Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động năm 2019

– Nghị định số 145/2020/NĐ-CP

2. Quy định pháp luật hiện hành về người lao động là người khuyết tật

2.1. Chính sách của Nhà nước về người lao động khuyết tật

Người khuyết tật là người bị khuyết thiếu một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 64 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm 7,06% dân số. Thời gian qua, Đảng, nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối với người khuyết tật.

Bên cạnh các chính sách trợ cấp cho người khuyết tật thì việc họ được học tập, làm việc để tự lực cải thiện đời sống, tạo điều kiện cho họ thể hiện mình là người có ích cho xã hội là điều đáng quý hơn cả, chính vì thế nhà nước phải ban hành các chính sách về lao động, việc làm cho người khuyết tật. Từ Luật người khuyết tật, Luật việc làm và Luật giáo dục nghề nghiệp đến Bộ luật lao động năm 2019 đều khẳng định quan điểm của Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

Qua đánh giá quá trình triển khai thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 thấy rằng trong giai đoạn này, công tác dạy nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật được các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương trong cả nước quan tâm triển khai, hầu hết các địa phương đã ban hành danh mục nghề đào tạo và định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, khuyến khích đào tạo nghề cho người khuyết tật theo hình thức kèm cặp, truyền nghề, tập nghề, hình thức đào tạo vừa học vừa làm. Các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tạo việc làm như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ phát triển sinh kế, tư vấn và giới thiệu việc làm cũng được các cấp các ngành quan tâm thực hiện, tuy nhiên hiệu quả hỗ trợ việc làm còn hạn chế, mô hình sinh kế còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ chủ yếu ở giai đoạn thí điểm.

Công tác huy động người khuyết tật tham gia học nghề còn rất khó khăn do chưa đánh giá được nhu cầu học nghề của người khuyết tật, người đào tạo cho phù hợp với các bản chất và nhu cầu thị trường lao động, tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề có việc làm thấp.

Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của người khuyết tật còn rất khó khăn, do các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể nhưng chưa thực hiện ủy thác cho hội người khuyết tật vì vậy người khuyết tật mất đi cơ hội được bảo lãnh qua hội người khuyết tật; việc vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm đòi hỏi phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phải đảm bảo tạo việc làm mới. Điều này cho thấy chính sách của nhà nước là phù hợp nhưng việc tổ chức thực hiện các chính sách này để đáp ứng yêu cầu việc làm cho người khuyết tật cần phải được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.

2.2. Sử dụng lao động là người khuyết tật

Bên cạnh các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật làm việc, pháp luật quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm về điều kiện lao động, công cụlao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động khuyết tật để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người khuyết tật. Ngoài ra, khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động khuyết tật thì người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của họ để đảm bảo họ được tôn trọng, có tiếng nói và được quyền thể hiện ý kiến.

2.3. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật

Song song với tạo việc làm để người lao động khuyết tật có tiền lương, thu nhập đảm bảo cuộc sống thì vấn đề an toàn và sức khỏe cho người lao động khuyết tật là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước. Nếu như trước kia bộ luật quy định cấm sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ phải làm việc vào ban đêm và cấm sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do bộ lao động thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với bộ y tế ban hành, thì hiện nay với nền khoa học, kỹ thuật phát triển, sự hỗ trợ của máy móc trong quá trình làm việc giúp người khuyết tật có nhiều cơ hội việc làm hơn so với trước kia,vì vậy pháp luật đã có sự điều chỉnh theo hướng quy định mở.

Theo đó, bộ luật quy định các hành vi nghiêm cấm sử dụng người lao động khuyết tật làm thêm giờ, làm ban đêm hoặc làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng vẫn có loại trừ trong trường hợp được sự đồng ý của người lao động khuyết tật.

3. Người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, hàng hải, hàng không

Lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao, hàng hải, hàng không là những lĩnh vực có tính chất đặc thù, người lao động làm việc trong các lĩnh vực này có một số điểm khác biệt so với những lao động khác, từ độ tuổi, trình độ đào tạo đến các điều kiện về lao động, cụ thể như sau:

3.1. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao

Đây là lĩnh vực đòi hỏi có năng khiếu, sự rèn luyện, rèn rũa trong quá trình tham gia đào tạo, huấn luyện, biểu diễn, vì vậy phần lớn người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao thường tham gia lao động từ rất sớm, thông thường từ 8 tuổi đến 40 tuổi. Các em trong độ tuổi vừa tham gia thi đấu, huấn luyện, trình diễn, vừa tham gia học văn hóa, đồng thời đang trong giai đoạn phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Trong khi đó đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực này phải hoạt động tập luyện, thi đấu, trình diễn vào các ngày nghỉ, ngoài giờ, thậm chí nhiều cuộc thi đấu, biểu diễn diễn ra vào ban đêm, ngày lễ, tết, thời gian luyện tập, thi đấu, biểu diễn vượt quá số giờ làm việc theo quy định của luật.

Việc triệu tập đối với huấn luyện viên, vận động viên nhiều đợt trong năm, có những đội một năm được triệu tập ba lần trong năm khiến các Trung tâm huấn luyện thể thao phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần trong một năm cũng đang vi phạm quy định về loại hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay nhiều trường hợp lao động làm việc trong lĩnh vực này không được ký kết hợp đồng lao động và không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động chưa thành niên.

Vì vậy, cần thiết phải quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và đặc biệt đối với người chưa thành niên tham gia lao động trong các biện pháp này là để đảm bảo vừa thống nhất với các quy định chung của luật vừa phù hợp với tính chất đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực này.

3.2. Đối với lĩnh vực hàng hải, hàng không

Công việc trong lĩnh vực hàng hải, hàng không có đặc thù là những công việc có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và luật của nước ngoài. Hai lĩnh vực này có yêu cầu về an toàn rất cao do làm việc trong các môi trường ở dưới nước hoặc trên bầu trời, chịu sự tác động lớn của tình hình thời tiết, khí hậu.

Theo Công ước lao động hàng hải năm 2006 thì chủ tàu phải có trách nhiệm ký hợp đồng lao động với thuyền viên, thỏa thuận về việc trả lương, các điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi với thuyền viên; bản sao hợp đồng lao động phải được lưu giữ trên tàu để tiện xuất trình các cơ quan có thẩm quyền tại các cảng mà tàu ghé vào để kiểm tra. Tuy nhiên, do đặc thù của công việc trong lĩnh vực hàng hải và thời gian làm việc của các thuyền viên trên tàu không trọn năm, thường chỉ từ sáu tháng đến 10 tháng, các tháng còn lại thuyền viên rời tàu để lên bờ nghỉ phép, nghỉ bù ngày lễ, tết và nghỉ chờ tiếp tục quay trở lại tàu làm việc, thời gian nghỉ ngơi thuyền viên không được doanh nghiệp trả lương và đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, thông thường chủ tàu sẽ sử dụng lao động thuê lại từ các doanh nghiệp cho thuê lại lao động nhưng thực tế này đang gặp phải vướng mắc do pháp luật Việt Nam quy định chủ tàu có trách nhiệm quản lý, điều hành thuyền viên nhưng không có trách nhiệm ký hợp đồng lao động phải chi trả tiền lương cho thuyền viên mà chỉ trả phí dịch vụ thuê lại lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại Lao động.

Công việc trong lĩnh vực hàng hải, hàng không là những công việc có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao (thuyền trưởng, thuyền viên, phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay…), thời gian huấn luyện và đào tạo dài, kinh phí đào tạo lớn, liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. Do đó, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất, yếu tố con người, đặc biệt là các thuyền viên, nhân viên hàng không trình độ cao chi phối rất nhiều đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trong khai thác.

Vì vậy, việc quy định về chế độ lao động đặc thù đối với lĩnh vực hàng hải, hàng không là cần thiết. Trong đó, liên quan đến thời hạn phải thông báo trước khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tại văn bản hướng dẫn ban hành năm 2017 của Bộ giao thông vận tải quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước 120 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quy định này đã gây ra phản ứng của một bộ phận người lao động trong ngành hàng không do chưa phù hợp với quy định tại Điều 37 của Bộ luật lao động cũ năm 2012 (báo trước là 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn.)

Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất đặc thù của lĩnh vực hàng hải, hàng không và một số ngành nghề, lĩnh vực khác, Bộ luật lao động năm 2019 tại điểm d khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 2 Điều 36 đã giao Chính phủ quy định thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và người sử dụng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù.

Theo đó, chính phủ quy định thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số vị trí, công việc thuộc lĩnh vực hàng hải, hàng không là 120 ngày (hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên) và ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng).

4. Người lao động nhận công việc về làm tại nhà

Sự phát triển của công nghệ thông tin và các phần mềm quản lý lao động khiến cho có nhiều công việc thay vì làm tại trụ sở cơ quan, doanh nghiệp có thể làm tại nhà mà không ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công việc. Nhận việc về làm tại nhà có nhiều lợi ích trong thời đại hiện nay, vừa tiết kiệm chi phí điện, nước cho người sử dụng lao động tại nơi làm việc, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người lao động, bên cạnh đó người lao động có thể chăm sóc con cái hoặc làm công việc nhà vào thời gian rảnh rỗi. Do đó, ngày càng có nhiều lao động trẻ mong muốn nhận việc về làm tại nhà. Phát luật lao động cũng cho phép người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm tại nhà. Tuy nhiên, khái niệm “nhà” chưa được luật quy định rõ là nhà riêng tại nơi thường trú, cư trú hay một địa điểm khác bên ngoài cơ quan, doanh nghiệp và người lao động có thể tiến hành công việc của mình. Do đó, người sử dụng lao động và người lao động phải thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng lao động về địa điểm làm việc để tránh các tranh chấp phát sinh có thể xảy ra. Khi hợp đồng lao động giao kết, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương và các quyền lợi cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy định trong nội qui và thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, không được phân biệt đối xử giữa người lao động làm việc tại nhà và người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập