Trong phiên họp toàn thể tại hội trường hôm nay, 17-6, với đại đa số các ý kiến đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Người khuyết tật và Luật Nuôi con nuôi, Luật Thi hành án hình sự, Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm.
Đổi tên Luật Thuế nhà, đất thành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Về Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận xin ý kiến các đại biểu thì đa số ý kiến (256/324 ý kiến) đề nghị chưa đưa nhà vào đối tượng chịu thuế.
Tán thành với quan điểm trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế vì việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao.
Xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc sửa tên luật là “Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp” thay vì tên gọi như dự thảo là “Luật Thuế nhà, đất” nhằm bảo đảm thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật.
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được 424 đại biểu (chiếm 86%) tán thành thông qua. Luật này có 13 điều trong tổng số 4 chương, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thuế suất, miễn thuế, giảm thuế. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Luật Bưu chính không quy định về điểm bưu điện văn hóa xã
Luật Bưu chính gồm 10 chương, 46 điều, quy định về hoạt động bưu chính; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bưu chính và quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính tại Việt Nam.
Trước khi thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu lên những vấn đề cần tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động Bưu chính, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ Bưu chính… Ngoài những vấn đề nêu trên, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉnh lý nội dung cụ thể ở một số điều như: ghép điều 17 và điều 18 của dự án Luật thành điều 17 mới, sắp xếp lại vị trí một số điều khoản cho hợp lý hơn.
Về điểm bưu điện văn hóa xã, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh, ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin và điều kiện kinh tế – xã hội đã có nhiều thay đổi, một số điểm bưu điện văn hóa xã không còn phát huy tác dụng như trước đây. Vì vậy cần nghiên cứu, đánh giá để đưa ra mô hình điểm bưu điện văn hóa xã hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và chính sách của nhà nước để thực hiện mục tiêu chính trị – kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Điểm bưu điện văn hóa xã là một trong những điểm phục vụ bưu chính trong mạng bưu chính công cộng. Tuy không quy định trong Luật này, nhưng trong quá trình củng cố, phát triển mạng bưu chính công cộng Nhà nước sẽ vẫn duy trì một số điểm bưu điện văn hóa xã đang còn phát huy tác dụng nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân ở mọi vùng, miền đất nước.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định cụ thể về điểm bưu điện văn hóa xã tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ cho linh hoạt và khả thi hơn.
Luật Bưu chính được thông qua với sự tán thành của 423 đại biểu (chiếm 85,8%), có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011.
Bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Trước khi thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, khẳng định chủ trương, chính sách của nhà nước trong đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điểm đáng chú ý là điều 5 của dự thảo Luật mới đã được chỉnh lý, trong đó xác định áp dụng thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính phủ khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thực hiện lộ trình từng bước loại bỏ các thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp…
Sau khi chỉnh lý, dự thảo luật có 18 chương, 48 điều. Có 423 đại biểu (chiếm 85,8%) đại biểu tán thành thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.
Xác định mức độ khuyết tật trong 30 ngày
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật. Trong đó, nhiều vấn đề lớn đã được làm rõ trong quy định của Luật như xác nhận khuyết tật, trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật.
Về phương pháp và thủ tục xác định mức độ khuyết tật, có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu xác định mức độ khuyết tật, bổ sung quy định kết quả xác nhận mức độ khuyết tật phải được công bố rộng rãi tại địa phương nhằm tăng cường giám sát của nhân dân, hạn chế những quyết định thiếu khách quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rút ngắn thời hạn giải quyết từ 45 ngày xuống 30 ngày, đồng thời bổ sung quy định về việc thông báo công khai quyết định của hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua với sự đồng ý của 431 đại biểu (chiếm 87,2%). Với 10 chương, 53 điều, Luật Người khuyết tật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.
Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Luật Thi hành án hình sự gồm 15 chương, 82 điều, được 86,61% số đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.
Quốc hội cũng thông qua Luật Nuôi con nuôi với 87,83% số phiếu tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Luật có 5 chương với 52 điều quy định về mục đích nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi, đăng ký việc nuôi con nuôi, các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Luật Trọng tài thương mại được 85,8% số đại biểu thông qua, gồm 13 chương, 82 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011. Luật quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài, tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.
Với 430 đại biểu thông qua (87,22%), Luật An toàn thực phẩm gồm 11 chương, 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Nguồn: Báo Hà Nội mới điện tử
Nguồn: Báo Hà Nội mới điện tử
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)