Căn cứ vào Điều 59 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.

Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội thông qua hoạt động sau đây:

Một là, thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định.

Hai là, tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.

Như vậy, so với Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 59), thì Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.

Với quy định mới này sẽ góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, tăng cơ hội việc làm cho người lao động, năng suất lao động sẽ cao hơn; khi đó lợi nhuận của người sử dụng lao động tăng và thu nhập của người lao động cũng được cải thiện.

Luật LVN Group phân tích chi tiết, làm rõ quy định pháp lý trên như sau:

1. Đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động là gì?

Phải nói rằng, kiến thức và kỹ năng nghề của người lao động là yếu tố đóng góp lớn vào tăng năng suất, tăng hiệu quả lao động và làm việc. Như vậy, chú trọng vào việc đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động sẽ mang lại lợi ích to lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho người sử dụng lao động. 

Theo đó, đào tạo nghề nghiệp có thể được hiểu là quá trình giảng dạy, đào tạo người lao động những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Bên cạnh đó, phát triển kỹ năng nghề nghiệp là khái niệm liên quan đến việc phát triển năng lực con người (chất lượng nguồn nhân lực) trong hoạt động nghề nghiệp. Về bản chất, kỹ năng nghề nghiệp là năng lực chuyên biệt của cá nhân về một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp nào đó với sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, thái độ để có thể thực hiện hoạt động nghề nghiệp đó hiệu quả.

Ngoài ra theo nghĩa rộng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động là quá trình người lao động được đào tạo và tích lũy trong lao động về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quy định, được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của một nghề nào đó. Với nghĩa hẹp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động là quá trình đào tạo, đào tạo lại, trang bị hoặc bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng và thái độ để có năng lực cần thiết hoàn thành tốt hơn công việc đang làm.

 

2. Quy định của pháp luật lao động về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao và phát triển trình độ kĩ năng nghề cho người lao động là một yêu cầu vừa có tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài trong sự phát triển ngày càng sâu rộng với tốc độ cao của khoa học công nghệ hiện nay, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, đòi hỏi các bên trong quan hệ lao động cần phải cập nhật, phát triển để phù hợp với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội. Cụ thể, những nội dung mà pháp luật điều chỉnh về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động được quy định như sau:

 

2.1. Đối với người lao động

Theo Khoản 1 Điều 59 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, thì người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.

Theo quy định trên, người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, được tự do lựa chọn ngành nghề, việc làm của mình nên cũng được tự do lựa chọn đào tạo bản thân. Người lao động không bị giới hạn số lượng hay phạm vi ngành nghề có thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Chỉ cần người lao động có nhu cầu thì có thể tham gia bất cứ chương trình đào tạo nghề nghiệp nào mà mình mong muốn, không phân biệt giới tính, vùng miền.

Bên cạnh đó, người lao động được tự do tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình nhằm đáp ứng các yêu cầu của một số ngành nghề, hoặc nâng cao trình độ để thực hiện các công việc cần trình độ kỹ thuật hoặc trình độ học vấn cao hơn. Việc này có ảnh hưởng tốt tới thị trường lao động và xã hội, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh ở trình độ cao, giúp người lao động có được các công việc ổn định và tiền lương ổn định đến mức cao nhằm trang trải cuộc sống.

 

2.2. Đối với người sử dụng lao động

Hiện nay, Nhà nước có các chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội Theo Khoản 2 Điều 59 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể thông qua những hoạt động sau đây:

– Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định;

– Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.”

Dựa trên quy định trên, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện nên thực hiện các hoạt động thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật để Nhà nước dễ dàng quản lý và mở rộng quy mô giáo dục nghề nghiệp ở mức phổ cập đến người lao động, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động hoặc đang có mong muốn làm việc đối với các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn ở các cấp bậc cần được đào tạo sâu.

