1. Quy định chung về bán đấu giá theo Luật Thương mại 2005

Cả đấu giá hàng hóa và bán đấu giá tài sản đều yêu cầu tính công khai trong quá trình tiến hành bán hàng hoặc tài sản được đưa ra đấu giá, với kỳ vọng của người chủ sở hữu hàng hóa hoặc tài sản là chọn được người mua, người trả giá cao nhất.

Pháp luật thương mại đã đưa ra hai phương thức để người chủ sở hữu hàng hóa đứng ra tổ chức bán hoặc người tổ chức đấu giá theo sự ủy quyền của người chủ sở hữu hàng hóa lựa chọn, đó là:

– Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;

– Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.

Từ Điều 456 đến Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về bán đấu giá, thông báo bán đấu giá, thực hiện bán đấu giá, bán đấu giá bất động sản. Đây chỉ là những quy định chung, mang tính nguyên tắc, còn các nội dung cụ thể, chi tiết được quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (gọi tắt là Nghị định số 17). Theo đó, bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định này. Phương thức trả giá lên là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất.

Như vậy, khác với phương thức trả giá trong pháp luật dân sự chỉ quy định duy nhất là phương thức trả giá lên, trong pháp luật thương mại còn quy định phương thức đặt giá xuống. Thoạt nhìn tưởng chừng có sự khác biệt, song về bản chất, xét dưới góc độ sự kỳ vọng của người chủ sở hữu bán hàng hóa hay người đấu giá tài sản thì cùng gặp nhau ở điểm hàng hóa, tài sản của họ được bán ra với giá cao nhất, cho dù áp dụng phương pháp nào.

2. Quy định về tài sản đưa ra bán đấu giá theo Luật Thương mại 2005

Theo pháp luật thương mại thì tài sản đưa ra bán đấu giá là hàng hóa, bao gồm tất cả động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai.

Theo pháp luật dân sự, thì tài sản bán đấu giá là động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

-Tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án;

– Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

– Tài sản bảo đảm trong trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm quy định phải xử lý bằng bán đấu giá;

– Tài sản nhà nước được xử lý bằng bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Mặc dù, hàng hóa được đưa ra đấu giá trong pháp luật thương mại chỉ nhấn mạnh đến động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; tuy nhiên, với cách quy định trong cụm từ: “những vật gắn liền với đất đai” đã hàm ý cả hàng hóa là bất động sản. Còn trong Nghị định số 17, thì các loại tài sản được đưa ra bán đấu giá cũng bao gồm cả động sản và bất động sản như trong pháp luật thương mại, nhưng đa dạng hơn về loại hình tài sản và chỉ là những tài sản hiện hữu, tồn tại có thực ngay tại thời điểm tổ chức đấu giá, không bao gồm các loại tài sản hình thành trong tương lai.

3. Quy định về người tổ chức đấu giá theo Luật Thương mại 2005

Pháp luật thương mại quy định chủ sở hữu hàng hóa có thể tự đứng ra tổ chức đấu giá hàng hóa. Lúc này, người tổ chức đấu giá và người bán hàng là một hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá.

Trong khi đó, người có tài sản bán đấu giá trong pháp luật dân sự, ngoài chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản, còn có người có trách nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật, nghĩa là chủ thể đa dạng hơn, ngoài cá nhân, tổ chức lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán tài sản thuộc sở hữu của mình, còn có chủ thể đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước địa phương, cơ quan thi hành án… Người tổ chức đấu giá tài sản có thể là các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp hoặc là hội đồng bán đấu giá tài sản do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập.

Nếu như thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá không bị ràng buộc, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ đấu giá, thì Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên, tức là người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; còn đối với hội đồng bán đấu giá tài sản phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức này cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản của hội đồng, trừ hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán đấu giá tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá.

Qua đó, có thể thấy rằng, yêu cầu về tổ chức đấu giá trong pháp luật dân sự chặt chẽ hơn, có lẽ do tài sản được đưa ra đấu giá chủ yếu là tài sản của nhà nước (như quyền sử dụng đất) hoặc là tài sản nhà nước tịch thu của các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, tài sản phải thi hành án,… Trong khi đó, quyền quyết định trong đấu giá hàng hóa thuộc về người chủ sở hữu hoặc thương nhân được ủy quyền tổ chức đấu giá hay nói cách khác, trong đấu giá tài sản mang dấu ấn của “pháp luật công”, còn đấu giá hàng hóa mang tính chất của “pháp luật tư”. Chính vì thế mà một số quy định sẽ được nêu ở phần sau cũng có sự khác biệt theo lý do này.

4. Quy định về thông báo, niêm yết đấu giá theo Luật Thương mại 2005

Pháp luật thương mại phân biệt hai trường hợp để xác định thời hạn ra thông báo, niêm yết đấu giá hàng hóa:

– Nếu người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá thì thời hạn niêm yết việc bán đấu giá là bảy ngày làm việc trước khi bán đấu giá hàng hóa tại nơi tổ chức đấu giá, nơi trưng bày hàng hóa và nơi đặt trụ sở của người tổ chức đấu giá;

Nếu người tổ chức đấu giá là người bán hàng thì thời hạn niêm yết đấu giá hàng hóa do người bán hàng tự quyết định; tất nhiên phải tiến hành trước khi bán đấu giá hàng hóa. Về địa điểm niêm yết, pháp luật không quy định bắt buộc cụ thể trong trường hợp này.

Trong việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản, pháp luật dân sự cũng chia ra các trường hợp, nhưng tiêu chí để phân biệt chủ yếu được dựa vào bất động sản, động sản, giá trị động sản cũng như phụ thuộc vào ý chí của người có tài sản, cụ thể như sau:

Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.

Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản, thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương, nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản.

Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới ba mươi triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu.

Nhìn chung, thời hạn niêm yết trong pháp luật dân sự kéo dài hơn, được tổ chức nhiều lần hơn tùy thuộc vào loại tài sản, cũng như ý chí của người có tài sản.

5. Quy định về đăng ký tham gia đấu giá theo Luật Thương mại 2005

Pháp luật thương mại không bắt buộc người muốn đấu giá phải đăng ký tham gia và nộp tiền đặt trước, mà đây là quy phạm lựa chọn, phụ thuộc vào ý chí của người tổ chức đấu giá. Khoản tiền đặt trước, được quy định nếu người tổ chức đấu giá yêu cầu người tham gia phải nộp không quá 2% giá khởi điểm của hàng hoá được đấu giá.

Trong khi đó, theo pháp luật dân sự, việc đăng ký tham gia đấu giá và nộp phí, cũng như phải nộp trước một khoản tiền cho tổ chức bán đấu giá tài sản là điều kiện bắt buộc đối với người muốn tham gia đấu giá tài sản. Phí tham gia đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, tùy thuộc vào giá trị tài sản được đưa ra đấu giá. Còn khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định, nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá và được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản.