Cơ sở pháp lý:
– Luật chứng khoán năm 2019
– Nghị định 155/2020/NĐ-CP
– Thông tư 121/2020TT-BTC
1. Quản trị công ty cổ phần là gì?
Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Quản trị công ty cổ phần, là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát công ty cổ phần. Quản trị công ty cũng bao hàm mối quan hệ giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ công ty cổ phần như các cổ đông, ban giám đốc điều hành, hội đồng quản trị mà còn những bên có lợi ích liên quan bên ngoài công ty: cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác kinh doanh và cả môi trường, cộng đồng, xã hội.
Cấu trúc quản trị công ty chỉ ra cách thức phân phối quyền và trách nhiệm trong số những thành phần khác nhau có liên quan tới công ty cổ phần như Hội đồng quản trị, Giám đốc, cổ đông và những chủ thể khác có liên quan. Quản trị công ty cũng giải thích rõ quy tắc và thủ tục để ra các quyết định liên quan tới vận hành công ty
2. Quy định đối với cổ đông, thành viên của công ty chứng khoán
Một là, Cổ đông, thành viên góp vốn của công ty chứng khoán phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Điểm c, d khoản 2 Điều 74 Luật chứng khoán. Theo đó, cần đảm bảo điều kiện là:
(i) Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác;
(ii) Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo nguyên tắc sau đây:
+ Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và người có liên quan được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và người có liên quan chỉ được sở hữu đến 49% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
+ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân và người có liên quan chỉ được sở hữu đến 49% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
+ Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khác.
(iii) Tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Được cấp phép và có thời gian hoạt động liên tục trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm trong thời hạn 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp;
+ Cơ quan cấp phép của nước nguyên xứ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
+ Hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp và báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
Hai là, Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán không được lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến quyền và lợi ích của công ty và các cổ đông khác, thành viên khác.
Ba là, Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán phải thông báo đầy đủ cho công ty chứng khoán trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin, đối với các trường hợp sau:
+ Số cổ phần hoặc phần vốn góp bị phong tỏa, cầm cố hoặc bị xử lý theo quyết định của tòa án;
+ Cổ đông, thành viên là tổ chức quyết định thay đổi tên hoặc chia, tách, giải thể, phá sản.
Công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các trường hợp trên trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cổ đông, thành viên.
3. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty
Quản trị và điều hành công ty chứng khoán bao gồm việc xây dựng quy trình làm việc của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty. Theo đó:
Thứ nhất, công ty chứng khoán phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên thông qua.
Thứ hai, công ty chứng khoán là công ty cổ phần phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp không tổ chức được theo thời hạn nêu trên, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 02 tháng tiếp theo.
Thứ ba, công ty chứng khoán là công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin về quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán về công bố thông tin.
Thứ tư, công ty chứng khoán phải báo cáo kết quả họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu kèm theo nghị quyết và các tài liệu liên quan cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu.
Thứ năm, đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty chứng khoán thông qua tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính. Trong cùng năm tài chính, công ty chứng khoán không được thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, trừ trường hợp công ty mẹ thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận hoặc tổ chức kiểm toán được chấp thuận bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ tư cách được chấp thuận kiểm toán.
4. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của công ty chứng khoán khác.
Chức năng, nhiệm vụ và các nội dung ủy quyền cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, từng thành viên Hội đồng quản trị, từng thành viên Hội đồng thành viên phải được quy định tại Điều lệ công ty.
Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải xây dựng quy trình nội bộ về thủ tục, trình tự triệu tập và biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.
Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phải thiết lập các bộ phận hoặc cử người thực hiện nhiệm vụ quản trị rủi ro và nhiệm vụ kiểm soát nội bộ theo quy định.
5. Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ
5.1. Hoạt động kiểm soát
Mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của công ty cổ phần:
(i) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
(ii) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
Đối với công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình (i) phải đảm bảo thực hiện các quy định sau đây:
– Trưởng Ban kiểm soát của công ty chứng khoán không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát hoặc người quản lý của công ty chứng khoán khác;
– Ban kiểm soát phải xây dựng quy trình kiểm soát và phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên thông qua;
– Đối với Ban kiểm soát có từ 02 thành viên trở lên, Ban kiểm soát phải họp tối thiểu 02 lần trong một năm. Biên bản họp phải được ghi chép trung thực, đầy đủ nội dung họp và phải được lưu giữ theo quy định;
– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) vi phạm pháp luật, Điều lệ công ty, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của công ty, cổ đông, Chủ sở hữu hoặc khách hàng, Ban kiểm soát có trách nhiệm yêu cầu giải trình trong thời gian nhất định hoặc đề nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu để giải quyết. Đối với các vi phạm pháp luật, Ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện vi phạm.
