1. Khái quát về hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động:
- Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu;
- Sản xuất và pha chế xăng dầu;
- Phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước;
- Cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.
Hình thức kinh doanh xăng dầu
Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các hình thức kinh doanh xăng dầu hiện nay có thể kể đến là:
Thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; thương nhân sản xuất xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu; thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu; thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu; thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.
Thương nhân đầu mối bao gồm: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu. Thương nhân đầu mối là chủ sở hữu xăng dầu trên toàn hệ thống phân phối xăng dầu của mình, trừ trường hợp xăng dầu bán cho thương nhân phân phối xăng dầu và cho thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc hoặc thông qua các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.
- Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là thương nhân làm đại lý kinh doanh xăng dầu, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để bán xăng dầu cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối để hưởng thù lao.
- Đại lý bán lẻ xăng dầu là thương nhân làm đại lý để thực hiện việc bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu để hưởng thù lao.
- Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
2. Các loại Giấy phép trong kinh doanh xăng dầu
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư số 38/2014/TT-BCT sửa đổi tại Thông tư số 28/2017/TT-BCT, các loại Giấy phép trong kinh doanh xăng dầu bao gồm:
- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu;
- Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
3. Điều kiện kinh doanh xăng dầu
3.1. Kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu
Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được cấp cho doanh nghiệp:
- Có đăng ký kinh doanh xăng dầu trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Có cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu;
- Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa;
- Có hệ thống phân phối xăng dầu, phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo quy định của pháp luật.
3.2. Thương nhân phân phối xăng dầu
Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu được cấp cho doanh nghiệp:
- Có đăng ký kinh doanh xăng dầu trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Có kho, bể dung tích;
- Có phương tiện vận tải xăng dầu;
- Có phòng thử nghiệm;
- Có hệ thống phân phối xăng dầu và cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh cần đáp ứng điều kiện luật định
3.3. Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu
Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu được cấp cho doanh nghiệp:
- Là doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký là kinh doanh xăng dầu;
- Có kho, bể xăng dầu;
- Có phương tiện vận tải, có hệ thống phân phối xăng dầu;
- Điều kiện về cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, có chứng chỉ theo quy định.
3.4. Đại lý bán lẻ xăng dầu
Sở Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu khi thương nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây theo Điều 19 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu;
- Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu;
- Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
3.5. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được cấp cho cửa hàng xăng dầu:
- Có địa điểm phù hợp với quy hoạch;
- Thuộc sở hữu hoặc đồng ở hữu của đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối;
- Đáp ứng điều kiện về thiết kế, xây dựng, trang thiết bị, cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh.
4. Thủ tục xin cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu
4.1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định 83/2014 bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu (theo mẫu số 9);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ chứng minh đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh;
- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu (kèm theo các tài liệu chứng minh);
- Bản gốc văn bản xác nhận của thương nhân cung cấp xăng dầu cho đại lý có thời hạn tối thiểu một (01) năm, trong đó ghi rõ chủng loại xăng dầu.
4.2. Trình tự thủ tục
Chủ doanh nghiệp tiến hành gửi 01 bộ hồ sơ tới Sở Công Thương;
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho người nộp hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương xem xét và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Trường hợp không cấp Giấy xác nhận, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp.
5. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
Ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định tại Nghị định này bao gồm:
– Hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, thăm dò, khai thác dầu khí (bao gồm việc thực hiện các công việc tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, thu dọn công trình dầu khí, xây dựng, lắp đặt, vận hành công trình khai thác dầu khí, lọc dầu, hóa dầu, xử lý và chế biến dầu khí, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm dầu khí và dịch vụ kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho các công việc nêu trên);
– Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu;
– Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu;
– Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí;
– Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh khí.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí bao gồm: hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, thăm dò, khai thác dầu khí; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh khí. Đối với các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phòng cháy và chữa cháy tại các công trình dầu khí, cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí; đăng ký giá, kê khai giá bán xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); công khai thông tin về giá bán xăng dầu và khí, Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Theo quy định tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu như cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động kinh doanh nhưng không bảo đảm duy trì điều kiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng bán lẻ xăng dầu; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định… thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu gồm: Kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định; kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực; sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân khác để kinh doanh xăng dầu; kinh doanh xăng dầu không đúng nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp. Đặc biệt, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt này trong trường hợp đối tượng vi phạm kinh doanh theo hình thức kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Các hành vi vi phạm về giá bán lẻ xăng dầu và quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu như niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu; không thực hiện đúng quy định về trình tự điều chỉnh giá hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng. Ngoài ra, tùy vi phạm cụ thể còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về kinh doanh khí của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí, thương nhân sản xuất, chế biến khí như không tổ chức huấn luyện hoặc thuê tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người lao động tại cơ sở kinh doanh khí theo quy định; sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh khí không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định; kinh doanh LPG chai nhưng không lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Theo đó, các hành vi vi phạm này bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Đáng chú ý, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định thương nhân phân phối khí, thương nhân là tổng đại lý, đại lý có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực được cấp trước thời điểm Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí có hiệu lực thực hiện các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động bị xử phạt như đối với hành vi vi phạm của thương nhân kinh doanh mua bán khí.