Gửi Luật sư,

Em muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp em trường hợp của em ạ: Em ký họp đồng lao động với Công ty A vào ngày 21/01/2019 (Công ty A là bên trả lương). Công ty B thuê nhân sự của Công ty A. Sau khi ký hợp đồng với Công ty A, em đi làm dưới sự quản lý của Công ty B. Ngày 30/3/2019, quản lý của Công ty B cho em nghỉ việc. Trong hợp đồng đồng ký với Công ty A có nội dung là nếu em bị sa thải thì sẽ không được nhận lương.

Kính mong Luật LVN Group tư vấn giúp em về việc thuê lại lao động và nội dung nói trên với ạ. Em xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: Trần Lan A.

Luật sư trả lời:

Chào bạn.

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn bạn vì đã tin tưởng gửi câu hỏi của mình về Bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật – Công ty Luật TNHH LVN Group.

Với câu hỏi của bạn, chúng tôi đã nghiên cứu và sẽ trả lời bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật Lao động 2012.

2. Những điểm cần lưu ý trong việc thuê lại lao động

Dựa theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi, chúng tôi xác định đây là việc thuê lại lao động.

Đối với việc này, có ba chủ thể cùng tham gia, đó là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động và người lao động thuê lại. Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được quy định lần lượt tại Điều 56, 57 và 58 Bộ luật Lao động 2012.

Điều 56: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

1. Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động.

2. Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động.

3. Ký kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật này.

4. Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động.

5. Thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này; trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

6. Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

7. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.

Điều 57: Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại nếu huy động họ làm đêm, làm thêm giờ ngoài nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động.

4. Không được chuyển người lao động đã thuê lại cho người sử dụng lao động khác.

5. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

6. Trả lại doanh nghiệp cho thuê lại lao động người lao động không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động.

7. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Điều 58: Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại

1. Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.

2. Chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động, sự điều hành hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể của bên thuê lại lao động.

3. Được trả lương không thấp hơn tiền lương của những người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

4. Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thoả thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động.

5. Thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

6. Thỏa thuận để giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

3. Nếu bị bên thuê lại lao động sa thải, người lao động thuê lại có được nhận lương không?

Theo thông tin bạn cung cấp, trong hợp đồng được ký kết giữa bạn, Công ty A và Công ty B, vì bạn không nói rõ là Công ty nào sẽ không trả lương cho bạn nếu bạn bị sa thải nên chúng tôi sẽ tư vấn chung như sau:

Theo Khoản 2, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012, quy định về tiền lương ngừng việc trong trường hợp bị người sử dụng lao động sa thải: “Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương…

Ngoài ra, vì đây là quan hệ cho thuê lại lao động, do vậy, bạn sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của Công ty B. Do vậy, nếu bạn bị Công ty B sa thải thì bạn sẽ không được Công ty này trả lương.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group