1. Quy định về thời gian làm việc tại cửa khẩu biên giới
– Thời gian làm việc tại cửa khẩu thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Chính phủ hai bên thống nhất quyết định thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) thông qua đường ngoại giao.
– Chủ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thống nhất với chính quyền cấp tỉnh đối diện quy định, thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.
– Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất với cơ quan chức năng nước láng giềng, quyết định thời gian mở cửa khẩu biên giới ngoài thời gian làm việc trong ngày đối với các trường hợp vì lý do khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm hoặc lý do bất khả kháng khác, đồng thời phải kịp thời báo cáo ngay Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Trình tự, thủ tục thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu, lối mở biên giới
Trình tự, thủ tục thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu, lối mở biên giới; mở cửa khẩu, lối mở biên giới ngoài thời gian làm việc trong ngày được thực hiện như sau:
– Thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)
a) Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) trao đổi với chính quyền cấp tỉnh nước đối diện có chung biên giới thống nhất về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu;
b) Căn cứ kết quả thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước đối diện có chung biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ thông qua Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng);
c) Bộ Quốc phòng xin ý kiến các Bộ: Ngoại giao, Công an, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);
d) Bộ Quốc phòng tổng hợp ý kiến các Bộ quy định tại Điểm c Khoản này, báo cáo Chính phủ quyết định;
đ) Sau khi có quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng thông báo cho Bộ Ngoại giao để thống nhất với nước có chung biên giới;
e) Căn cứ ý kiến thống nhất của nước có chung biên giới, Bộ Quốc phòng thông báo cho các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước có chung biên giới triển khai thực hiện.
– Thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền
a) Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền xin ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính để thống nhất về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền;
b) Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền trao đổi, thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước tiếp giáp có chung đường biên giới về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền;
c) Căn cứ kết quả trao đổi, thống nhất với chính quyền cấp tỉnh nước tiếp giáp có chung đường biên giới về việc thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền, Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo cho Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý cửa khẩu và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền thực hiện
– Mở cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền ngoài thời gian làm việc trong ngày vì lý do khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm hoặc lý do bất khả kháng khác
a) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất với cơ quan có thẩm quyền nước có chung biên giới về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền ngoài thời gian làm việc trong ngày; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
b) Sau khi thống nhất với cơ quan có thẩm quyền nước có chung biên giới, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn trưởng Đồn Biên phòng thực hiện mở cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền ngoài thời gian làm việc trong ngày;
Căn cứ tình hình, tính chất vụ việc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền để phối hợp thực hiện.
c) Khi tình hình trở lại bình thường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước có chung biên giới và chỉ đạo Đồn trưởng Đồn Biên phòng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và cơ quan quản lý cửa khẩu đối diện duy trì thời gian làm việc tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền theo quy định.
3. Dây chuyền kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính
Dây chuyền kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)
– Đối với người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
a) Cửa xuất: Hải quan – Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Biên phòng;
b) Cửa nhập: Biên phòng – Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Hải quan.
– Trong trường hợp có dịch bệnh, dây chuyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bố trí như sau:
a) Cửa xuất: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Hải quan – Biên phòng;
b) Cửa nhập: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Biên phòng – Hải quan.
4. Kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới
– Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước (khu vực thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu; khu vực kho, bến bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu; đường giao thông để vận chuyển hàng hóa; khu vực bãi xe, bến đậu), hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất, nhập qua lại biên giới quốc gia được thực hiện như tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
– Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động qua lại biên giới của cư dân biên giới hai bên được tiến hành tại Trạm kiểm soát biên phòng.
– Các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phối hợp chỉ đạo, quản lý các hoạt động xuất, nhập qua lối mở biên giới để thực hiện chính sách thương mại biên giới hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Trách nhiệm chủ trì kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn, thực hiện thủ tục cho người xuất cảnh, nhập cảnh
Trách nhiệm chủ trì kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn, thực hiện thủ tục cho người xuất cảnh, nhập cảnh, ra, vào, hoạt động, lưu trú trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như sau:
– Tại khu vực thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh ở các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), Bộ đội Biên phòng bố trí các bục (vị trí) kiểm soát riêng đối với từng loại hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh. Căn cứ vào lưu lượng xuất nhập cảnh, có thể bố trí từ một đến nhiều bục (vị trí) kiểm soát (bục giành cho khách V.I.P hoặc hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; bục giành cho hộ chiếu phổ thông, bục giành cho khách du lịch; bục giành cho giấy thông hành; bục thực hiện thủ tục đối với phương tiện), đảm bảo thuận lợi cho hoạt động lưu thông biên giới.
– Kiểm tra, kiểm soát, thực hiện thủ tục cho người xuất cảnh, nhập cảnh
a) Hướng dẫn người xuất cảnh, nhập cảnh vào vị trí thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
b) Tiếp nhận hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh;
c) Kiểm tra tính hợp lệ của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh;
d) Xác minh sự đồng nhất giữa hộ chiếu, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh với người xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Đăng ký thông tin của người xuất cảnh, nhập cảnh;
e) Đối chiếu với dữ liệu quản lý nghiệp vụ; lưu trữ thông tin của người xuất cảnh, nhập cảnh;
g) Kiểm chứng, cấp phép cho người xuất cảnh, nhập cảnh:
– Kiểm chứng xuất cảnh, nhập cảnh vào hộ chiếu, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh;
– Cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế theo quy định tại Điều 18 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
– Cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định tại Điều 31 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
h) Hướng dẫn, giám sát người đã thực hiện xong thủ tục để xuất cảnh, nhập cảnh.
– Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người ra vào, hoạt động, tạm trú trong khu vực cửa khẩu
a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người ra vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu đúng đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP;
b) Hướng dẫn, giám sát người xuất cảnh, nhập cảnh vào thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
c) Đăng ký, hướng dẫn cho người tạm trú trong khu vực cửa khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP;
d) Kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ thương mại trong khu vực cửa khẩu theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng.