1. Người chưa thành niên phạm tội là gì?
Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child) – gọi tắt là Công ước, là văn bản pháp lý quốc tế quy định các quyền cơ bản của trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng. Điều 1 Công ước xác định rõ: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Bên cạnh Công ước có tính ràng buộc, còn tập hợp các quy tắc, hướng dẫn đã được cộng đồng quốc tế thông qua để quy định chi tiết việc áp dụng pháp luật với người chưa thành niên. Đây là những nguyên tắc và tiêu chuẩn mà nhiều quốc gia thành viên đã đồng ý và nêu rõ trong các tuyên ngôn, nguyên tắc, các quy tắc và các hướng dẫn chuẩn. Mặc dù những văn bản này không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý với các quốc gia thành viên, nhưng chúng được xây dựng từ pháp luật quốc tế và được đông đảo các nước trên thế giới đồng tình ủng hộ. Do vậy, các văn bản chủ yếu mang tính khuyến nghị, định hướng đối với các quốc gia thành viên, góp phần thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Trong một số văn bản, khái niệm trẻ em được gọi là người chưa thành niên hoặc thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, trong qua hệ với pháp luật và thực thi pháp luật, trẻ em thường được gọi là người chưa thành niên. Quy tắc tối thiểu của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do thông qua ngày 14/12/1990 nêu cụ thể: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên” (Quy tắc số 2.1 mục a).
Như vậy, người chưa thành niên làm trái pháp luật (hay vi phạm pháp luật) là người dưới 18 tuổi đã thực hiện, hoặc bị tố cáo là đã thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật. Khái niệm này bao gồm cả những người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp hành chính và hình sự. Trong các văn bản pháp luật quốc tế, đôi khi những đối tượng này được gọi là “trẻ em làm trái pháp luật”. Các vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra là hành vi vi phạm pháp luật hình sự do người chưa thành niên thực hiện có dấu hiệu của tội phạm và được điều tra xử lý.
2. Tư pháp hình sự thân thiện với người chưa thành niên
Hiện nay các quốc gia trên thế giới đã xây dựng nhiều văn bản pháp luật bảo vệ các quyền của con người, đặc biệt là đối với người chưa thành niên, trong đó phải kể đến các văn kiện quốc tế dành riêng cho người chưa thành niên như Công ước về quyền trẻ em; Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (gọi tắt là Hướng dẫn Riyadh); Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về áp dụng pháp luật với người chưa thành niên (gọi tắt là Quy tắc Bắc Kinh); Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do. Các văn kiện pháp lý này đã tạo ra những chuẩn mực tối thiểu nhằm bảo đảm các quyền của người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật. Các văn bản này đã đưa ra các nguyên tắc về tư pháp thân thiện với trẻ em.
Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em được quan tâm hàng đầu, đây là nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với trẻ em. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội (trong đó có trẻ em) được thể hiện rất đầy đủ trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ các em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
3. Nguyên tắc trong thực hiện hoạt động tư pháp đối với trẻ em
3.1. Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em
Một trong nhưng nguyên tắc quan trọng nhất đối với hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên là “Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”.Quy tắc Bắc Kinh cũng nêu rõ nguyên tắc này “Các thủ tục tố tụng phải nhằm bảo đảm những lợi ích cao nhất của người chưa thành niên và được tiến hành trong một bầu không khí hiểu biết, cho phép người chưa thành niên được tham gia và tự do bày tỏ ý kiến”.
Đối với Việt Nam: Bộ luật hình sự năm 2015 dành chương 12 về những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó Điều 91 quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
– Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội;
– Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
3.2. Không phân biệt đối xử
Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên có ý nghĩa trong việc áp dụng các thủ tục đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Nguyên tắc này đòi hỏi việc áp dụng thủ tục tư pháp đối với trẻ em phải bình đẳng, không có sự phân biệt dựa trên bất cứ yếu tố nào: chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, địa vị xuất thân… Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 2 Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Nguyên tắc này cũng được nghi nhận trong Quy tắc Bắc Kinh “Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu dưới đây phải được áp dụng một cách không thiên vị đối với người phạm tội chưa thành niên, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hoặc dân tộc, tài sản, dòng dõi hoặc các mối tương quan khác”.
