Căn cứ pháp lý:

– Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

– Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

1. Khái quát quy định về đối thoại trong tố tụng hành

Theo Điều 20 Luật TTHC năm 2015 về đối thoại trong tố tụng hành chính quy định “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào Tòa án cũng có trách nhiệm tiến hành đối thoại, bởi lẽ có những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại khi giải quyết. Khoản 1 Điều 134 Luật TTHC năm 2015 về nguyên tắc đối thoại có quy định “trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các điều 135, 198 và 246 của Luật này”.

Đối với những vụ án không tiến hành đối thoại được, có quy định tại Điều 135 Luật TTHC năm 2015 bao gồm 3 trường hợp sau: Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng; các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại. Đối với hai trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt và đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng được Luật TTHC năm 2015 quy định thuộc trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được là điều hợp lí. Bởi lẽ, bản chất của thủ tục đối thoại là giữa các đương sự phải gặp gỡ nhau cùng trực tiếp thảo luận các vấn đề phát sinh trong tranh chấp hành chính, do vậy, nếu một hoặc các bên vắng mặt vì lí do khách quan lẫn chủ quan thì Tòa án không thể tiến hành đối thoại được. Đối với trường hợp các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại thì Tòa án cũng tôn trọng ý chí và quyền tự định đoạt của các bên trong vụ án hành chính.

Những vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, Luật TTHC năm 2015 quy định không phải tổ chức đối thoại là phù hợp vì xuất phát từ yêu cầu giải quyết khiếu kiện này phải được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời; bởi lẽ mục đích chính của người khởi kiện đối với vụ việc này là để có tên trong danh sách cử tri hoặc tên phải được ghi đúng trong danh sách cử tri, nếu như việc giải quyết vụ án hành chính trải qua thủ tục đối thoại sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ án hành chính có thể dẫn đến trường hợp sau khi Tòa án xét xử xong tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện cũng không còn ý nghĩa vì hoạt động bầu cử đã qua đi.

Thủ tục xét xử rút gọn được quy định tại các điều 135, 198 và 246 thì không cần phải thực hiện thủ tục đối thoại vì thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là thủ tục giải quyết vụ án hành chính nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nên nếu thực hiện thủ tục đối thoại đối với các vụ việc được quy định tại các điều luật trên sẽ không bảo đảm tính chất của thủ tục xét xử rút gọn.

Như vậy, trừ các trường hợp vừa phân tích thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính Tòa án phải có trách nhiệm tiến hành đối thoại.

2. Nguyên tắc tiến hành đối thoại

Thủ tục đối thoại phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự, thể hiện qua việc thời gian, địa điểm và nội dung đối thoại được thông báo trước cho đương sự và các chủ thể có liên quan, trong quá trình đối thoại các bên đều được quyền đưa ra ý kiến của mình để đánh giá về tính hợp pháp của đối tượng khiếu kiện, Thẩm phán trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bên để từ đó có hướng xử lý tiếp theo đối với vụ án hành chính đang giải quyết.

Nguyên tắc không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ là một trong những nguyên tắc rất quan trọng của thủ tục đối thoại. Vì bản chất của thủ tục đối thoại là nhằm tạo ra sự thống nhất giữa các bên đương sự đối với vụ án hành chính mà Tòa án đang giải quyết nên kết quả của đối thoại phải thể hiện ý chí tự quyết của các bên tham gia đối thoại. Do đó, trong quá trình tổ chức đối thoại, Thẩm phán chỉ hướng dẫn, giúp đỡ các bên đương sự có nhận thức đúng đắn về tính hợp pháp của đối tượng đang tranh chấp để họ lựa chọn một hành động phù hợp với ý chí của mình. Các đương sự khi tham gia đối thoại không một ai được quyền ép buộc, đe dọa hay cản trở các đương sự phải thực hiện một việc trái với ý chí của họ.

Đối với nguyên tắc nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội đòi hỏi Thẩm phán tiến hành đối thoại phải nắm vững quy định của pháp luật; trước hết, là cần nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng hành chính về trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết vụ án hành chính, sau đó cần nắm vững quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến khiếu kiện hành chính đang giải quyết để Thẩm phán có thể phân tích cho các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án. Bên cạnh việc nắm rõ quy định của pháp luật, Thẩm phán cần phải có sự hiểu biết nhất định về quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán nhằm ngăn chặn các bên có những thỏa thuận trái với đạo đức xã hội.

3. Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại

1. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho đương sự biết quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.

2. Khi tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, rút yêu cầu khởi kiện; yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

b) Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

c) Việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

d) Vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

3. Sau khi các đương sự trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các đề nghị của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này; trường hợp đương sự vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.

4. Sau khi tiến hành xong việc kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán tiến hành thủ tục đối thoại như sau:

a) Thẩm phán phổ biến cho đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc đối thoại để họ tự nguyện thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án;

b) Người khởi kiện trình bày bổ sung về yêu cầu khởi kiện, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm của người khởi kiện về hướng giải quyết vụ án (nếu có);

c) Người bị kiện trình bày bổ sung ý kiến về yêu cầu của người khởi kiện, những căn cứ ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện và đề xuất hướng giải quyết vụ án (nếu có);

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày bổ sung và đề xuất ý kiến giải quyết phần liên quan đến họ (nếu có);

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người khác tham gia phiên họp đối thoại (nếu có) phát biểu ý kiến;

e) Tùy từng trường hợp, Thẩm phán yêu cầu đương sự nêu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, đồng thời kiểm tra hiệu lực pháp luật của văn bản đó. Thẩm phán có thể phân tích để các đương sự nhận thức đúng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan để họ có sự lựa chọn và quyết định việc giải quyết vụ án;

g) Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

h) Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất.

5. Thư ký phiên họp ghi biên bản về diễn biến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký phiên họp ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Những người tham gia phiên họp có quyền được xem biên bản phiên họp ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

4. Quyền của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

   Theo quy định của Luật này, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có các quyền sau đây:

– Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

– Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại;

– Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

– Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại;

– Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;  

– Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

– Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại; Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

– Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

– Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật.

5. Nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

   Theo quy định của Luật này, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có các nghĩa vụ như sau:

– Tuân thủ pháp luật;

– Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

– Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;  

– Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này;  

– Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; 

– Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.