Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 12/2016/TT-BKHCN
1. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là gì?
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ được thành lập tại các doanh nghiệp nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định.
Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là quy chế do doanh nghiệp xây dựng bao gồm các nội dung chủ yếu như: xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do doanh nghiệp thực hiện.
Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Hình thức tổ chức của Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp
Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức như sau:
a) Thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp.
b) Không thành lập tổ chức Quỹ và do cán bộ của doanh nghiệp kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động.
Hình thức tổ chức của Quỹ do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định.
Khi doanh nghiệp thành lập Quỹ theo một trong hai hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.
Doanh nghiệp gửi Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cùng thời Điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.
3. Nguồn hình thành Quỹ
Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:
Một là, thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, cụ thể:
a) Từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ để lập Quỹ đối với doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ trích cụ thể căn cứ vào khả năng và nhu cầu sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước;
b) Tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
c) Thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hai là, điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ xuống Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên; Điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con, doanh nghiệp thành viên về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ.
Việc Điều chuyển và tỷ lệ Điều chuyển nguồn giữa các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ với các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con, doanh nghiệp thành viên và ngược lại do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) quyết định trên cơ sở tỷ lệ trích Quỹ, nhu cầu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các công ty con, doanh nghiệp thành viên và nhu cầu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống.
Việc Điều chuyển Quỹ quy định tại Khoản này chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn.
Việc Điều chuyển Quỹ quy định tại Khoản này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Điều chuyển cho công ty mẹ ở nước ngoài;
– Công ty mẹ ở Việt Nam Điều chuyển cho công ty con ở nước ngoài.
4. Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Điều 18 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:
Việc trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ ngoài việc thực hiện trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này còn phải đảm bảo tỷ lệ trích quỹ tối thiểu quy định tại Luật khoa học và công nghệ.
Doanh nghiệp đang hoạt động mà có thay đổi về hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập.
Doanh nghiệp có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng hết khi chia, tách thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc chia, tách được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chia, tách. Việc phân chia Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan Thuế.
5. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân quản lý Quỹ
Tổ chức, cá nhân quản lý Quỹ có trách nhiệm như sau:
(i) Sử dụng Quỹ do doanh nghiệp thành lập, công ty con, công ty thành viên đóng góp theo đúng quy định và hiệu quả.
(ii) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm của Quỹ, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (bao gồm cả hoạt động khoa học và công nghệ của công ty thành viên, công ty con trong trường hợp là Quỹ của tổng công ty, công ty mẹ) và chi hoạt động quản lý Quỹ.
(iii) Quản lý và sử dụng Quỹ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (bao gồm cả hoạt động khoa học và công nghệ của công ty thành viên, công ty con trong trường hợp là Quỹ của tổng công ty, công ty mẹ) theo kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ đã được phê duyệt.
(iv) Kiểm tra, tổ chức đánh giá việc thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí của Quỹ.
(v) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định việc Điều chuyển nguồn giữa các Quỹ theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
(vi) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định việc ủy thác hoặc nhận ủy thác của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khác để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
(vii) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp các nội dung hoạt động hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
(viii) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thành lập, tổ chức và quản lý, sử dụng Quỹ theo quy định của pháp luật.
(ix) Thực hiện báo cáo về trích, Điều chuyển và sử dụng Quỹ, gửi cơ quan thuế và Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
6. Quy định về Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Căn cứ vào tính chất và quy mô của nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được quy định tại Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) quyết định thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đánh giá xét chọn, thẩm định nội dung và kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Thành viên của Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là người có kinh nghiệm về quản lý doanh nghiệp, tài chính và trình độ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ mà nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề xuất giải quyết.
Thành phần Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đánh giá xét chọn hoặc nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đảm bảo có ít nhất 50% số thành viên không công tác tại cơ quan chủ trì nhiệm vụ, trong đó có ít nhất 02 thành viên là các chuyên gia có uy tín, trình độ, chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu chuyên ngành khoa học và công nghệ được giao tư vấn, thành viên còn lại là các nhà quản lý của doanh nghiệp.
Trong trường hợp thành viên của Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp không đủ năng lực, doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia để tham gia đánh giá.
Số lượng thành viên của Hội đồng khoa học và công nghệ được quyết định căn cứ theo quy mô, mức độ phức tạp của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhưng tối thiểu là 05 thành viên.
Mỗi Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có thể tư vấn cho một hoặc một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ (trong trường hợp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cùng lĩnh vực).
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp công khai minh bạch, độc lập, khách quan. Ý kiến của các thành viên Hội đồng và kiến nghị của Hội đồng phải được lập thành văn bản. Các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Quy trình đánh giá xét chọn, thẩm định nội dung, kinh phí và đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định tại Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tổ chức đánh giá nghiệm thu theo đúng quy định tại Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group