Công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình (i) (ii) phải đảm bảo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ các quy định dưới đây:
– Đánh giá độc lập về sự phù hợp và tuân thủ các chính sách pháp luật, Điều lệ, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;
– Kiểm tra, xem xét và đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) nhằm hoàn thiện hệ thống này;
– Đánh giá việc tuân thủ của hoạt động kinh doanh đối với các chính sách và quy trình nội bộ;
– Tham mưu thiết lập các chính sách và quy trình nội bộ;
– Đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;
– Đánh giá kiểm toán nội bộ thông qua thông tin tài chính và thông qua quá trình kinh doanh;
– Đánh giá quy trình xác định, đánh giá và quản lý rủi ro kinh doanh;
– Đánh giá hiệu quả của các hoạt động;
– Đánh giá việc tuân thủ các cam kết trong hợp đồng;
– Thực hiện kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin;
– Điều tra các vi phạm trong nội bộ công ty chứng khoán;
– Thực hiện kiểm toán nội bộ công ty chứng khoán và các công ty con của công ty chứng khoán.
5.2. Hoạt động kiểm toán nội bộ
Hoạt động kiểm toán nội bộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
– Tính độc lập: bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập với các bộ phận khác của công ty chứng khoán, kể cả ban điều hành; hoạt động kiểm toán nội bộ độc lập với các hoạt động điều hành, nghiệp vụ của công ty chứng khoán; cán bộ làm công tác kiểm toán nội bộ không được đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ, không được kiêm nhiệm công việc tại các bộ phận nghiệp vụ như môi giới, tự doanh, phân tích, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản trị rủi ro;
– Tính khách quan: bộ phận kiểm toán nội bộ, nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, không định kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Công ty chứng khoán phải bảo đảm kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào khi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình;
Nhân viên kiểm toán nội bộ phải thể hiện tính khách quan trong quá trình thu thập, đánh giá và truyền đạt thông tin về hoạt động hoặc các quy trình, hệ thống đã hoặc đang được kiểm toán. Kiểm toán viên nội bộ cần đưa ra đánh giá một cách công bằng về tất cả các vấn đề liên quan và không bị chi phối bởi mục tiêu quyền lợi riêng hoặc bởi bất kỳ ai khác khi đưa ra nhận xét, đánh giá của mình;
– Tính trung thực: kiểm toán viên nội bộ phải thực hiện công việc của mình một cách trung thực, cẩn trọng và có trách nhiệm; tuân thủ luật pháp và thực hiện các nội dung công việc công khai theo quy định của pháp luật và nghề nghiệp;
– Bảo mật: nhân viên bộ phận kiểm toán nội bộ cần tôn trọng giá trị và quyền sở hữu của thông tin nhận được, không được tiết lộ thông tin mà không có ủy quyền hợp lệ trừ khi có nghĩa vụ phải tiết lộ thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của công ty.
Nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
– Người làm việc bộ phận này không phải là người đã từng bị xử phạt từ mức phạt tiền trở lên đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm trong vòng 05 năm gần nhất tính tới năm được bổ nhiệm;
– Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán; Có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
– Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
– Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
– Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
6. Ban giám đốc
Tổng Giám đốc (Giám đốc) là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty chứng khoán, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) công ty chứng khoán không được đồng thời làm việc cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc doanh nghiệp khác; Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty chứng khoán không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán khác.
Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 5 Điều 74 Luật chứng khoán.
Công ty chứng khoán phải xây dựng các quy định làm việc của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) và phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty thông qua. Quy định làm việc tối thiểu phải có các nội dung cơ bản sau đây:
– Trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc);
– Quy định trình tự, thủ tục tổ chức và tham gia các cuộc họp;
– Trách nhiệm báo cáo của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty, Ban kiểm soát.
7. Quản trị rủi ro
Thứ nhất, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo nguyên tắc sau:
(i) Hệ thống tổ chức quản trị rủi ro tối thiểu phải quy định các nội dung sau:
– Trách nhiệm của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán trong việc quản trị rủi ro;
– Trách nhiệm của Tổng Giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát, Kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc quản trị rủi ro;
– Trách nhiệm của Bộ phận quản trị rủi ro và các trưởng bộ phận nghiệp vụ trong công ty chứng khoán trong việc quản trị rủi ro;
– Chiến lược quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch thể hiện qua chính sách rủi ro trong dài hạn và trong từng giai đoạn cụ thể được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua;
– Kế hoạch triển khai thông qua các chính sách, quy trình đầy đủ;
– Công tác quản lý kiểm tra, rà soát thường xuyên của Tổng giám đốc (Giám đốc);
– Ban hành và triển khai đầy đủ các chính sách, quy trình quản trị rủi ro và các hạn mức rủi ro, thiết lập hoạt động thông tin quản trị rủi ro phù hợp.
