không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác. Đây là quyền cơ bản của trẻ em đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vậy, các biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc đảm bảo trẻ em được bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào. Công tác giúp trẻ em vi phạm pháp luật phục hồi và tái hoà nhập cộng đồng ra sao?

1. Một số khái niệm cơ bản

Hành vi vi phạm pháp luật là gì ?

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Vi phạm pháp luật bao gồm các loại sau đây: Vi phạm pháp luật hình sự; Vi phạm pháp luật Dân sự; Vi phạm hành chính; Vi phạm kỷ luật nhà nước.

Các dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật: Các yếu tố cấu thành nên vi phạm pháp luật gồm có: mặt khách quan của vi phạm pháp luật (là toàn bộ những yếu tố biểu hiện ra bên ngoài của vi phạm pháp luật); khách thể của vi phạm pháp luật (là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ); chủ thể của vi phạm pháp luật (là những chủ thể có năng lực pháp lý và đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, yếu tố lỗi), mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Trong các loại hành vi vi phạm pháp luật gồm hành vi vi phạm hình sự (tội phạm); vi phạm hành chính; vi phạm dân sự; vi phạm kỷ luật nhà nước thì vi phạm hình sự là hành động nguy hiểm cao nhất đối với toàn xã hội.

Trẻ em vi phạm pháp luật gồm các trường hợp: Trẻ em vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; Trẻ em vi phạm pháp luật bị áp dụngbiện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi được miễn trách nhiệm hình sự; Trẻ em vi phạm pháp luật bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; án treo theo quy định của Bộ luật hình sự; Trẻ em đã chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc tù có thời hạn.

Tái hòa nhập cộng đồng là gì ? Tái hoà nhập cộng đồng không được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật. Theo các chuyên gia khoa học hình sự, tái hòa nhập cộng đồng là quá trình phục hồi địa vị pháp lý công dân, là quá trình “hồi sinh về mặt xã hội” của cá nhân có hành vi phạm pháp luật và phải chịu các chế tài tương ứng thông qua giao tiếp với cộng đồng để nhận thức lại, tiếp thu và chuyển hoá các giá trị, chuẩn mực pháp lý, văn hoá ứng xử, đạo đức xã hội, từ đó phục hồi và phát triển con người công dân, con người xã hội của mình

2. Các yêu cầu trong việc bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật

Trẻ em thường là đối tượng chưa hoàn thiện về mặt nhận thức đồng thời đây cũng là thế hệ cần được quan tâm và dẫn dắt để các em đi theo con đường đúng đắn. Trẻ em vi phạm pháp luật là một trong những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Nhà nước quan tâm.

Theo quy định tại Điều 70 Luật Trẻ em năm 2016, các yêu cầu trong việc bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng được quy định gồm các nội dung sau:

– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải bảo đảm trẻ em được đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.

– Đối ới các vụ việc liên quan đến trẻ em phải ưu tiên giải quyết nhanh chóng để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em.

– Trong suốt quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, phải bảo đảm sự hỗ trợ của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác đối với trẻ em để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

– Đối với những vụ việc liên quan đến trẻ em, người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Luật sư của LVN Group, trợ giúp viên pháp lý phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em; sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu với trẻ em.

– Bảo đảm quyền được bào chữa, trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

– Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tái phạm của trẻ em thông qua việc kịp thời hỗ trợ, can thiệp để giải quyết các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật, giúp trẻ em phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.

– Phải bảo đảm kịp thời cung cấp các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp an toàn, liên tục, đầy đủ, linh hoạt sao cho phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm lý, sinh lý của từng trẻ em trên cơ sở xem xét và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng, tình cảm và thái độ của trẻ em.

– Bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, gia đình, cơ sở giáo dục với các cơ quan tiến hành tố tụng, xử lý vi phạm hành chính.

– Đối với trẻ em vi phạm pháp luật, ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp cưỡng chế và hạn chế tự do chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp ngăn chặn, giáo dục khác không phù hợp.

– Phải bảo đảm bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế trẻ em phải xuất hiện trước công chúng trong quá trình tố tụng.

3. Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, làm chứng.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng được quy định tại Điều 71 Luật Trẻ em như sau:

Đối với trẻ em vi phạm pháp luật:

Mục đích áp dụng các biện pháp bảo vệ: Nhằm khắc phục các nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, phục hồi, tránh tái phạm.

Các biện pháp bảo vệ gồm

– Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này;

– Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện Điều kiện sống cho trẻ em.

– Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp.

– Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

– Tìm kiếm đoàn tụ gia đình nếu thuộc trường hợp không có nơi cư trú ổn định.

– Áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định của Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn liên quan trong trường hợp trẻ em không còn hoặc không xác định được cha mẹ; không thể sống cùng cha, mẹ; không xác định được nơi cư trú trong thời gian thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

– Hỗ trợ gia đình giám sát, quản lý, giáo dục trẻ em

– Và các biện pháp khác thuộc các cấp độ bảo vệ Hỗ trợ, Phòng ngừa hoặc Can thiệp theo quy định khi xét thấy thích hợp

Các cấp độ bảo vệ trẻ em, vui lòng tham khảo bài viết: Hỏi đáp về trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2020 (tiếp)

Đối với trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần.

Mục đích áp dụng các biện pháp bảo vệ: Nhằm bảo đảm sự an toàn, giúp các em vượt qua nỗi đau, ám ảnh về tâm lý, tinh thần để hoà nhập với xã hội.

Các biện pháp bảo vệ gồm:

– Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này;

– Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện Điều kiện sống cho trẻ em.

– Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

– Tiến hành bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc cách ly khỏi các đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

– Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc thuộc các trường hợp sau: Một là rẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; Hai là cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính cha mẹ là người xâm hại trẻ em.

– Giúp cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng.

– Tư vấn, cung cấp kiến thức về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

– Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

– Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

(Các biện pháp bảo vệ thuộc cấp độ hỗ trợ Can thiệp theo quy định Luật Trẻ em).

Đối với trẻ em là người làm chứng khác, được áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư; hạn chế tối đa việc dẫn giải, gây áp lực về tâm lý.

4. Trách nhiệm của người làm công tác cấp xã trong công tác bảo vệ trẻ em

Theo quy định tại Điều 72 Luật Trẻ em năm 2016, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có những trách nhiệm sau:

– Tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn tiếp cận các dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý, y tế, xã hội, giáo dục và các nguồn trợ giúp khác cho trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.

– Tìm hiểu, cung cấp thông tin cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hoàn cảnh cá nhân và gia đình của trẻ em để áp dụng các biện pháp xử lý, giáo dục và ra quyết định khác phù hợp.

– Tham gia vào quá trình tố tụng, XLVPHC có liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; tham gia cuộc họp của Hội đồng tư vấn áp dụng biện pháp XLVPHC, giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quá trình xem xét tại Tòa án để áp dụng biện pháp đưa trẻ em vào trường giáo dưỡng.

– Theo dõi, hỗ trợ việc thi hành các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật; kiến nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phù hợp đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

– Tham gia vào việc xây dựng các kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trẻ em và theo dõi việc thực hiện; kết nối dịch vụ và hỗ trợ việc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em.

5. Quy định về phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật

Trách nhiệm của cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng nơi trẻ em đang chấp hành hình phạt tù hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng:

– Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm chuẩn bị và thúc đẩy việc tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em vi phạm pháp luật.

– Thông báo và cung cấp thông tin có liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em về cư trú để chuẩn bị việc tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em chậm nhất là 02 tháng trước khi trẻ em bị áp dụng án phạt tù chấp hành xong hình phả tù và 01 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Trách nhiệm của chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú:

– Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp, hỗ trợ và áp dụng biện pháp bảo vệ đối với trẻ em vi phạm pháp luật thuộc các trường hợp quy định tại Điều 71 Luật Trẻ em (Các trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật nêu ở Mục 1 trong bài viết này).

Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

Cơ quan lao động – thương binh và xã hội, tư pháp, công an, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp khác đối với trẻ em.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.