1. Một số khái niệm cơ bản

Người chăm sóc trẻ em, theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016. Người chăm sóc trẻ  là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em. Người chăm sóc trẻ bao gồm: người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Khái niệm chăm sóc thay thế. Chăm sóc thay thế là việc là việc tổ chức, gia đình hoặc cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em không thực hiện (ví dụ: bỏ con, vứt con mới đẻ) hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là trường hợp cả cha và mẹ trẻ chết. Trẻ em mồ côi cha và mẹ gồm những trường hợp sau: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ không có người chăm sóc; Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nuôi dưỡng trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội; Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ sống với người thân thích; Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được nhận chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải người thân thích, trừ trường hợp được nhận làm con nuôi.

Trẻ em không nơi nương tựa, là trẻ em rơi vào một trong các hoàn cảnh sau đây: 

– Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị Toà tuyên là mất tích;

– Trẻ em mồ côi cha/mẹ hoặc hoặc cha/mẹ bị Toà tuyên là mất tích và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; 

– Trẻ em mồ côi cha/mẹ hoặc cha/mẹ bị Toà tuyên là mất tích và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Trẻ em có cả cha và mẹ mất tích bị Toà án tuyên là mất tích; 

– Trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc trẻ em.

– Trẻ em có cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Cả cha và mẹ đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Trẻ em có cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em.

– Trẻ em có cả cha và mẹ bị hạn chế quyền làm cha mẹ hoặc tạm thời cách ly khỏi cha hoặc mẹ theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về các điều kiện đối với việc chăm sóc thay thế

Điều kiện đối với trẻ em, theo quy định tại Điều 63 Luật Trẻ em năm 2016, các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế gồm:

– Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.

– Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

– Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ.

– Trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.

Điều kiện đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế phải bảo đảm các điều kiện sau:

Điều kiện về nhân thân:

– Cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em là người cư trú tại Việt Nam; có sức khỏe và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em; không bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em;

– Có chỗ ở và điều kiện kinh tế phù hợp, bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em;

– Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em và có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận chăm sóc trẻ em đồng thời các thành viên trong gia đình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

– Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ 20 tuổi trở lên.

Điều kiện về giấy tờ, thủ tục:

– Đã được Chủ tịch UBND cấp xã xác minh theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

– Nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định.

– Đã nhận được tư vấn từ cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

– Được Chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú phê duyệt đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế.

3. Quy trình nhận chăm sóc thay thế trẻ em

Bước 1: Người có nguyện vọng nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em nộp đơn heo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP gửi UBND cấp xã nơi cư trú để lập danh sách đăng ký nhận chăm sóc thay thế.

Lưu ý: Cá nhân, người đại diện gia đình là người nước ngoài phải thêm điều kiện là cư trú tại Việt Nam ít nhất 06 tháng và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam ít nhất 12 tháng vào thời điểm đăng ký.

Bước 2: Người có nguyện vọng nhận chăm sóc thay thế cho tẻ em được các cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tư vấn các quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em cũng như trác nghiệm bảo vệ trẻ em và các kỹ năng chăm sóc, thay thế trẻ em.

Bước 3: UBND cấp xã lập danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế. Hằng quý cập nhật danh sách gửi cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp huyện để thực hiện trách nhiệm điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Bước 4: Nộp hồ sơ cá nhân, gia đình được lựa chọn chăm sóc thay thế.

Đối với người chăm sóc thay thế không phải là người thân thích thì hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký nhận chăm sóc thay thế.

– Giấy khám sức khỏe trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ do cơ quan y tế cấp theo quy định của pháp luật.

– Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với cá nhân, người đại diện gia đình chăm sóc, thay thế là người nước ngoài.

Đối với người thân thích của trẻ em khi nhận chăm sóc thay thế không phải đăng ký theo quy định nhưng phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để ra quyết định giao chăm sóc thay thế.

Trường hợp nhận con nuôi thì thực hiện theo quy định Luật nuôi con nuôi.

Bước 5Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm lựa chọn hình thức, cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế phù hợp với trẻ em; xác minh điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế quy định, cung cấp thông tin về cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em và lấy ý kiến của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.

Bước 6Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật.

4. Quy định về việc lựa chọn hình thức và người nhận chăm sóc thay thế

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm lựa chọn hình thức, cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế phù hợp với trẻ em và xác minh các điều kiện của cá nhân, gia đình đó.

Thứ tự ưu tiên lựa chọn các hình thức chăm sóc thay thế được quy định như sau:

– Thứ nhất, ưu tiên việc chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình là người thân thích.

– Tiếp đến là hình thức chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích.

– Cuối cùng là hình thức chăm sóc thay thế tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Thứ tự ưu tiên chọn cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế được thực hiện như sau:

– Thứ nhất, ưu tiên người chăm sóc thay thế là người thân thích.

– Thứ hai, là các cá nhân, gia đình ở nơi trẻ em cư trú.

– Tiếp đến là công dân Việt Nam khác cư trú trong nước.

– Cuối cùng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Trường hợp khẩn cấp phải cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định nhưng chưa lựa chọn được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm thời đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội và tiếp tục lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế phù hợp.

5. Quy định về tráhc nhiệm báo cáo quá trình của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

Trách nhiệm thông tin, báo cáo quá trình phát triển của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế được quy định tại Điều 43 Nghị định 56/2017/NĐ-CP như sau:

– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần và sự hòa nhập của trẻ em được chăm sóc thay thế khi có yêu cầu của UBND cấp xã hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cư trú.

– Sau 01 tháng, 03 tháng kể từ ngày cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nơi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cư trú có trách nhiệm theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; định kỳ 06 tháng hoặc khi trẻ em phải chuyển đổi hình thức, chuyển đổi cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế báo cáo UBND xã theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP

– UBND cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm thông báo với UBND cấp xã nơi trẻ em được nhận chăm sóc thay thế cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi về tình hình của trẻ em được nhận chăm sóc thay thế khi có yêu cầu.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH LVN Group