Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Công ty A tại Việt Nam, không phải là doanh nghiệp sản xuất, 100% vốn đầu tư nước ngoài, VAT 10% theo Phương pháp khấu trừ.

A mua hàng hóa từ nhà máy Trung Quốc, sau đó bán cho khách B ở Nhật Bản.

Hàng hóa ở đây là Máy móc, cụ thể là Máy gia công hoạt động bằng phương pháp phóng điện (hay còn gọi là máy EDM) và trị giá mua bán không bao gồm phí dịch vụ lắp đặt.

Nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển hàng, A yêu cầu nhà máy Trung Quốc giao hàng thẳng đến Nhật Bản cho khách B (chỉ giao đến cảng biển).

Câu hỏi:

+ A có thể tiến hành giao dịch mua bán như trên được không?

+ A cần có các chứng từ để đảm bảo việc thanh toán cho Trung Quốc & nhận thanh toán từ B là gì?

+ Có văn bản đính kèm, ví dụ về các trường hợp tương tự cho mục đích tham khảo không?

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật thương mại 2005;

– Luật Đầu tư 2020;

– Luật quản lý ngoại thương 2017;

– Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật quản lý ngoại thương;

– Thông tư 02/2020/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;

– Thông tư 12/2018/TT-BCT về hướng dẫn luật quản lý ngoại thương và nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật quản lý ngoại thương do Bộ trưởng Bộ công thương ban hành;

– Văn bản pháp luật khác;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu hỏi 1: A có thể tiến hành giao dịch mua bán như trên được không?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Thương mại 2005 thì khái niệm chuyển khẩu hàng hoá được quy định cụ thể như sau: Chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Theo thông tin Qúy khách cung cấp, A mua hàng hóa từ nhà máy Trung Quốc, sau đó bán cho khách B ở Nhật Bản. Nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển hàng, A yêu cầu nhà máy Trung Quốc giao hàng thẳng đến Nhật Bản cho khách B (chỉ giao đến cảng biển). Như vậy, việc mua bán hàng hóa này chính là chuyển khẩu hàng hóa.

Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức sau đây

: (Khoản 2 Điều 30 Luật Thương mại 2005)

Hình thứ 1:  Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam;

Hình thức 2:  Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

Hình thức 3:  Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hoá tại các cảng Việt Nam, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Qua thông tin Qúy khách cung cấp, Luật LVN Group thấy rằng Qúy khách thuộc hình thức 1. Như vậy, có thể thấy việc mua bán như trường hợp của Qúy khách nêu hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đối với trường hợp của Qúy khách, có một điểm đặc biệt là Công ty A được thành lập tại Việt Nam và có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Khoản 19, Khoản 22 Điều 3 Luật đầu tư 2020 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Như thông tin Qúy khách cung cấp, Công ty A có 100% của Nhà đầu tư nước ngoài nên công ty A là Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

 Mặt khác, khoản 2 Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định rất rõ:

“Điều 18. Kinh doanh chuyển khẩu

1. Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo quy định sau:

a) Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu. Trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam, thương nhân không phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.

b) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân không phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu của Bộ Công Thương.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

3. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do doanh nghiệp ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng,

4. Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu phải được đưa vào, đưa ra khỏi Việt Nam tại cùng một khu vực cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi đưa vào Việt Nam cho tới khi được đưa ra khỏi Việt Nam.

5. Việc thanh toán tiền hàng kinh doanh chuyển khẩu phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Như vậy, vì công ty A là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nên không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

Kết luận: A không thể tiến hành giao dịch mua bán như trên vì A là là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Câu hỏi 2. A cần có các chứng từ để đảm bảo việc thanh toán & nhận thanh toán từ B là gì?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do doanh nghiệp ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng,

Nguyên tắc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa:

1. Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai giao dịch thanh toán và chuyển tiền riêng biệt: giao dịch chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng hóa và giao dịch nhận tiền từ hợp đồng bán hàng hóa. Giao dịch chuyển tiền thanh toán có thể được thực hiện trước hoặc sau giao dịch nhận tiền.

2. Mọi hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép.

3. Thương nhân chỉ được thanh toán và chuyển tiền trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu theo hợp đồng mua hàng hóa và hợp đồng bán chính hàng hóa đó tại cùng một ngân hàng được phép.

4. Thương nhân được sử dụng ngoại tệ trên tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân đó, ngoại tệ mua của ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài thanh toán cho các hợp đồng mua hàng hóa.

Trách nhiệm của thương nhânkinh doanh chuyển khẩu hàng hóa:

1. Xuất trình chứng từ theo quy định của ngân hàng được phép khi mua ngoại tệ, thanh toán và chuyển tiền phục vụ kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép.

2. Cung cấp thông tin nguồn tiền nhận về từ hợp đồng bán hàng hóa để ngân hàng được phép thống kê, theo dõi được số liệu chuyển tiền ra và nhận tiền về trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin đã cung cấp cho ngân hàng được phép.

3. Không được sử dụng bộ hồ sơ chứng từ của một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa để mua ngoại tệ, thanh toán và chuyển tiền tại nhiều ngân hàng được phép.

Kết luận: Các chứng từ để đảm bảo việc thanh toán cho Trung Quốc & nhận thanh toán từ B

  1. Bản sao đăng ký kinh doanh;
  2. Hợp đồng mua hàng hóa; hợp đồng bán hàng hóa;
  3. Bảng kê chi tiết hàng hóa;
  4. Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa do Bộ Công Thương cấp (nếu có);
  5. Các chứng từ khác theo yêu cầu của ngân hàng được phép. Do vậy, đối với nội dung này khi Qúy khách quyết định làm việc với ngân hàng nào thì đề nghị ngân hàng cho biết rõ những chứng từ ngân hàng yêu cầu cụ thể khi thanh toán và chuyển tiền phục vụ kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

Câu hỏi 3: Có văn bản đính kèm, ví dụ về các trường hợp tương tự cho mục đích tham khảo không?

Trả lời:

Nội dung này không có. Văn bản pháp luật chỉ quy định các quy định điều chỉnh cơ bản. Để người dân có thể hiểu và thực hiện. Còn tình huống tương tự cho mục đích tham khảo thì Qúy khách cần tham khảo trên thực tiễn.

Còn đối với các biểu mẫu Qúy khách có thể tham khảo tại Thông tư 12/2018/TT-BCT Thông tư này quy định:

1. Chi tiết Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo mã số hàng hóa (mã HS) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

2. Chi tiết Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo mã HS.

3. Các mẫu đơn, mẫu báo cáo, biểu mẫu và cơ quan cấp giấy phép của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (sau đây gọi tắt là Nghị định số 69/2018/NĐ-CP).

4. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về chuyển khẩu hàng hóa”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group