(ii) Hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập phải đảm bảo công ty chứng khoán có khả năng xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo rủi ro và xử lý một cách hiệu quả các rủi ro trọng yếu đồng thời đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tuân thủ của mình tại mọi thời điểm;
(iii) Hệ thống quản trị rủi ro phải được xây dựng để đảm bảo công tác quản trị rủi ro được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực, thống nhất;
(iv) Hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận quản trị rủi ro được tổ chức tách biệt và độc lập với nhau và người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận quản trị rủi ro và ngược lại.
Thứ hai, quy trình, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Hệ thống quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán phải được vận hành dựa trên các quy trình, quy chế nội bộ bằng văn bản;
– Các quy trình, quy chế nội bộ phải được trình bày một cách rõ ràng để tất cả các cá nhân liên quan hiểu được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình và có thể mô tả cụ thể, chi tiết về quy trình quản trị rủi ro liên quan. Công ty chứng khoán phải thường xuyên rà soát và cập nhật lại các quy trình, quy chế nội bộ này;
– Các quy trình, quy chế nội bộ phải đảm bảo cơ quan quản lý nhà nước, kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, ban kiểm soát hiểu được hoạt động quản trị rủi ro của công ty;
– Quy trình, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro phải có tối thiểu các nội dung sau:
+ Cơ cấu tổ chức và mô tả chức năng nhiệm vụ, cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định và trách nhiệm;
+ Chính sách rủi ro, hạn mức rủi ro, quy trình xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo trao đổi thông tin về rủi ro và xử lý rủi ro;
+ Các quy tắc phải đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thứ ba, công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quy trình quản trị rủi ro bao gồm các nội dung: xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, giám sát rủi ro, và xử lý rủi ro.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch dự phòng: (i)Công ty chứng khoán phải xây dựng kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của công ty; (ii)Tổng Giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm xây dựng, rà soát thường xuyên kế hoạch dự phòng. Kế hoạch dự phòng phải được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua.
Thứ năm, nguyên tắc lưu trữ hồ sơ, tài liệu: Tất cả hồ sơ, tài liệu, báo cáo, biên bản họp, nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc quyết định của Chủ sở hữu công ty, các báo cáo về rủi ro, các quyết định của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tài liệu khác liên quan đến quản trị rủi ro phải được lưu trữ đầy đủ và sẵn sàng cung cấp cho Cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.
8. Kiểm soát nội bộ
Một là, công ty chứng khoán phải thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc). Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm bộ máy, nhân sự độc lập và chuyên trách, quy trình.
Hai là, bộ phận kiểm soát nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc) có nhiệm vụ kiểm soát việc tuân thủ:
– Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật, điều lệ công ty, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Hội đồng quản trị, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro của công ty, của các bộ phận có liên quan và của người hành nghề chứng khoán trong công ty;
– Giám sát thực thi các quy định nội bộ, các hoạt động tiềm ẩn xung đột lợi ích trong nội bộ công ty, đặc biệt đối với các hoạt động kinh doanh của bản thân công ty và các giao dịch cá nhân của nhân viên công ty; giám sát việc thực thi trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong công ty, thực thi trách nhiệm của đối tác đối với các hoạt động đã ủy quyền;
– Kiểm tra nội dung và giám sát việc thực hiện các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp;
– Giám sát việc tính toán và tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn tài chính;
– Tách biệt tài sản của khách hàng;
– Bảo quản, lưu giữ tài sản của khách hàng;
– Kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
– Nội dung khác theo nhiệm vụ Tổng Giám đốc (Giám đốc) giao.
Ba là, công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm cơ cấu tổ chức, các quy trình, quy định nội bộ áp dụng đối với tất cả các vị trí, đơn vị, bộ phận và hoạt động của công ty nhằm bảo đảm mục tiêu:
– Hoạt động của công ty chứng khoán tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan;
– Bảo đảm quyền lợi khách hàng;
– Hoạt động của công ty chứng khoán an toàn, hiệu quả; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực;
– Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời; trung thực trong việc lập báo cáo tài chính của công ty.
Bốn là, yêu cầu nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ
– Bố trí tối thiểu 01 nhân viên làm kiểm soát tuân thủ;
– Trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán, có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
– Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
– Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
– Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group