Đối với Việt Nam: Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 “Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật”. Thực tiễn cho thấy trong tố tụng hình sự nói chung và tố tụng hình sự với trẻ em nói riêng chưa phát hiện sự phân biệt đối xử, do đó, nguyên tắc này đã được ghi nhận và thực hiện tại Việt Nam.
3.3. Bảo đảm quyền riêng tư
Các văn kiện quốc tế đã đưa ra một số cơ chế bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật khỏi nguy cơ bị xam phạm quyền riêng tư. Quy tắc 8.1 và 8.2 Quy tắc Bắc Kinh quy định không được công khai bất cứ thông tin nào dẫn đến việc nhận diện người chưa thành niên phạm tội.
Tại Việt Nam,nguyên tắc này được thể hiện rất rõ tại khoản 2 Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự “Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi”. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai (Điều 25 BLTTHS).
Tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân quy định:Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em đã được cụ thể hơn tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BCA-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải bảo đảm giữ bí mật thông tin cá nhân của người chưa thành niên trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Ở cấp độ Châu lục, Hội đồng Bộ trưởng Châu Âu cũng đã có hướng dẫn về tư pháp thân thiện với trẻ em năm 2010, trong đó đưa ra 05 nguyên tắc cơ bản về tư pháp thân thiện với trẻ em bao gồm: bảo đảm sự tham gia của trẻ em, bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, bảo vệ tốt nhất quyền của trẻ em, bảo vệ phẩm giá, nhà nước pháp quyền.
4. Về hệ thống tư pháp riêng cho trẻ em
Điều 40 Công ước quốc tế về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia phải thúc đẩy việc hình thành các đạo luật quy định trình tự thủ tục, các cơ quan và tổ chức riêng cho trẻ em bị coi là, bị tố cáo hay thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự. Một số nguyên tắc bảo đảm quyền của người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng được đề cập như nguyên tắc giả định vô tội cho tới khi chứng minh đã phạm tội theo pháp luật, được giúp đỡ về pháp lý hoặc những giúp đỡ thích hợp khác để chuẩn bị và trình bày sự bảo vệ của mình… Bình luận chung số 10 của Công ước cũng khuyến nghị việc thiết lập tòa án người chưa thành niên với tư cách là một thiết chế độc lập hoặc như là một phần của hệ thống tòa án hiện có.
Tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 30, 38, 45 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện có Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Việc tổ chức Tòa Gia đình và Người chưa thành niên ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi Tòa án; căn cứ vào biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng Tòa án và do Chánh án Tòa án nhân dân xem xét, quyết định. Đến nay, Việt Nam đã thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp. Việc quy định cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân và việc thành lập Tòa chuyên trách này là đỉnh cao của hệ thống tư pháp Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em. Việc thành lập Tòa chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên đã chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.
Ngày 21/9/2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa án gia đình và người chưa thành niên trong đó quy định việc phân công thẩm phán xét xử các vụ án có người bị buộc tội dưới 18 tuổi, việc bố trí phòng xét xử…
Đặc biệt, Công ước đã yêu cầu các quốc gia thúc đẩy việc tăng cường áp dụng các biện pháp xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự mà không phải áp dụng thủ tục tố tụng (tăng cường áp dụng “xử lý chuyển hướng”) “đề ra các biện pháp để xử lý những trẻ em như thế mà không phải đụng đến những quá trình tố tụng của việc xét xử, miễn là các quyền con người và những điều kiện bảo vệ về pháp lý được tôn trọng đầy đủ trong bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần phải làm”.
5. Đối với cán bộ thực hành tư pháp đối với trẻ em
Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Bình luận chung số 10, đoạn 97) khuyến nghị các cán bộ chuyên môn trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên cần được đào tạo bài bản và thường xuyên. Quy tắc Bắc Kinh (quy tắc 22.1) khuyến nghị cán bộ làm việc với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự cần được đào tạo thường xuyên dưới nhiều hình thức.
Tại Việt Nam, Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Trong thực tiễn, cán bộ thực hành tố tụng đối với trẻ em đã được quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.