Tiền lương có vai trò to lớn, là nguồn thu nhập chủ yếu của người lao động, nó được xác định trên thị trường lao động thông qua hình thức thỏa thuận tiền lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy cải cách chính sách tiền lương, liên tục thay đổi và điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu theo hướng tăng dần, từng bước làm cho người lao động đảm bảo nhu cầu tối thiểu để tái sản xuất sức lao động, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu đã và đang gặp phải những rào cản, bất hợp lý khi giá cả thị trường, lạm phát, thất nghiệp ngày càng tăng;mất cân đối giữa cung-cầu lao động trên thị trường lao động; bất cập về mức lương tối thiểu; quan hệ lương tối thiểu-trung bình-tối đa;hệ thống thang, bảng lương;chế độ nâng ngạch, nâng bậc; cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập…
1.Khái quát chung về tiền lương
Trải qua các thời kì,tiền lương cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trước đây trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tiền lương là một phần của thu nhập quốc dân, được Nhà nước phân phối một cách có kế hoạch cho người lao động theo số lượng và chất lượng lao động. Hay tiền lương chịu sự tác động của quy luật phát triển cân đối, có kế hoạch và chịu sự chi phối trực tiếp của Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường bản chất của tiền lương đã thay đổi. Nền kinh tế thị trường thừa nhận sự tồn tại khách quan của thị trường sức lao động, tiền lương không chỉ thuộc phạm trù phân phối mà còn là phạm trù trao đổi, phạm trù giá trị. Tiền lương là giá cả hàng hóa sức lao động, được hình thành qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động phù hợp với quan hệ cung cầu lao động trên thị trường. Như vậy, từ chỗ coi tiền lương chỉ là yếu tố của phân phối, thì nay đã coi tiền lương là yếu tố của sản xuất. Tức là chi phí tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động, mà còn là đầu tư cho người lao động. Tóm lại tiền lương mang bản chất kinh tế – xã hội. Nó biểu hiện quan hệ xã hội giữa những người tham gia quá trình sản xuất và biểu hiện mối quan hệ lợi ích giữa các bên.
Bộ luật lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”.
Như vậy,dưới góc độ luật lao động, tiền lương được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động, được xác định theo sự thoả thuận hợp pháp giữa hai bên trong hợp đồng lao động hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Bản chất kinh tế của tiền lương
Tiền lương chính là biểu hiện bằng tiền của giá cả sức lao động, do đó tiền lương là một phạm trù kinh tế gắn liền với lao động, tiền tệ và nền sản xuất hàng hoá. Mặt khác trong điều kiện tồn tại nền sản xuất hàng hoá và tiền tệ, tiền lương là một yếu tố chi phí sản xuất, kinh doanh cấu thành nên giá thành của sản phẩm, lao vụ, dịch vụ. Ngoài ra tiền lương còn là đòn bảy kinh tế quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, có tác dụng động viên khuyến khích tinh thần hăng hái lao động, kích thích và tạo mối quan tâm của người lao động đến kết quả công việc của họ. Nói cách khác, tiền lương chính là một nhân tố thúc đẩy năng suất lao động.
3. Đặc điểm của tiền lương
– Tiền lương là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh, là vốn ứng trước và đây là một khoản chi phí trong giá thành sản phẩm.
– Trong quá trình lao động sức lao động của con người bị hao mòn dần cùng với quá trình tạo ra sản phẩm. Muốn duy trì và nâng cao khả năng làm việc của con người thì cần phải tái sản xuất sức lao động. Do đó tiền lương là một trong những tiền đề vật chất có khả năng tái tạo sức lao động trên cơ sở bù lại sức lao động đã hao phí, bù lại thông qua sự thoả mãn các nhu cầu tiêu dùng của người lao động.
– Đối với các nhà quản lý thì tiền lương là một trong những công cụ để quản lý doanh nghiệp. Thông qua việc trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tiến hành kiểm tra, theo dõi, giám sát người lao động làm việc theo kế hoạch tổ chức của mình để đảm bảo tiền lương bỏ ra phải đem lại kết quả và hiệu quả cao. Như vậy người sử dụng sức lao động quản lý một cách chặt chẽ về số lượng và chất lượng lao động của mình để trả công xứng đáng.
4. Vai trò của tiền lương
Về mặt sản xuất và đời sống, tiền lương có 4 vai trò cơ bản sau đây:
Vai trò tái sản suất sức lao động: Sức lao động là yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất để đảm bảo tái sản xuất và sức lao động cũng như lực lượng sản suất xã hội, tiền lương cần thiết phải đủ nuôi sống người lao động và gia đình họ. Đặc biệt là trong điều kiện lương là thu nhập cơ bản.
Để thực hiện chức năng này, trước hết tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động. Thực hiện trả lương theo việc, không trả lương theo người, đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động. Mức lương tối thiểu là nền tảng của chính sách tiền lương và tiền công, có cơ cấu hợp lí về sinh học, xã hội học… Đồng thời người sử dụng lao động không được trả công thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định.
