1. Khái niệm về đầu tư?
Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn, tài sản theo các hình thức và cách thức do pháp luật quy định để thực hiện hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế, xã hội khác.
Các ngành nghề cấm đầu tư: kinh doanh các chất ma tuý, các loại hóa chất, khoáng vật, mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mại dâm, mua bán người, hoạt động sinh sản vô tính trên người.
Các hình thức đầu tư hiện nay: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP, Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
2. Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài
Theo Điều 3 Luật đầu tư năm 2020 về giải thích từ ngữ, thì nhà đầu tư được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời nhà đầu tư nước ngoài được định nghĩa tại khoản 19 điều 3 Luật đầu tư năm 2020 như sau:
“ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.
Đồng thời, Luật còn định nghĩa, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
3. Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
3.1. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư
- Điều kiện khác theo quy định theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
3.2. Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài áp dụng trong các trường hợp:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác;
- Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
3.3. Điều kiện chung về ngành nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài
– Đối với những ngành, phân ngành mà Việt Nam đã cam kết mà nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện về đầu tư của ngành nghề đó thì Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư;
– Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về đầu tư nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam;
4. Khái niệm về hợp đồng BBC (Hợp tác kinh doanh)
Căn cứ Luật Đầu tư 2020 quy định về đầu tư theo hình thức BCC như sau:
“Điều 27. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”
“Điều 28. Nội dung hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.”
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Business Cooperation Contract) là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh để phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Vì vậy, hình thức này tương đối tiện lợi cho các nhà đầu tư.
Hoạt động kinh doanh của BCC do một bên thực hiện hoặc do cả hai bên cùng thực hiện, do đó nó phải phù hợp với chức năng kinh doanh của một trong hai bên hoặc của cả hai bên.
Mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC hiện nay rất phổ biến nhằm giúp các bên có thể chia tay trong “yên bình” và cũng thỏa mãn tiêu chí hợp tác trong ngắn hạn với những dự án không cần vận hành không cần pháp nhân.
– Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC có thể chia theo 2 dạng sau theo pháp luật về kế toán:
+ BCC theo hình thức tài sản đồng kiểm soát: Tài sản đồng kiểm soát bởi các bên tham gia liên doanh là tài sản được các bên tham gia liên doanh mua, xây dựng, được sử dụng cho mục đích của liên doanh và mang lại lợi ích cho các bên tham gia liên doanh theo quy định của Hợp đồng liên doanh. Các bên tham gia liên doanh được ghi nhận phần giá trị tài sản đồng kiểm soát mà mình được hưởng là tài sản trên Báo cáo tài chính của mình
+ BCC dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát: hoạt động liên doanh không thành lập một cơ sở kinh doanh mới. Các bên liên doanh có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng. Hoạt động của hợp đồng liên doanh được các bên góp vốn thực hiện cùng với các hoạt động kinh doanh thông thường khác của từng bên.
– Hoặc có thể chia hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC thành 2 loại theo phân chia lợi nhuận như sau:
+ BCC theo hình thức chia doanh thu, sản phẩm trước thuế
+ BCC theo hình thức chia lợi nhuận sau thuế
5. Hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC (Hợp tác kinh doanh)
Đối với hình thức này: Nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực hiện việc ký kết hợp đồng BCC và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư.
Các bên tham gia hợp đồng BCC sẽ thành lập một Ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Thủ tục: Các nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trình tự thực hiện cũng theo quy trình thủ tục như xin giấy chứng nhận theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại mục 3.1 nêu trên, cụ thể:
Thành phần hồ sơ: xin cấp giấy chứng nhận đầu tư bao gồm: (K1 Điều 33 Luật đầu tư 2020)
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính: Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
6. Ưu điểm và hạn chế của hợp đồng BCC
– Ưu điểm
+ Hợp đồng BCC không bắt buộc phải thành lập pháp nhân. Đây được xem là ưu điểm nổi bật đối với các nhà đầu tư. Nhà đầu tư và các đối tác có thể thỏa thuận với nhau về quyền, nghĩa vụ thông qua hợp đồng với tư cách là một nhà đầu tư độc lập mà không bị ràng buộc bởi pháp nhân chung.
+ Nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc thành lập, cũng như vận hành một pháp nhân mới.
+ Đầu tư dựa vào hình thức Hợp đồng BCC cũng là một trong những lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi họ có ý định đầu tư vào một thị trường mới nhưng vẫn tiếp cận được thông tin nhanh chóng dưới sự am hiểu về thị trường thông qua những đối tác trong nước.
– Hạn chế
+ Việc thực hiện những hợp đồng hay giao dịch bên lề nhằm phục vụ cho Hợp đồng BCC cũng sẽ gây thắc mắc cho bên thứ ba khi không tồn tại một đại diện – công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư. Trong khi pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các bên đối tác khi ký kết hợp đồng với bên thứ ba.
+ Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ phải tự thỏa thuận việc lựa chọn con dấu của một trong hai bên để phục vụ cho vấn đề kí kết các hợp đồng với bên thứ ba. Nếu rủi ro xảy ra, cụ thể là khi các bên bất đồng quan điểm trong việc sử dụng con dấu để ký hợp đồng, thì dự án đầu tư đó sẽ phải dừng lại, và chờ đợi giải quyết.