1. Hợp đồng thuê tàu
Theo quy định tại Điều 215 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về hợp đồng thuê tàu như sau:
“Hợp đồng thuê tàu là hợp đồng được giao kết giữa chủ tàu và người thuê tàu, theo đó chủ tàu giao quyền sử dụng tàu biển của mình cho người thuê tàu trong một thời hạn nhất định với mục đích cụ thể được thỏa thuận trong hợp đồng và nhận tiền thuê tàu do người thuê tàu trả.”
Theo đó:
Chủ tàu là người sở hữu tàu biển. Người quản lý, người khai thác và người thuê tàu trần được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ tàu quy định tại Bộ luật này theo hợp đồng ký kết với chủ tàu. Tổ chức được Nhà nước giao quản lý, khai thác tàu biển cũng được áp dụng các quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan như đối với chủ tàu.
Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.
Hình thức hợp đồng thuê tàu được quy định như sau: Hợp đồng thuê tàu được giao kết theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn hoặc hợp đồng thuê tàu trần. Hợp đồng thuê tàu phải được giao kết bằng văn bản.
2. Khái quát về hợp đồng thuê tàu chuyến
a. Hợp đồng thuê tàu theo chuyến
Hợp đồng thuê tàu chuyến là một dạng của hợp đồng thuê tàu, chúng ta có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng thuê tàu chuyến như sau: “Hợp đồng thuê tàu chuyến là hợp đồng chuyên chở hàng hoá bằng đường biển, trong đó người chuyên chở cam kết sẽ chuyên chở hàng hoá từ một hay một số cảng này đến một hay một số cảng khác giao cho người nhận còn người thuê tầu cam kết sẽ thanh toán cuớc phí theo đúng như thoả thuận của hợp đồng đã giao kết.”
3. Cảng biển theo quy định của pháp luật
Theo Điều 73 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về cảng biển như sau:
a. Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng. Cảng dầu khí ngoài khơi là công trình được xây dựng, lắp đặt tại khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa và thực hiện dịch vụ khác.
b. Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.
c. Khu nước, vùng nước bao gồm vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão trong vùng nước cảng biển.
d. Cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển chịu sự quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Cảng biển được phân loại như sau:
- Cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế;
- Cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng;
- Cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng;
- Cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
4. Vai trò của cảng biển
– Căn cứ pháp lý: Điều 76 Bộ luật hàng hải năm 2015
Cảng biển có vai trò to lớn trong mua bán hàng hóa nói riêng, theo quy định của pháp luật hàng hải, cảng biển có các chức năng sau:
– Cung cấp dịch vụ hỗ trợ tàu thuyền đến, rời cảng.
– Cung cấp phương tiện, thiết bị và nhân lực cần thiết cho tàu thuyền neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách.
– Cung cấp dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, lưu kho bãi và bảo quản hàng hóa trong cảng.
– Đầu mối kết nối hệ thống giao thông ngoài cảng biển.
– Là nơi để tàu thuyền trú ẩn, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thực hiện những dịch vụ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp.
– Cung cấp các dịch vụ khác cho tàu thuyền, người và hàng hóa.
5. Cảng an toàn (Safe port) trong hợp đồng thuê tàu chuyến
Thuê tàu theo chuyến (Voyage) là chủ tàu (Ship-owner) cho người thuê tàu (Charterer) thuê toàn bộ hay một phần chiếc tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng này đến cảng khác. Trong phương thức thuê tàu chuyến, mối quan hệ giữa người thuê tàu (chủ hàng) với người cho thuê tàu (chủ tàu) được điều chỉnh bằng một văn bản gọi là hợp đồng thuê tàu chuyến (Voyage charter party) viết tắt là C/P. Hợp đồng thuê tàu do hai bên thoả thuận ký kết.
Trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến người vận chuyển có nghĩa vụ đưa tàu vận tải biển đến cảng nhận hàng đúng thời điểm theo quy định của hợp đồng vận tải hàng hóa. Người vận chuyển sẽ đưa tàu đến nơi bốc hàng do người thuê chỉ định. Hai bên tự thỏa thuận tên một hay vài cảng để xếp/dỡ hàng hóa, số lượng cảng xếp/dỡ hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến mức cước thuê tàu.
Trong hợp đồng thuê tàu theo chuyến, thuật ngữ “Cảng an toàn – safe port) này thường có nghĩa là người thuê có trách nhiệm thu xếp cho tàu một cảng để tàu có thể đến đó, xếp dỡ hàng hóa và rời đi một cách an toàn. “an toàn (Safe)” không chỉ là những yếu tố như mớn nước, tốc độ gió, cường độ sóng, cấu trúc kỹ thuật cầu cảng, cột neo buộc tàu, thiết bị chống va đập (Dolphins) mà còn bao gồm cả những yếu tố khác như tình hình trị an, an ninh, chính trị, an toàn xã hội.
Trong ngôn từ hàng hải quốc tế chưa có một định nghĩa chuẩn mực về thuật ngữ này, tuy nhiên theo thông lệ ta hiểu rằng “cảng an toàn” là một cảng mà tàu có thể đến, làm hàng, rời khỏi nơi đó không gặp phải những trở ngại về kỹ thuật cũng như về an ninh, chính trị, ao toàn xã hội nếu con tàu hoạt động và vận hành (Navigation) với những đặc điểm thông thường vốn có của nó. Việc quy định trong hợp đồng người thuê vận chuyển có nghĩa vụ thu xếp cảng an toàn không có nghĩa là người vận chuyển hay thuyền trưởng không cần phải kiểm tra độ an toàn của cảng đó theo nghĩa rộng.
Trách nhiệm của người thuê vận chuyển ở đây cũng chỉ ở mức tương đối chứ không thể tuyệt đối. Cảng an toàn một mặt có nghĩa là trong quá trình giao dịch thuê tàu một khi hợp đồng đã ký và người vận chuyển đã chấp nhận một cảng nào đó là an toàn thì họ ít có khả năng chịu phải thiệt hại do người thuê vận chuyển gây ra nếu cảng đó sau này trở nên không an toàn, nhưng mặt khác nó cũng có nghĩa là người thuê vận chuyển ít có cơ hội thoát khỏi trách nhiệm phải bồi thường tổn thất cho phía tàu nếu sau khi ký hợp đồng, cảng đó lại trở nên không an toàn xét trên các yếu tố nói trên. Một khi thuyền trưởng chấp nhận ghé vào một cảng gọi là an toàn thì không có nghĩa là quyền khiếu nại đòi bồi thường tổn thất của người vận chuyển đối với người thuê vận chuyển bị mất đi, nghĩa là người thuê vận chuyển vẫn phải chịu trách nhiệm ngay cả trong trường hợp thuyền trưởng có những quyết định sai lầm (nhưng chấp nhận được) là đã ghé vào cảng đó mà sau này phía tàu chứng minh được rằng nó không an toàn như người vận chuyển đã cam kết khi ký hợp đồng. Nhìn chung, tranh chấp về cảng an toàn là những tranh chấp khá phức tạp, đặc biệt là về mặt bằng chứng. Kết quả của những vụ tranh chấp về vấn đề này thường phụ thuộc rất nhiều vào quy định trong hợp đồng thuê tàu có cụ thể không và nguồn luật điều chỉnh có rõ ràng không.
Trân trọng!