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động, tham gia hội đồng kỹ năng nghề, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề để nâng cao trình độ của người lao động, đảm bảo cho chính người sử dụng lao động có được những người lao động chất lượng, đồng thời tác động tốt đến xã hội khi người lao động nâng cao trình độ, có việc làm ổn định, giảm yếu tố tệ nạn xã hội. Đồng thời việc phát triển năng lực nghề nghiệp giúp mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia lao động tại nước ngoài, vượt ra khỏi thị trường lao động Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ luật lao động năm 2019 còn quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề tại Điều 60 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

– Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình. Đồng thời, trong báo cáo hàng năm về lao động. người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho sở lao động – thương binh và xã hội.

Các quy định này mang tính định hướng cao, là tiền đề để xây dựng các quy định về đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật lao động năm 2019.

 

3. Quy định của pháp luật lao động về hoàn trả phí đào tạo nghề

Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động ở trong nước hay nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động được thực hiện dưới hình thức hợp đồng đào tạo nghề. Trong đó, các bên sẽ cam kết với nhau về quyền và nghĩa vụ của mình đối với bên kia trong quan hệ đào tạo nghề.

Hiểu một cách đơn giản, hợp đồng đào tạo nghề là thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kĩ năng, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài tử kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đồi tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

So với các quan hệ học nghệ thông thường được thiết lập giữa cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và người học, quan hệ học nghề giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua hợp đồng đào tạo nghề có nhiều điểm khác biệt. Theo đó, người lao động là người học nhưng không phải trả học phí mà được người sử dụng lao động chi trả. Không chỉ vậy, bên cạnh học phí người sử dụng lao động cũng có thể hỗ trợ thêm cho người lao động các khoản khác như chi phí đi lại, sinh hoạt, tiền lương và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động mặc dù người lao động không thực hiện nghĩa vụ lao động trong thời gian đi học người lao động học nghề tại đơn vị sử dụng lao động có tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách cũng được trả lương theo quy định của pháp luật.

Mục đích của quan hệ học nghề giữa người lao động với người sử dụng lao động cũng rất cụ thể, đó là để người lao động đạt được các kiến thức, kĩ năng nghề và thái độ nghề nghiệp để làm việc cho người sử dụng lao động chứ không chỉ là các bằng cấp, chúng chỉ để người học tự làm việc hoặc để tham gia vào thị trường lao động như quan hệ học nghề thông thường. Chính vì vậy, sau khi học xong, người lao động thường phải làm việc cho người sử dụng lao động một thời gian nhất định theo cam kết trong hợp đồng đào tạo nghề.

Việc giao kết hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản. Với hình thức này, các thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động được thể hiện rõ ràng, tạo ra cơ sở pháp lí chặt chẽ để ràng buộc các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận, đặc biệt là vấn đề chi phí đào tạo và trách nhiệm của người lao động sau khi học nghệ xong.

Nội dung của hợp đồng đào tạo nghề phải bao gồm các điều khoản chủ yếu sau nghề đào tạo, địa điểm đào tạo, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo, thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo; chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo, trách nhiệm của người sử dụng lao động. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác nhưng không được trái quy định của pháp luật.

Có thể thấy mục đích của việc người lao động học nghề tại đơn vị sử dụng lao động là để làm việc cho người sử dụng lao động. Vi vậy, người lao động phải cam kết làm việc một khoảng thời gian nhất định sau khi học xong như là điều kiện để người sử dụng lao động trả chi phí đào tạo cho người lao động. Khi vi phạm cam kết này, người lao động phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Như vậy, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo sẽ phát sinh trong các trường hợp sau: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đào tạo nghề trước thời hạn, người lao động không làm việc cho người sử dụng lao động sau khi học xong hoặc có làm việc nhưng không đủ thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo nghề. Với những trường hợp này, việc chấm dứt quan hệ học nghề hoặc quan hệ lao không xuất phát từ người lao động khiến cho mục đích của hợp đồng lao động không đạt được, người sử dụng lao động bị thiệt hại. Như vậy hợp đồng lao động cho hai bên thoả thuận hoặc do nguyên nhân khách quan thì không phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group./.