>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Theo quy định của pháp luật, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực trong quản lý nhà nước đều có chế độ quản lý tài liệu, thông tin làm sao đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhưng không xâm hại đến quyền tiếp cận thông tin một cách công khai, minh bạch của các đối tượng quản lý.

Vì thế mới sinh ra việc chế định danh mục các tài liệu có độ “mật”, “tối mật”, “tuyệt mật” do Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng bộ, ngành và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, mà nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - 1900.0191

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa

Không chỉ ở nhiều nước có trình độ phát triển cao, chính quyền quy định cả thời hạn và cơ chế “giải mật”, cho phép công bố cả những điều tuyệt mật, mang tính nhạy cảm để bàn dân thiên hạ biết, mà ngay ở nước ta, vừa rồi Cục Lưu trữ Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ cũng đã tổ chức công bố một số thông tin, tư liệu để người dân hiểu rõ thêm về một sự kiện của một giai đoạn lịch sử…

Vậy mà trong phiên toà do Toà án nhân dân TPHCM đang xét xử vụ án điện kế điện tử, trong phần thẩm vấn của Luật sư của LVN Group, đã bất ngờ phát hiện bản kết luận giám định của Hội đồng Giám định tư pháp theo vụ việc do Bộ Công thương thành lập, đã được đóng dấu “mật”!

Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, theo quy định tại các Điều 60 (người giám định), Điều 73 (kết luận giám định), từ Điều 155 đến 157 (về trưng cầu, tiến hành và nội dung kết luận giám định) của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Giám định tư pháp không có một câu chữ nào cho phép hội đồng giám định hay giám định viên tự ý đóng dấu “mật” lên bản kết luận giám định cả.

Pháp lệnh Giám định tư pháp cũng chỉ quy định khi tiến hành giám định, nghĩa vụ của giám định viên là giữ bí mật về kết quả giám định, thông tin và tài liệu giám định mà thôi… Câu hỏi được đặt ra tại phiên toà là: “Vậy hội đồng giám định định “bí mật” nội dung kết luận giám định này với ai?”.

Lại nhớ đã xảy ra một cuộc tranh cãi trong vụ án về điện thoại di động mà thân chủ của tôi bị quy buộc tội danh “buôn lậu” cách đây đã hơn 3 năm, khi Luật sư của LVN Group phản đối thẩm phán thụ lý vụ án tự ý đóng dấu “mật” lên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, được ghi ở dưới là gửi cho những người tham gia tố tụng, nhưng thực tế bị can và Luật sư của LVN Group không hề nhận được quyết định này.

Lúc đã phản đối việc tự ý đóng dấu “mật” trong quyết định nói trên là không phù hợp với danh mục bí mật Nhà nước độ “mật” của ngành toà án theo Quyết định số 30/2004 ngày 8.1.2004 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Mặt khác, “quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung” theo thẩm quyền của thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà được quy định tại điểm (b) khoản 3 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự là một trong những quyết định trong hoạt động tố tụng bình thường, không phải là tài liệu “mật”.

Thêm mới đây, báo chí đưa tin về kết quả nghiên cứu một đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ, phát hiện ra  nhiều bản kết luận thanh tra trong ngành mình lại được đóng dấu “mật”, việc này hạn chế hiệu quả công tác thanh tra, chống tham nhũng. Việc đóng dấu “mật” lên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, kết luận giám định hay kết luận kiểm tra, thanh tra nêu trên cho thấy sự thiếu minh bạch và công khai trong hoạt động của những người tiến hành, tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự và trong hoạt động thanh kiểm tra trong quản lý hành chính nhà nước…

Vẫn biết hoạt động tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo vệ trật tự pháp luật, giữ yên lành cho đời sống người dân, nhưng vì nó đụng chạm đến thân phận của nhiều người liên quan đến vụ án, mà nếu oan sai có thể ảnh hưởng đến cả hoà khí của đất nước, nên việc thận trọng trong đánh giá, cung cấp thông tin, tài liệu là cần thiết.

Tuy nhiên, việc để cho những “vùng cấm” tồn tại và được mở rộng như thế là những điều mà lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bổ trợ tư pháp cần suy nghĩ, xem xét lại. Bởi lẽ, tinh thần xuyên suốt của Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta là bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự, xét xử công khai (trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ).

Ngược lại, điều mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần đảm bảo chính là “quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân”như được quy định tại Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003!

CÔNG TY LUẬT LVN GROUP biên tập