1. Quy chế pháp lý các tổ chức quốc tế liên chính phủ trong tố tụng dân sự quốc tế
Vấn đề quy chế pháp lý của tổ chức quốc tế liên chính phủ trong tố tụng dân sự quốc tế được đặt ra tương tự như quy chế pháp lý dân sự của tổ chức này trong tư pháp quốc tế nói chung. Tổ chức quốc tế liên chính phủ vừa là chủ thể hạn chế của công pháp quốc tế vừa là chủ thể của tư pháp quốc tế. Tại Chương V chúng ta đã khẳng định rằng, trong quá trình hoạt động của mình, tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng phải tham gia vào nhiều mối quan hệ dân sự với các tổ chức và cá nhân nơi đặt trụ sở cũng như ở những nơi khác như ký kết các hợp đồng mua, thuê nhà làm trụ sở mua, thuê đất để xây trụ sở, mua máy móc, phương tiện, thiết bị đế trang bị cho trụ sở của mình, v.v. và ở đây cũng phải thừa nhận rằng, không loại trừ khả năng từ các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài này nảy sinh các tranh chấp.
Dưới giác độ lý luận, chúng ta cần khẳng định rằng, khác với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ không phải là một thực thể độc lập có chủ quyền, không phải tổ chức đứng trên các quốc gia hay siêu quốc gia. Nó chỉ là một tổ chức được các quốc gia thoả thuận thành lập để thực hiện một số nhiệm vụ hợp tác trong những lĩnh vực nhất định giữa các quốc gia thành viên. Chính vì vậy chúng ta hoàn toàn có lý khi nói rằng, tham gia vào các mốì quan hệ dân sự với các tổ chức, cá nhân của các quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ không đương nhiên được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.
Tổ chức quốc tế liên chính phủ được hưởng quyền miễn trừ tư pháp hay không, hưởng ở mức độ và trong phạm vi nào, hoàn toàn tuỳ thuộc vào nội dung hiệp định ký kết giữa bản thân tổ chức quốc tế liên chính phủ đó vối quốc gia nơi đặt trụ sở hoặc hiệp định giữa các quốc gia thành viên về việc này.
Theo thông lệ, nội dung quyền miễn trừ tư pháp của tổ chức quốc tế liên chính phủ được thoả thuận phù hợp với yêu cầu bảo đảm cho tổ chức thực hiện được chức năng, nhiệm vụ quy định trong điều lệ của tổ chức đó. Theo các hiệp định do Liên hợp quốc ký với các quốc gia nơi Liên hợp quốc đặt trụ sở cơ quan của mình và theo thực tiễn quốc tế, Liên hợp quôc được hưởng quyền miễn trừ tư pháp như cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia và viên chức của Liên hợp quốc được hưởng quyền miễn trừ như viên chức ngoại giao của các quốc gia.
2. Vai trò của tổ chức liên chính phủ
+ Hiện nay, tổ chức liên chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế. Khi thành lập của một tổ chức quốc tế thì các thành viên trong tổ chức đó đều có thể liên kết với nhau về mọi mặt trong tất cả các lĩnh vực chính trị, giáo dục, thể thao, kinh tế thương mại tạo điều kiện cho các quốc gia phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội.
+ Hoạt động xây dựng pháp luật trực tiếp của các tổ chức quốc tế, đồng nghĩa với việc sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia tạo điều kiện để các nước đàm phán và cùng nhau hợp tác cùng có lợi và phát triển nền kinh tế, đồng thời tạo ra mạng lưới sản xuất và lưu thông các sản phẩm hàng hóa giữa các quốc gia sẽ đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển hơn. Tạo môi trường thuận lợi để phát triển để thúc đẩy đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cho nên với sự ký kết gia nhập tổ chức quốc tế ra đời hàng loạt các văn bản ký kế song phương, đa phương tạo sự hợp tác cho các nước nhất là các nước thành viên với nhau.
Các quốc gia tiến hành ký kết các điều ước quốc tế và điều ước quốc tế là một trong các văn bản pháp lý quốc tế do các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên, nhằm xác lập, thay đổi hoăc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau thông qua các quy phạm điều ước. Điều ước quốc tế có thể ký kết theo hình thức đa phương hoặc song phương. Khi Ký kết các điều ước quốc tế là một quá trình hết sức phức tạp, nó chỉ có thể thực hiện được khi các bên tham gia thể hiện ý chí của mình một cách rõ ràng và dứt khoát như là quát trình đàm phán để đi đến soạn thỏa điều ước, thủ tục ký và các thủ tục khác để cho điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành.
