Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:
– Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
– Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
– Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
– Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
I. Khái quát chung
Về nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có một số nội dung co bản như sau:
1. Khái niệm liên quan
Thiên tai là gì?
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020 có quy định: “Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.”
Phòng chống thiên tai là gì?
Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, và để hiểu rõ hơn về nội dung quy định của pháp luật, cụ thể là theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Khái niệm dịch bệnh
Dịch bệnh bao gồm: Các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; dịch bệnh động vật quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật thú y năm 2015 và dịch hại thực vật được công bố dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013.
Khái niệm sự cố
Sự cố là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là bệnh nhân bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế quy định.
2. Nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
– Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
– Vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.
– Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.
– Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
– Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
3. Hành vi bị nghiêm cấm trong vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
– Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
– Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.
– Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
II. Nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo của tổ chức, cá nhân
1. Vận động đóng góp tự nguyện
Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, quỹ từ thiện, tổ chức có tư cách pháp nhân và các cá nhân vận động, đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể.
2. Tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền đóng góp tự nguyện
– Cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, quỹ từ thiện và tổ chức có tư cách pháp nhân mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận tiền đóng góp tự nguyện và hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; thực hiện công khai số tiền huy động được, số tiền đã hỗ trợ các bệnh nhân, số tiền còn lại chưa sử dụng (nếu có) trên các phương tiện truyền thông hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cư trú biết.
– Cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông.
– Các khoản đóng góp tự nguyện do tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận và sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có trách nhiệm phản ánh việc tiếp nhận, sử dụng vào báo cáo tài chính của tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.
3. Chi phí cho các hoạt động vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối
– Chi phí phát sinh trong việc vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối hiện vật đóng góp tự nguyện, chuyển tiền hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng từ kinh phí hoạt động của tổ chức.
– Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
III. Nguồn đóng góp tự nguyện giúp đỡ quốc gia khác bị thiên tai của tổ chức, cá nhân
1. Vận động đóng góp tự nguyện
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi ủng hộ Nhân dân các quốc gia khác khi bị thiên tai và là đầu mối của Việt Nam hỗ trợ các quốc gia khác theo chỉ đạo của Chính phủ.
2. Tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện
– Hội Chữ thập đỏ các cấp mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp ủng hộ đồng bào các quốc gia khác.
– Toàn bộ số tiền tiếp nhận được nộp vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ các cấp và chuyển về tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
– Chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc vận động, căn cứ số tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện thu được, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp Bộ Ngoại giao thực hiện chuyển tiền, hiện vật cho quốc gia khác bị thiên tai. Trường hợp cuộc vận động để hỗ trợ nhiều quốc gia bị thiên tai, Bộ Ngoại giao phối hợp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng quốc gia bị thiên tai.
– Số tiền hỗ trợ các quốc gia khác bị thiên tai không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành.
– Hội Chữ thập đỏ các cấp thực hiện công khai tiếp nhận, phân phối và tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ủng hộ Nhân dân các quốc gia khác theo quy định tại Điều 16 Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).