1. Khái niệm về hoạt động ngoại thương
Ngoại thương là những hoạt động buôn bán, trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia theo nguyên tắc ngang bằng giá.
Ngoài trao đổi sản phẩm, ngoại thương còn bao gồm việc giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và lưu giữ những nét đẹp của các quốc gia dân tộc đối với bạn bè quốc tế.
Như vậy, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.
2. Nội dung và đặc điểm của hoạt động quản lý ngoại thương
2.1. Đặc điểm của hoạt động ngoại thương
Với cách giải thích thuật ngữ “ngoại thương” là gì như trên có lẽ quý vị cũng phần nào nắm được khái quát về hoạt động ngoại thương. Vậy ngoại thương có những đặc điểm gì?
– Trong lĩnh vực ngoại thương quốc tế, những sản phẩm trong đây có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với các sản phẩm trong nước
– Tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm vô hình có sự phát triển nhanh hơn so với những dòng sản phẩm hữu hình.
– Cơ cấu mặt hàng có sự biến đổi rõ rệt
– Phạm vi, phương thức cạnh tranh cũng như công cụ có sự phát triển rất đa dạng không chỉ về bao bì, giá cả, loại hàng, hình thức vận chuyển.
– Các hàng hóa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ bán chạy hơn so với các dòng sản phẩm mang tính truyền thống.
2.2. Nội dung của hoạt động ngoại thương
Hiện nay, Việt Nam đã và đang rất chú trọng đến lĩnh vực ngoại thương và xem nó như một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa, chính trị. Ngoại thương sẽ bao gồm những nội dung chính sau đây:
– Xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình như nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, máy móc, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng,…thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác
– Xuất nhập khẩu hàng hóa vô hình như các bí quyết công nghệ, bằng sáng chế, phát minh, phần mềm máy tính, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu, thương hiệu…) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.
– Gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công
– Tái xuất khẩu và chuyển khẩu
– Xuất khẩu tại chỗ
3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật quản lý ngoại thương 2017
– Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Như vậy, Luật không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau mà điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước và thương nhân.
Ngoài ra, Luật chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định trong Luật một số nguyên tắc quản lý chung cho cả hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, hiện nay theo quy định tại Quyết định số 28/2012/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin… Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ này được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông, Luật Xây dựng, Luật Du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán…). Ngoài ra, do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thông qua 2 phương thức.
Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; họ vẫn ở 2 nước khác nhau và dịch vụ được cung cấp từ nước này vào nước kia.
Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Với 2 phương thức đặc thù như vậy, cùng với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, việc đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong một luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý. Các biện pháp này đều đã được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Nếu Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định về xuất nhập khẩu dịch vụ, sẽ tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Mặc dù không điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhưng Luật Quản lý ngoại thương đã quy định một số biện pháp mang tính chất hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hỗ trợ phát triển các dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hóa.
– Đối tượng áp dụng: cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.
4. Biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
– Quy định của Luật Quản lý ngoại thương 2017 về cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu.
Luật quy định các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Điều 9), theo đó việc cấm xuất khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc cấm nhập khẩu hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí này, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (khoản 1 Điều 10).
Quy định như trong Luật vẫn đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp, do các quy định tại Điều 9 đã phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu công cộng chính đáng. Sự lạm dụng, tùy tiện trong xây dựng Danh mục này là gần như không thể xảy ra do tất cả các đối tác thương mại của Việt Nam trong WTO và trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều theo dõi rất sát sao để bảo đảm Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam là phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của điều ước quốc tế.
Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp ngoại lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu để phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh (khoản 2 Điều 10).
– Về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu phải được quyết định theo một quy trình nhanh nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Mặt khác, khi áp dụng biện pháp này vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 9 và phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên tham gia điều ước quốc tế đó. Do vậy, Luật quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được giao cho Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác (khoản 1 Điều 13). Ngoài ra, khoản 1 Điều 14 cũng quy định Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
5. Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định chi tiết các biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu bao gồm hạn chế về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa, thương nhân và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông qua việc thực hiện chế độ hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
– Hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
Khoản 1 Điều 18 quy định biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đối với hàng hóa bảo đảm cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ; khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
– Hạn ngạch thuế quan
Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan được quy định tại Điều 21 như sau:
“1. Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.
3. Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu”.
Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO, theo đó, có 04 mặt hàng sẽ được Việt Nam duy trì cơ chế hạn ngạch thuế quan, bao gồm: trứng gia cầm, muối, đường, lá thuốc lá. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng trong trường hợp có ưu đãi đặc biệt đối với một số đối tác thương mại đặc biệt như Lào, Campuchia hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu: đây là biện pháp được áp dụng với mục đích quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; phù hợp với điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật của từng cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh (khoản 1 Điều 24). Thương nhân có quyền tự do lựa chọn cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong các cửa khẩu đã được chỉ định (khoản 3 Điều 24).
– Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu: là biện pháp được áp dụng khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại; hàng hóa phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp quy định tại Chương V của Luật này (khoản 1 Điều 27).
Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO theo đó biện pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp thương mại nhà nước đối với một số mặt hàng như thuốc lá điếu, xuất bản phẩm… được cam kết tại Bảng 5 Đoạn 72 Báo cáo Ban Công tác gia nhập WTO của Việt Nam.