1. Chứng khoán là gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa về chứng khoán như sau:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Cụ thể, theo Điều 4 các loại tài sản là chứng khoán được quy định như sau:
– Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
– Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
– Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
– Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
– Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
– Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
– Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
– Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
Như vậy, Chứng khoán là chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghỉ số xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành. Vậy, pháp luật quy định những loại chứng khoán nào?
2. Các loại chứng khoán
Có 3 loại chứng khoán chính, phổ biến trên thế giới, gồm:
(1) Chứng khoán vốn
(2) Chứng khoán nợ
(3) Chứng khoán phái sinh
Cụ thể:
2.1 Chứng khoán vốn
Chứng khoán vốn được biết đến nhất là cổ phiếu phổ thông. Tức là cổ phiếu nhà đầu tư cá nhân hay mua trên các sàn chứng khoán.
Chứng khoán vốn thể hiện quyền sở hữu của cổ đông một thực thể (công ty, ủy thác…)
Vì chứng khoán vốn xem như là cổ phiếu, nên nó có vai trò và đặc điểm như là cổ phiếu: được trả cổ tức nếu công ty hoạt động kinh doanh tốt, được hưởng lợi từ việc bán chênh lệch giá (mua thấp bán cao), chứng khoán vốn cũng có quyền biểu quyết các hoạt động quan trọng của công ty.
Trong trường hợp phá sản, giải thể thì cổ đông sẽ nhận lại các khoản tiền còn lại, khi công ty thanh toán xong các khoản nợ.
2.2 Chứng khoán nợ
Chứng khoán nợ được biết đến nhiều nhất là trái phiếu. Khi bạn sở hữu chứng khoán nợ, hay trái phiếu công ty, điều đó thể hiện bạn là chủ nợ của công ty.
Khi bạn sở hữu chứng khoán nợ, thì xác lập tiền bạn cho công ty vay và công ty phải có tránh nhiệm hoàn trả (trừ trường hợp phá sản, mà không đủ tiền trả nợ). Chứng khoán nợ thể hiện số tiền cho vay, lãi suất, kỳ hạn, gia hạn…
Chứng khoán nợ ngoài sản phẩm chủ đạo là trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp), chứng chỉ tiền gửi (CD), chứng khoán được thế chấp.
Nếu bạn hay gửi ngân hàng, thì cái sổ tiết kiệm bạn có thể xem là chứng khoán nợ.
Chứng khoán nợ sẽ được trả lãi thường xuyên, bất chấp công ty hoạt động tốt hay xấu. Và được ưu tiên thanh toán trước nhất trong trường hợp công ty phá sản.
Chứng khoán lai: Có thể bạn sẽ nghe một số thuật ngữ cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi. Đó là dạng của chứng khoán lai. Nó có đặc tính của cả chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Thực tình mà nói thì nó vẫn có xu hướng thiên về chứng khoán nợ (trái phiếu nhiều hơn).
2.3 Chứng khoán phái sinh
Đây là hình thức phức tạp hơn. Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã có giao dịch chứng khoán phái sinh, nó phụ thuộc giá vào chỉ số VN30.
Nhưng đó cũng chỉ là 1 dạng của chứng khoán phái sinh, ngoài ra còn có hợp đồng quyền chọn.
Quyền chọn thì có quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán. Ví dụ Cổ Phiếu X hiện có mức giá 50.000 đồng, và bạn dự đoán nó sẽ lên 60.000 đồng. Thay vì bỏ ra 50.000 đồng mua Cổ Phiếu X với kỳ vọng sẽ lãi 10.000 đồng (tương đương 20%).
Thì bạn có thể đặt chi phí quyền chọn giả định 1.000 đồng. Bạn sẽ mua được 50 quyền mua Cổ Phiếu X, khi Cổ Phiếu X tăng giá lên 60.000 đồng, thì bạn sẽ lãi: 50 (cổ phiếu) X 10.000 đồng (lãi 10.000 đồng/cổ phiếu) – 50.000 đồng (chi phí mua quyền) = 450.000 đồng.
Nhưng ngược lại, chứng khoán phái sinh luôn tồn tại mức rủi ro cao hơn rất nhiêu so với chứng khoán thường.
Xét về mức độ rủi ro giảm dần ta có:
Rủi ro nhất: Chứng khoán phái sinh
Rủi ro: Chứng khoán vốn – cổ phiếu.
Ít rủi ro nhất: Chứng khoán nợ – trái phiếu
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời năm 2000, nhưng hiện tại thị trường cổ phiếu là tương đối nhiều nhà đầu tư giao dịch nhất. Tiếp theo thị trường phái sinh (ra đời năm 2018) cũng thu hút nhà đầu tư cá nhân. Thị trường trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân hiện chưa phát triển.
3. Khái niệm thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.
TTCK không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Như vậy, có thể nói, bản chất của TTCK là thị trường thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán chứa đựng thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư. TTCK là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.
4. Thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào?
Khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.
Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, theo Điều 5 Luật Chứng khóan, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo nguyên tắc:
1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.
Đồng thời, để phát triển và quản lý thị trường chứng khoán, theo Điều 6, Nhà nước đã và đang thực hiện các chính sách:
– Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.
– Quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
– Đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Như vậy, chứng khoán và thị trường chứng khóan tại Việt Nam đều được pháp luật quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
5. Chào bán cổ phiếu ra công chúng
5.1. Các hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, chào bán chứng khoán ra công chúng thực hiện dưới một trong các hình thức sau:
1. Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, bao gồm: Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành (1); chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành (2); kết hợp hình thức (1) và (2); chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.
2. Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, bao gồm: Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu; công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.
3. Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.
4. Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.
5.2. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng
Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông trong công ty đại chúng như sau: Cổ phiếu chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán;
Có phương án chào bán cổ phiếu phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty của tổ chức phát hành thông qua trong trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức;
Cổ phiếu chào bán là cổ phiếu tự do chuyển nhượng; có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán; cổ đông phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán; có phương án chào bán phải đảm bảo đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần như sau: Có phương án chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; các thành viên góp vốn hoặc Chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
6. Quy định về điều kiện bán cổ phiếu của công ty
Theo khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, công ty cổ phần chỉ được chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nếu đáp ứng đủ các điều kiện:
– Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi; đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
– Tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
– Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu 01 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
– Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
– Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
7. Chỉ được bán thêm cổ phiếu nếu có lãi
Theo khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, để chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng thì hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán của công ty đại chúng phải có lãi; đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Ngoài ra, giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh:
– Phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành;
– Phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu;
– Phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.
Quy định này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp tăng vốn quá nhanh, trong khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp. Qua đó, nhằm bảo đảm việc huy động vốn của doanh nghiệp phải gắn với việc sử dụng vốn và bảo vệ các cổ đông thiểu số trong trường hợp không có đủ khả năng tài chính để thực hiện quyền mua cổ phiếu.
8. Chào bán chứng khoán được thống nhất với Luật Doanh nghiệp
Điều 30 Luật Chứng khoán 2019 quy định:
“Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ tại Điều 123 và chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại Điều 127 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Do đó sẽ thống nhất quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ với Luật Doanh nghiệp, tránh tình trạng một vấn đề mà do 02 Luật cùng điều chỉnh.