Dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM đưa ra hai phương án và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận của đại biểu.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyếngọi:1900.0191
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt cao tốc là 56 tỷ USD, bằng 50% GDP của Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa của gouldharrison.co.uk. |
Phương án một không đề cập cụ thể về việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc mà chỉ nêu, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn chế về số lượng, thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ… Trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Phương án này nhận được 42% đại biểu đồng ý, 38% không tán thành.
Phương án hai tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM với những bước đi cụ thể. Một là Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, quy hoạch hệ thống giao thông Bắc – Nam.
Hai là Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh hoặc TP HCM – Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Cuối cùng, từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Quốc hội giao Chính phủ tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo. Phương án hai được 37% đại biểu đồng ý và 41% không tán đồng.
Trước đó, Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu về dự án này, kết quả có hơn một nửa (57%) đồng ý thông qua chủ trương ngay kỳ họp. Trao đổi với báo chí sau khi có kết quả thăm dò, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói: “Đường sắt cao tốc là dự án lớn, tổng vốn 56 tỷ USD chia cho 30 năm nên sẽ có nhiều rủi ro, khó khăn khi thực hiện. Tiềm lực kinh tế của quốc gia phải được cân nhắc. Do đó, sự đắn đo trong dư luận nhân dân và trong Quốc hội là hoàn toàn chính đáng”.
Siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM với số vốn ước tính khoảng 56 tỷ USD đã gây tranh cãi trên cả diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay thì nhiều ý phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam hiện nay, sẽ là gánh nặng nợ nần cho hậu thế.
Trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc. Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên; dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; dác dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên…
Hồng Khánh – Theo Vnexpress.net
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)