Căn cứ pháp lý:

– Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014;  

– Luật tổ chức Viện Kiểm Sát Nhân dân năm 2014;

– Qui chế kiểm sát thi hành án dân sự.

1. Đối tượng của kiểm sát thi hành án dân sự

– Căn cứ khoản 2 Điều 12 Luật THADS thì Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

– Căn cứ khoản 1 Điều 64 Luật THADS  thì quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Tòa án có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Hết thời hạn kháng nghị, Viện kiểm sát không kháng nghị thì quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành.

Theo các quy định trên thì đối tượng của Công tác KSTHA dân sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc ban hành các quyết định thuộc thẩm quyền và việc tuân theo pháp luật về thi hành án; của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

2. Phạm vi của công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Căn cứ Điều 4 Qui chế KSTHA thì phạm vi của Công tác kiểm sát thi hành án dân sự được thực hiện từ khi các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo qui định của pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp… cho đến khi bản án, quyết định đó được thi hành xong.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát THADS

 – Yêu cầu Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án: Ra quyết định thi hành án; quyết định ủy thác thi hành án; áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, trả lại đơn yêu cầu thi hành án, quyết định tiếp tục thi hành án theo đúng quy định tại các điều 36, 30, 48, 49, 50, 51, 57, 134, 135, 137 Luật THADS.

– Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của Cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án. theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật tổ chức VKSND năm 2014; 

– Đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; có ý kiến bằng văn bản trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 62 Luật THADS; tham gia phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 63 Luật THADS.

– Kháng nghị quyết định của Toà án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 64 Luật THADS; kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định Điều 160 Luật THADS và khoản 5 Điều 24, Điều 25 Luật tổ chức VKSND;

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 125 Luật THADS; việc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 72 Luật THADS; việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 134 Luật THADS;

– Kiểm sát việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị: Định kỳ 6 tháng, 1 năm Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc Cơ quan thi hành án thực hiện kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát. Trước khi tiến hành kiểm sát phải có văn bản thông báo nội dung, phương thức kiểm sát cho Cơ quan thi hành án.

– Yêu cầu khởi tố về hình sự: Trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố về hình sự. Báo cáo phải gửi kèm các tài liệu liên quan đến dấu hiệu tội phạm để Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.

4. Kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng

Kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đòi hỏi Kiểm sát viên phải xác định rõ nội dung, đối tượng kiểm sát; đồng thời, chú ý các kỹ năng kiểm sát chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án; kiểm sát việc thỏa thuận về thi hành án; kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngoài việc thực hiện đúng các quy định tại Luật THADS năm 2014, Quy chế công tác kiểm sát THADS, hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ- VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao (gọi tắt là Quy chế số 810) và Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS; quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy định số 94/QĐ-VKSTC), Kiểm sát viên cần phải có một số kỹ năng cơ bản như sau:

4. Về nội dung kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng

Đối với việc THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là thi hành phần bản án, quyết định hình sự có liên quan đến tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế quy định tại Điều 1 Luật THADS năm 2014, bao gồm phần tài sản được thu hồi cho Nhà nước (các loại tài sản để sung công quỹ) và tài sản được “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, tương ứng với 02 loại việc thi hành án chủ động và thi hành án theo đơn yêu cầu.

Đối với việc thi hành án chủ động, tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường là tài sản hiện hữu, đã được Tòa án tuyên kê biên, phong tỏa hoặc duy trì lệnh kê biên, phong tỏa…, được thu hồi cho Nhà nước, thi hành cho các khoản thu từ hình phạt tiền (với tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung); tịch thu tài sản (hình phạt bổ sung); truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính (được hiểu là biện pháp tư pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017); án phí, lệ phí Tòa án; tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; truy thu thuế; các khoản thu khác cho Nhà nước.

Đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường là “tài sản đảm bảo” được tuyên rõ trong bản án hoặc tài sản do Chấp hành viên “phát hiện” thông qua xác minh điều kiện thi hành án, được tuyên “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại (phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự) và được tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục THADS nói chung.

5. Về đối tượng kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng

Đối tượng kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong các vụ án này là việc tuân theo pháp luật của các chủ thể: Tòa án, Cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án và việc khiếu nại, tố cáo về THADS được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Khi kiểm sát THADS về thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Kiểm sát viên cần lưu ý:

Thứ nhất, việc thỏa thuận thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chỉ được thực hiện đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu (thường là việc thi hành án liên quan đến tội phạm về kinh tế); không áp dụng đối với việc thi hành án mà tài sản đã được Tòa án tuyên áp dụng biện pháp kê biên tài sản, tuyên “tịch thu sung vào ngân sách nhà nước” (thường liên quan đến tội phạm về tham nhũng và đã có lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. từ giai đoạn tố tụng). Đây là việc thi hành án chủ động và quyền về tài sản của chủ sở hữu hợp pháp đã không còn ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Do đó, người đang sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản (bị án – người phải thi hành án; vợ/chồng bị án; các đồng sở hữu tài sản khác) không còn quyền được thỏa thuận trong thi hành án (Điều 6 và Điều 7a Luật THADS năm 2014).

Thứ hai, khi kiểm sát việc ra quyết định thi hành án, xác định loại việc thi hành án, cần phân biệt “khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng” thuộc “các khoản thu khác cho Nhà nước” theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thi hành án dân sự (Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) là việc thi hành án chủ động. Còn theo, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP thì: Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với trường hợp bồi thường… thuộc loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu.

Thứ ba, khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu sau:

–  Về thủ tục thi hành án: Biên bản giao nhận quyết định, thông báo về thi hành án cho các đương sự đối với các quyết định, thông báo liên quan đến việc tổ chức thi hành án do cơ quan THADS ban hành; biên bản thông báo, biên bản niêm yết công khai đối với việc bán đấu giá tài sản đã kê biên của tổ chức bán đấu giá tài sản…

–  Các quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án được cơ quan THADS áp dụng đối với tài sản để thi hành án, đối với đương sự, người liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án.

–  Tài liệu khác: Biên bản xác minh điều kiện thi hành án; biên bản làm việc giữa Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS với các đương sự và người có quyền lợi liên quan; bản tự kê khai tài sản thu nhập của người phải thi hành án; văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tài sản, điều kiện của người phải thi hành án đối với cơ quan THADS…