Do đó, công tác giải quyết tố cáo luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thi hành án dân sự ở Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan khác có liên quan mà công tác giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự, công dân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà công tác giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự trong thời gian qua đã gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc nhất định, trong số các nguyên nhân đó có nguyên nhân cơ bản về mặt thể chế. Cụ thể Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 mới chỉ quy định một điều về tố cáo và giải quyết tố cáo, đó là: “Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo” (Điều 63). Đây là quy định mang tính chất dẫn chiếu đến pháp luật chung về giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chưa có những quy định cụ thể mang tính đặc thù về giải quyết tố cáo riêng trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại pháp lệnh, ví dụ về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, thẩm quyền, thời hạn, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự, v.v…

Để khắc phục những hạn chế trong các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 về giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009, đã dành một mục với 6 điều quy định riêng về tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự với nhiều điểm mới quan trọng, cụ thể bao gồm:

Quy định mới của luật thi hành án dân sự năm 2008 về giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Một là, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bổ sung mới về người có quyền tố cáo làm cơ sở pháp lý cho việc xác định ai là người có quyền tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo; nội dung tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, v.v…cụ thể, Điều 154 của Luật đã quy định: “Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.

Hai là, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã đưa vào trong Luật và quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo. Nhìn chung, về cơ bản thì những quy định này không khác nhiều so với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo đã được quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2004, năm 2005, chỉ bổ sung thêm nghĩa vụ của người tố cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo (điểm a khoản 2 Điều 155 Luật Thi hành án dân sự năm 2008). Tuy nhiên, việc đưa quy định này vào trong Luật Thi hành án dân sự sẽ tạo thuận lợi hơn cho các bên có liên quan và cho cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng pháp luật giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự. Mặt khác, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo trong Luật thi hành án dân sự sẽ góp phần hạn chế tình trạng các đương sự lợi dụng quyền tố cáo của công dân tố cáo sai sự thật nhằm trì hoãn, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Theo đó, Điều 155 Luật Thi hành án dân sự đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau:

“1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật”.

Theo quy định tại Điều 156 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo được quy định như sau:

1. Người bị tố cáo có các quyền sau đây:

a) Được thông báo về nội dung tố cáo;

b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

c) Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.

2. Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật”.

Ba là, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn thẩm quyền giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 59 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định một cách chung chung như sau: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết”.

Để quy định rõ hơn thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự trong việc giải quyết tố cáo phù hợp với chủ truơng cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, khoản 1 và khoản 2 Điều 157 Luật Thi hành án dân sự về thẩm quyền giải quyết tố cáo đã quy định như sau:

“1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.

2. Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết …”.

Về thời hạn giải quyết tố cáo, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 vẫn tiếp tục quy định như Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đó là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.

Về thủ tục giải quyết tố cáo, Luật Thi hành án dân sự tiếp tục quy định được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 bổ sung mới, làm rõ hơn quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cụ thể Điều 158 của Luật này quy định:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Năm là, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 bổ sung mới quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự. Để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, bảo đảm việc giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự được kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, Điều 159 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự như sau: “Viện Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật”./.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP – NGUYỄN VĂN NGHĨA – Bộ Tư pháp

Trích dẫn từ:  http://tha.moj.gov.vn/

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)