm của cơ sở y tế là trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan là không khả thi, vì người dân sẽ hiểu theo nghĩa các cơ sở y tế phải có trách nhiệm cử cán bộ tới nhà gặp trực tiếp người hiến để tư vấn, mà cơ sở y tế thì không đủ người để có thể làm được điều đó. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi khoản 4, Điều 12, Điều 18 theo hướng sau: “Cơ sở y tế có trách nhiệm mời người hiến đến cơ sở y tế để trực tiếp cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan cho người hiến biết”.

3.2 Về năng lực chủ thể của người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết

– Về độ tuổi của người hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết theo Điều 22 của Luật, trường hợp người chết mà không có thẻ đăng ký hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, theo chúng tôi, Luật không nên giới hạn độ tuổi là đủ 18 tuổi trở lên mà người dưới 18 tuổi cũng có thể được chấp nhận nếu được gia đình hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó đồng ý. Bởi vì:

Thứ nhất, Luật hiện hành cho phép cơ sở y tế có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể từ người chết trong trường hợp người đó không có thẻ đăng ký hiến sau khi chết, nhưng gia đình, cụ thể là người thân thích theo quy định của pháp luật của họ có đơn muốn hiến.

Thứ hai, trường hợp người đó hiến khi còn sống thì điều kiện về năng lực chủ thể tức khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn đặt ra, còn trường hợp người đó đã chết thì theo quan điểm của chúng tôi, nếu trên cơ sở quy định pháp luật đã được gia đình đồng ý thì người hiến đó không cần thiết phải là đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Luật mà có thể thấp hơn 18 tuổi.

Có ý kiến cho rằng, nên giới hạn độ tuổi người hiến bộ phận cơ thể từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Theo chúng tôi, điều này là không cần thiết bởi nhiều người tuy tuổi cao, song về mặt sinh học, bộ phận cơ thể của họ vẫn tốt mà họ tự nguyện hiến thì vẫn có thể lấy được. Mặt khác, việc hiến bộ phận cơ thể ở người sống ngoài việc phục vụ chữa bệnh còn nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Do đó, không nên giới hạn độ tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống.

– Về năng lực chủ thể của người hiến là cần thiết trong trường hợp người đó hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc đăng ký hiến sau khi chết. Tuy nhiên, trường hợp mà người chết không để lại di chúc mà gia đình họ làm đơn hiến mô, bộ phận cơ thể của con mình nhằm mục đích cứu chữa người bệnh thì vấn đề năng lực nhận thức của người đó – theo quan điểm của chúng tôi – lại không nên đặt ra, bởi cho dù người đó có thể bị rơi vào trường hợp bị tâm thần hoặc mất năng lực hành vi đi chăng nữa thì cũng không có nghĩa là bộ phận cơ thể nào của họ cũng bị ảnh hưởng hoặc không sử dụng được để cứu chữa người bệnh. Do đó, chúng ta không nên đặt ra vấn đề khả năng nhận thức cũng như năng lực hành vi của người hiến trong những trường hợp như trên.

3.3 Về sức khỏe đối với người hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết

Sức khỏe là điều kiện vô cùng quan trọng đối với người hiến trong quá trình hiến mô, bộ phận cơ thể người nhằm cứu chữa người bệnh. Do vậy có thể dễ dàng nhận thấy sức khỏe là điều kiện tiên quyết và quan trọng đối với mục đích cứu chữa bệnh, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhận ghép. Tuy vậy, nếu sử dụng xác, bộ phận cơ thể vào mục đích nghiên cứu khoa học thì không nhất thiết phải bắt buộc điều kiện về sức khỏe của người hiến, bởi vì đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là nhằm tìm nguyên nhân và cách thức phòng ngừa bệnh tật để cứu chữa người bệnh. Vì vậy, dù là người có bệnh hay không có bệnh mà hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết nhằm mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì đều có thể nhận được.

3.4 Một số kiến nghị liên quan khác

Bên cạnh những kiến nghị trên để hoàn thiện pháp luật về điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề sau:

– Nên nghiên cứu quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục cho phép người bị tuyên tử hình có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, đây là một việc làm rất nhân văn và mang tính nhân đạo sâu sắc. Vì thế nên có quy định về điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể đối với tử tù trong trường hợp họ muốn hiến, ngoài những điều kiện chung về độ tuổi, năng lực nhận thức, sức khỏe… thì cần phải có những quy định đầy đủ hơn nữa về vấn đề này. Ví dụ, cần phải bãi bỏ quy định là không cho mang xác tù nhân ra khỏi pháp trường (tức là xác phải chôn trong pháp trường)(9) … đây là một vấn đề nhạy cảm nên cần phải có sự cân nhắc thận trọng giữa việc đảm bảo an ninh, an toàn và vấn đề nhân đạo, sức khỏe nhân dân.

– Luật cũng nên quy định về điều kiện hiến, nhận, sử dụng mô, bộ phận cơ thể sau khi chết để nghiên cứu khoa học một cách chặt chẽ bởi: thứ nhất, hiến xác, bộ phận cơ thể là một trong hai mục đích quan trọng được ghi nhận trong BLDS 2005 (đó là mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học); thứ hai, quy định đầy đủ về vấn đề này nhằm tránh việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng để bí mật bán mô, tạng vì mục đích thương mại. Đồng thời theo chúng tôi, cũng nên quy định những trường hợp mà người hiến xác, bộ phận cơ thể người vì mục đích chữa bệnh, nghiên cứu khoa học nhưng mục đích đó không được thực hiện, thì gia đình người hiến có thể được lấy lại xác để mai táng theo nghi lễ truyền thống hoặc hoả thiêu. Các văn bản dưới Luật cũng cần phải quy định rõ vấn đề này.

—————–

(1) Xem Toạ đàm về Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và khám nghiệm tử thi 2004. Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội 2004.

(2) Điều 30 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989.

(3) Theo bà Annbel Dunbavand, bác sĩ Trung tâm cấy, ghép Quốc gia Cộng hoà Pháp: Đối với trẻ em dưới 13 tuổi bố mẹ là người quyết định về việc cho mô, bộ phận cơ thể tức là phải có sự đồng ý bằng văn bản của bố mẹ người đó. Còn đối với người từ đủ 13 tuổi trở lên thì người đó có thể tự mình đưa ra ý kiến và tự quyết định về việc cho hay không cho bộ phận cơ thể người, đồng thời pháp luật Cộng hoà Pháp cũng quy định người từ đủ 13 tuổi trở lên có quyền đăng ký từ chối việc hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Xem Toạ đàm về Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và khám nghiệm tử thi 2004 . Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Hà Nội 2004.

(4) Khoản 1, Điều 6 Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006.

(5) Xem Điều 16 Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.

(6) Xem Điều 18 Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.

(7) Toạ đàm dư thảo Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi 2004.

(8) Điểm C, Điều 21 của Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người hiến, lấy xác năm 2006 quy định: Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.

(9) Theo Chỉ thị số 138/KC1 năm 1974 của Bộ Nội vụ thì xác tử tội phải chôn ở pháp trường, thân nhân không được đem về an táng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định nào về việc cho phép thân nhân nhận lại xác; đến nay, Chỉ thị trên vẫn còn hiệu lực và cản trở quyền được hiến xác của tử tù.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ – BÙI ĐỨC HIỂN – Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp Luật

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)