Vai trò kích thích sản xuất: Chính sách tiền lương đúng đắn là động lực to lớn nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội. Vì vậy, tổ chức tiền lương và tiền công thúc đẩy và khuyến khích người lao động nâng cao nâng suất, chất lượng và hiệu quả của lao động bảo đảm sự công bằng và xã hội trên cơ sở thực hiện chế độ trả lương. Tiền lương phải đảm bảo: Khuyến khích người lao động có tài năng; Nâng cao trình độ văn hóa và nghiệp vụ cho người lao động; Khắc phục chủ nghĩa bình quân trong phân phối, biến phân phối trở thành một động lực thực sự của sản xuất.
Vai trò thước đo giá trị: Là cơ sở điều chỉnh giá cả cho phù hợp. Mỗi khi giá cả biến động, bao gồm cả giá cả sức lao động hay nói cách khác tiền lương là giá cả sức lao động, là một bộ phận của sản phẩm xã hội mới được sáng tạo nên. Tiền lương phải thay đổi phù hợp với sự dao động của giá cả sức lao động.
Vai trò tích lũy: Bảo đảm tiền lương của người lao động duy trì được cuộc sống hàng ngày và còn có thể dự phòng cho cuộc sống lâu dài khi họ hết khả năng lao động hoặc xảy ra những bất trắc.
Như vậy,có thể thấy rằng,tiền lương có vai trò quan trọng đối với cả người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội.
– Đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập có tính chất thường xuyên, nguồn sống chủ yếu của người lao động và gia đình họ; là cơ sở định hướng nghề nghiệp cho người lao động; mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời lao động của họ, có tác dụng kích thích người lao động tăng năng suất lao động, phát huy tài năng, sáng tạo, tích luỹ kinh nghiệm và ở mức độ nhất định, tiền lương còn khẳng định địa vị của người lao động trong gia đình và ngoài xã hội…
– Đối với người sử dụng lao động, tiền lương là bộ phận quan trọng của chi phí sản xuất, là một trong những căn cứ để người sử dụng lao động hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, tổ chức và quản lí lao động trong đơn vị, là đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế trong doanh nghiệp, tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, tạo lập và củng cố lòng trung thành, sự gắn bó của người lao động với đơn vị sử dụng lao động…
– Đối với nhà nước, xã hội, tiền lương là bộ phận cấu thành thu nhập quốc dân, nằm trong chính sách phân phối tổng sản phẩm xã hội của Nhà nước; tiền lương tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội nói chung, ổn định đời sống của người lao động nói riêng, nhân dân nói chung, ổn định lực lượng lao động xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phòng ngừa và hạn chế các tệ nạn xã hội, tội phạm, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
5. Chức năng của tiền lương
Theo quan điểm khoa học pháp lý lao động, tiền lương có 5 chức năng cơ bản, gồm:
+ (1) Chức năng thước đo giá trị sức lao động: Ở khía cạnh này, tiền lương chính là “giá cả sức lao động”, phản ánh giá trị sức lao động của người lao động, gắn chặt với quá trình sản xuất vì nó được coi là yếu tố đầu vào của nền sản xuất xã hội, góp phần tạo ra của cải xã hội.
+ (2) Chức năng tái sản xuất sức lao động: Tiền lương có vai trò bù đắp – duy trì – phát triển sức lao động hiện tại cũng như tương lai của người lao động, tức là tái sản xuất giản đơn, đồng thời tái sản xuất mở rộng sức lao động.
+ (3) Chức năng kích thích: thể hiện ở việc tạo ra “động lực” bên trong và “đòn bẩy” bên ngoài đối với người lao động. Người sử dụng lao động, Nhà nước sử dụng tiền lương như’ là phương tiện kích thích hữu hiệu về vật chất và đương nhiên là cả tinh thần để người lao động yên tâm – phấn khởi – hăng say lao động sáng tạo; tuân thủ kỷ luật lao động; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc.
+ (4) Chức năng tích lũy: Tiền lương là phương tiện tích lũy của người lao động và gia đình họ nhằm giải quyết những nhu cầu trung hạn, dài hạn trong cuộc sống.
+ (5) Chức năng xã hội: Tiền lương, theo như c. Mác, không chỉ để ăn, chi phí tiền nhà ở mà còn để nuôi con, chi phí cho các nhu cầu xã hội nhằm “duy trì nhân cách sinh động của con người” như tham gia các sinh hoạt xã hội, học tập, du lịch…Những chức năng của tiền lương cho thấy rõ vai trò tối quan trọng của nó đối với đời sống sản xuất, đời sống lao động và sinh hoạt xã hội. Chính vì vậy, tiền lương trở thành đối tượng của nhiều khoa học và được xác định rõ trong luật lao động.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp. Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua điện thoại gọi 1900.0191.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật – Công ty luật LVN Group.