Chấp nhận các tập quán quốc tế và tập quán quốc tế có thể coi là những quy tắc xử sự chung, thông thường nó được hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và đã được các quốc gia thừa nhận là quy phạm pháp lý ràng buộc mình được áp dụng một cách tự nguyện. Để được công nhận là một tập quán quốc tế thì các quy tắc đó phải được các quốc gia hoặc các tổ chức liên chính phủ thừa nhận và áp dụng thường xuyên.
+ Tổ chức liên chính phủ có vai trò lập nên các thiết kế để giám sát thực hiện điều ước quốc tế mà tổ chức bảo trợ ký kết để thực hiện các điều ước quốc tế một cách nghiêm túc đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và các quyền của con người.
+ Khi gia nhập các tổ chức quốc tế thì các quốc gia thành viên sẽ được hưởng ưu đãi thuế so với các quốc gia khác.
+ Việc thành lập tổ chức liên chính phủ thì sự hợp tác quốc tế sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt và sâu rộng hơn.
3. Sự ra đời của tổ chức liên chính phủ
Những tổ chức liên chính phủ đầu tiên ra đời vào thế kỷ 19. Thời kỳ đó chủ yếu là các tổ chức mang tính chất chuyên môn kỹ thuật như Ủy ban Trung ương sông Ranh, thành lập năm 1815; Liên minh Bưu chính Toàn cầu, thành lập năm 1874… Tổ chức toàn cầu đầu tiên có thẩm quyền chung là Hội Quốc Liên, thành lập năm 1919 với mục đích giữ gìn hòa bình quốc tế. Năm 1945 tổ chức này được thay thế bằng tổ chức Liên Hiệp Quốc. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai số lượng các tổ chức liên chính phủ đã tăng lên đáng kể. Với xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay thì việc mở rộng hợp tác giữa các quốc gia về mọi mặt của đời sống là điều tất yếu. Do đó, các mô hình hợp tác khác của quốc gia, đặc biệt là thông qua các tổ chức liên chính phủ, ngày càng được mở rộng và trở nên phong phú.
Theo nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật Quốc tế năm 1956, tổ chức liên chính phủ được định nghĩa là “hiệp hội các quốc gia được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, có văn kiện thành lập và các cơ quan chung, có tư cách pháp nhân độc lập tách biệt với tư cách pháp nhân của các quốc gia thành viên”. Định nghĩa này bao hàm rất nhiều thực tế khác nhau, không tồn tại một loại hình tổ chức quốc tế duy nhất mà có rất nhiều thiết chế đa dạng với cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và mục đích khác nhau. Do đó các tổ chức liên chính phủ có thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Theo thành phần tham gia, tổ chức quốc tế được phân thành tổ chức quốc tế toàn cầu như Liên Hiệp Quốc (UN), hay tổ chức quốc tế khu vực, như Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Theo lĩnh vực chuyên môn thì tổ chức quốc tế được phân loại dựa trên lĩnh vực hoạt động, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)…. Theo chức năng, tổ chức quốc tế được phân thành tổ chức hợp tác và tổ chức hội nhập. Tổ chức hợp tác thường có cơ cấu gọn nhẹ, nhiệm vụ rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc phát triển hợp tác giữa các quốc gia. Trong khi đó tổ chức hội nhập thường có cơ cấu chặt chẽ và có nhiệm vụ phát huy quyền quyết định của tổ chức quốc tế và tạo điều kiện hội nhập cho các quốc gia.
Với tư cách là một trong các chủ thể của luật quốc tế, tổ chức quốc tế liên chính phủ có quyền năng của một chủ thể luật quốc tế, có hệ thống các cơ quan đề duy trì hoạt động thường xuyên theo đúng mục đích, tôn chỉ hoạt động. Về nguyên tắc, chỉ quốc gia có chủ quyền mới có thể trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức liên chính phủ, qua đó có quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một quốc gia thành viên. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có các chủ thể khác là các tổ chức liên chính phủ khác và các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập nhưng những chủ thể này thường tham gia với tư cách là quan sát viên, được tham dự các cuộc thảo luận liên quan đến mình.
Điều ước quốc tế thành lập các tổ chức này được kí kết giữa các quốc gia thành viên và chứa đựng các nguyên tắc hoạt động của tổ chức đó, có vai trò như một bản hiến pháp đối với các quốc gia. Các điều ước quốc tế này có nhiều tên gọi khác nhau: Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN… Tuy nhiên về bản chất các văn kiện này đều có ý nghĩa là điều lệ của tổ chức quốc tế đó, trong đó quy định các mục đích, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức quốc tế đó.
