1. Khái niệm:

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Hợp đồng dự án có thể bao gồm:

  • Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.
  • Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.
  • Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
  • Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
  • Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một Phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.
  • Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng dự án kết hợp các loại hợp đồng được quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này
  • Hợp đồng khác theo quy định tại khoản 4 Điều 40 nghị định số 63/2018.

2. Các lĩnh vực thực hiện đầu tư theo hình thức PPP:

– Lĩnh vực khuyến khích đầu tư hình thức PPP:

+ Giao thông vận tải;

+ Nhà máy điện, đường dây tải điện;

+ Hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; công viên; nhà, sân bãi để ô tô, xe, máy móc, thiết bị; nghĩa trang;

+ Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư;

+ Y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; văn hóa; thể thao; du lịch; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; ứng dụng công nghệ thông tin;

+ Hạ tầng thương mại; hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

+ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

+ Các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Dự án PPP được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C theo tiêu chí quy định tại pháp luật về đầu tư công.

3. Những lợi thế của mô hình PPP

– Các nước trên thế giới ngày càng có khuynh hướng chuyển dần sang khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông vận tải. Có nhiều lý do cho sự hợp tác với khu vực tư nhân trong phát triển và cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng, đó là:

+ Tăng cường hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý dự án về hạ tầng.

+ Có các nguồn lực bổ sung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

+ Có cơ hội tiếp cận và nắm bắt các công nghệ tiên tiến (cả phần cứng và phần mềm).

– Công tác quy hoạch và phát triển được triển khai đúng đắn cho phép sàng lọc, lựa chọn tốt hơn các đối tác, và hỗ trợ trong việc ra quyết định về cơ cấu của dự án, cũng như đưa ra lựa chọn thích hợp về công nghệ trên cơ sở xem xét chi phí trong toàn bộ vòng đời của dự án.

– Mô hình PPP trở nên hấp dẫn với chính phủ các nước đang phát triển vì nó được đánh giá như là một cơ chế ngoài ngân sách phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng như:

+ Giúp tăng cường cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng cần thiết.

+ Áp dụng mô hình PPP có thể không yêu cầu bất kỳ chi tiêu tiền mặt ngay lập tức qua đó giúp làm giảm gánh nặng của chi phí thiết kế và xây dựng.

+ Cho phép chuyển nhượng nhiều rủi ro dự án sang khu vực tư nhân.

+ Mô hình PPP giúp đưa ra những lựa chọn tốt hơn về thiết kế, công nghệ, xây dựng, sự vận hành và chất lượng cung cấp dịch vụ hạ tầng.

4. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Theo Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP gồm có các chủ thể:

(1) Quốc hội;

(2) Thủ tướng Chính phủ;

(3) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

(4) HĐND cấp tỉnh;

(5) UBND cấp tỉnh.Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư thì đã bỏ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cụ thể:

– Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây: Sử dụng vốn đầu tư công tư 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; Rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

– Trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau: Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên; Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

– Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác: Trừ những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý.

– HĐND cấp tỉnh: Trừ những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác thì HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Như vậy, tất cả các dự án đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi địa phương đều phải thông qua HĐND cấp tỉnh. Điều này tạo điều kiện thực hiện thống nhất, minh bạch đối với các dự án PPP trên địa bàn cấp tỉnh.

5. Quy trình thực hiện dự án đầu tư:

Bước 1: Đề xuất dự án đầu tư

Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc nhà đầu tư có thể đề xuất dự án đầu tư.

Bước 2: Thẩm định và phê duyệt dự án

Các tiêu chí và trình tự thẩm định và phê duyệt dự án được quy định chi tiết tại Thông tư 02/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thời hạn thẩm định và phê duyệt là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Bước 3: Công bố dự án

Trong vòng 7 ngày kể từ ngày dự án được phê duyệt, dự án sẽ được công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đối với đề xuất dự án có nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc các thỏa thuận huy động vốn để thực hiện dự án cần bảo mật, nhà đầu tư thỏa thuận với Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung công bố.

Bước 4: Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi

Chủ thể thực hiện: Với dự án do Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất thì Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án. Với dự án do nhà đầu tư đề xuất thì nhà đầu tư thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản với Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chủ thể thẩm định: Hội đồng thẩm định nhà nước hoặc các đơn vị đầu mối về PPP do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chủ thể phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 5: Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư, ký kết hợp đồng dự án

Cách thức lựa chọn nhà đầu tư: đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu.

Bước 6: Đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án theo pháp luật doanh nghiệp.

Bước 7: Triển khai thực hiện dự án

Bước 8: Quyết toán và bàn giao dự án

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư được thực hiện bởi một tổ chức kiểm toán độc lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận lựa chọn.

Đối với các hợp đồng dự án có quy định về việc chuyển giao công trình dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng dự án các điều kiện, thủ tục chuyển giao.