Các tổ chức quốc tế liên chính phủ hình thành trên nhu cầu liên kết các quốc gia. Để thực hiện được sứ mệnh của mình mà các quốc gia thành viên giao phó thì tổ chức quốc tế đó phải có cơ cấu tổ chức nhất định. Các cơ quan của tổ chức quốc tế gồm cơ quan chính được quy định trong điều ước và cơ quan bổ trợ do cơ quan chính thành lập nhằm giúp việc cho cơ quan chính. Ví dụ Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định Liên Hiệp Quốc có 6 cơ quan chính với chức năng riêng như Đại Hội đồng là cơ quan toàn thể, Hội đồng Bảo an có chức năng giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới, Hội đồng quản thác, Tòa án công lý quốc tế… Ngoài ra Liên Hiệp Quốc còn có hàng chục tổ chức chuyên môn, giúp việc khác.
4.Mục đích hoạt động của tổ chức liên chính phủ
Với mục đích hoạt động thường xuyên, liên tục các tổ chức quốc tế liên chính phủ phải có trụ sở hoạt động. Đây là điều khác biệt với các diễn đàn và hội nghị quốc tế. Các hội nghị, diễn đàn, như diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), thường không có trụ sở hoạt động. Tới kỳ họp thì các hội nghị hay diễn đàn thành lập ủy ban chuẩn bị, tiến hành hội nghị và khi hội nghị kết thúc thì những ủy ban đó cũng giản tán, không tồn tại nữa. Đây cũng là một yếu tổ thể hiện các tổ chức quốc tế liên chính phủ có tư cách pháp nhân quốc tế. Điều này cũng được khẳng định tại Bản ý kiến (Vụ “Bồi thường thiệt hại cho Liên Hiệp Quốc”, năm 1949), trong đó Tòa án Tư pháp Quốc tế đã công nhận tư cách pháp nhân của Liên Hiệp Quốc. Tòa án Tư pháp Quốc tế còn khẳng định, do tính đại diện của Liên Hiệp Quốc nên Liên Hiệp Quốc có tư cách pháp nhân khách quan không chỉ đối với các nước thành viên mà còn đối với tất cả các nước khác.
5.Tư cách pháp nhân của các tổ chức liên chính phủ
Tư cách pháp nhân của các tổ chức liên chính phủ có tính chức năng được giới hạn bởi phạm vi thực thi quyền hạn theo đúng mục đích được quy định trong văn kiện thành lập. Mặt khác, quyền năng chủ thể của các tổ chức liên chính phủ thể hiện ở khả năng của các tổ chức này trong việc tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế với tư cách chủ thể độc lập. Trong khi quyền năng chủ thể của quốc gia là quyền năng tuyệt đối trên cơ sở chủ quyền thì quyền năng của các tổ chức liên chính phủ là quyền năng phái sinh và hạn chế. Tính phái sinh thể hiện ở chỗ đối với tổ chức quốc tế liên chính phủ quyền năng này không phải là thuộc tính vốn có của tổ chức quốc tế mà do các quốc gia thừa nhận trao cho. Trong điều ước quốc tế thành lập tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên thường thỏa thuận về tư cách chủ thể của luật quốc tế, quy định phạm vi thẩm quyền của tổ chức đó. Mặt khác, tính hạn chế của quyền năng chủ thể của các tổ chức này thể hiện ở việc trong khi quốc gia có thể tự quyết định tham gia vào bất cứ quan hệ nào trên cơ sở chủ quyền thì các tổ chức liên chính phủ chỉ có thể tham gia hoạt động trong các lĩnh vực mà các thành viên của nó trao cho, ví dụ WTO chỉ được hoạt động trong lĩnh vực thương mại mà không được hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, hay ASEAN chỉ được hoạt động trong khuôn khổ các nước Đông Nam Á, bị giới hạn phạm vi không gian.
Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hợp tác trở nên nổi trội, số lượng các tổ chức liên chính phủ được thành lập ngày càng nhiều nhằm điều phối và thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các quốc gia. Điều này phù hợp với lập luận của các nhà tân tự do khi họ cho rằng việc hình thành các tổ chức quốc tế liên chính phủ là nhu cầu tất yếu bởi các tổ chức này giúp góp phần giảm tình trạng “thông tin bất đối xứng”, qua đó giúp các quốc gia hiểu rõ nhau hơn và có thể xây dựng các kỳ vọng về hành vi của nhau. Các tổ chức này cũng giúp giảm chi phí giải quyết các vấn đề chung và tạo ra một khuôn khổ mang tính pháp lý để điểu chỉnh hành vi của mỗi chủ thể tham gia chính trị quốc tế. Trong bối cảnh vô chính phủ của hệ thống quốc tế, các tổ chức liên chính phủ toàn cầu như Liên Hiệp Quốc cũng là một cách tiếp cận giúp tiến tới mô hình quản trị toàn cầu được kỳ vọng sẽ hình thành trong tương lai.
Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)