khuyết tật và các chế độ chính sách hỗ trợ để người khuyết tật có cuộc sống ổn định hơn. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một số nội dung về việc xác định mức độ khuyết tật cụ thể tìm hiểu về hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Một số khái niệm cơ bản ?

Khái niệm khuyết tật được hiểu như thể nào ? Dưới góc độ y tế, khuyết tật là tình trạng khiếm khuyết về thể chất, tinh thần hoặc trí tuệ làm mất đi khả năng tham gia vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Như vậy theo cái nhìn của mô hình y tế, họ nhìn nhận người khuyết tật là những người khiếm khuyết và đối tượng cần thay đổi chính là bản thân người khuyết tật. Do vậy, họ đưa ra các giải pháp thay đổi gồm có:

  • Khắc phục tình trạng tật bằng điều trị, phục hồi chức năng, cung cấp các dịch vụ đặc biệt và trợ cấp, hỗ trợ về vật chất để cải thiện cuộc sống
  • Phòng ngừa bằng cách sử dụng các biện pháp khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các dị tật để có biện pháp kham chữa kịp thời.

Các giải pháp này có ưu điểm rất lớn trong hoạt động phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội với người khuyết tật, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Tuy nhiên nó chưa chỉ ra được biện pháp tối ưu để giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Dưới góc độ xã hội, khuyết tật không chỉ là tình trạng khiếm khuyết của cá nhân mà còn là sự “khiếm khuyết” của xã hội. Sự khiếm khuyết của xã hội thể hiện ở việc tạo ra các rào cản về thái độ, nhận thức, chính sách,… khiến cho người khuyết tật không có cơ hội được tham gia một cách đầy đủ và hiệu quả vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội trên cơ sở sự bình đẳng với những công dân khác. Quan điểm này đã khắc phục được nhược điểm của quan niệm khuyết tật theo mô hình y tế. Nó nêu ra biện pháp đó là phải thay đổi xã hội, thay đổi nhận thức của cộng đồng, từ đó xóa bỏ rào cản, giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, phát huy khả năng của bản thân, hưởng đầy đủ các quyền và được gánh vác những nghĩa vụ như những công dân khác.

Ở Việt Nam, khái niệm Người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam được ghi nhận Luật Người khuyết tật, theo đó, “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”

Xác định mức độ khuyết tật là thủ tục luật định, theo đó, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoặc Hội đồng giám định y khoa sẽ dựa theo những phương pháp đặc thù để phân loại dạng tật và mức độ khuyết tật của một người theo các mức độ người khuyết tật nhẹ, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật là cơ quan có nhiệm vụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật; xác định lại mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) thành lập, hoạt động theo quy định tại Điều 16 Luật Người khuyết tật và thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH. Thành viên của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã là chủ tịch Hội đồng, Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Hội đồng được sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật làm việc theo nguyên tắc tập thể. Cuộc họp của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, nếu số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký.

Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật là cơ quan xác định mức độ khuyết tật đối với các trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không xác định được. Hội đồng giám định y khoa bao gồm: Hội đồng giám định y khoa trung ương; Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh; Hội đồng giám định y khoa các bộ; Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối.

2. Phương pháp xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng giám định mức độ khuyết tật

Các dạng tật chủ yếu hiện nay gồm có: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; các dạng khuyết tật khác chưa được phân vào dạng nào.

Về mức độ khuyết tật gồm:

Khuyết tật nhẹ là người khuyết do khuyết tật nhưng vẫn có khả năng thực hiện một số nhu cầu sinh hoạt cá nhân tốt hơn trường hợp người khuyết tật nặng.

Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Tuỳ vào từng dạng tật, từng đối tượng phương pháp xác định mức độ khuyết tật mà Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thường sử dụng là phương pháp quan sát và sử dụng bộ câu hỏi có sẵn. Cụ thể:

– Hội đồng sẽ quan sát trực tiếp người có đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật. Quan sát việc thực hiện những hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày.

– Bộ câu hỏi là các câu hỏi được đưa ra theo các tiêu chí về y tế, xã hội.

– Hội đồng cũng thực hiện thêm một số phương pháp đơn giản khác để xác định mức độ khuyết tật, dạng khuyết tật cho từng đối tượng cụ thể.

– Đối với trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi, Hội đồng còn hỏi thêm thông tin từ người đại diện của trẻ.

– Đối với người trên 6 tuổi thì hội đồng phỏng vấn trực tiếp người khuyết tật hoặc người đại diện của họ sau đó xác định dạng và mức độ khuyết tật.

3. Trách nhiệm của các thành viên trong hội đồng xác định mức độ khuyết tật:

– Chủ tịch hội đồng sẽ tổ chức và chủ trì các hoạt động, ra Quyết định thay thế, bổ sung các thành viên của Hội đồng;

– Trạm trưởng trạm y tế cung cấp các thông tin chuyên môn y tế có liên quan đến người khuyết tật và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của chủ tịch hội đồng;

– Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội có trách nhiệm:

Hướng dẫn người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp xã làm, hoàn thiện hồ sơ và kiểm tra hồ sơ xem đã đầy đủ chưa;

Tham khảo ý kiến của cơ sở giáo dục về thông tin của người được xác định mức độ khuyết tật nếu người đó đang đi học (khó khăn về học tập, sinh hoạt, giao tiếp, kiến nghị về dạng tật, mức độ khuyết tật). Mời đại diện cơ sở giáo dục (nếu cần).

Điền phiếu xác định mức độ khuyết tật trên cơ sở kết luật của hội đồng;

Ghi biên bản các cuộc họp của hội đồng;

Xây dựng các văn bản, hoàn chỉnh, lưu giữ hồ sơ, văn bản của Hội đồng;

Và các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.

– Các thành viên khác trong Hội đồng có trách nhiệm tham gia xác định mức độ khuyết tật, tham dự các cuộc họp của hội đồng và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của chủ tịch Hội đồng.

4. Kinh phí thực hiện xác định mức độ khuyết tật

Nguồn kinh phí thực hiện xác định mức độ khuyết tật được trích từ ngân sách cấp xã hằng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Các khoản chi cho công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật bao gồm:

– Chi văn phòng phẩm, in giấy xác nhận khuyết tật, biểu mẫu, mua sổ, sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý. Mức chi thanh toán theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Chi cho họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tối đa/người/buổi như sau:

Chủ tịch hội đồng 70.000 đồng;

Các thành viên tham dự 50.000 đồng;

Nước uống cho người tham dự 15.000 đồng.

– Chi giám định y khoa (thực hiện theo Thông tư 243/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy Giám định y khoa)

– Chi tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác xác định mức độ khuyết tật;

– Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên của Hội đồng theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của các cơ quan, các bộ, ban ngành trong công tác xác định mức độ khuyết tật

Theo quy định tại Điều 11 thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định mức độ khuyết tật như sau:

Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm trên địa bàn quản lý gồm:

– Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xác định mức độ khuyết tật;

– Tổ chức xác định, xác định lại mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định;

– Định kỳ trước ngày 15/6 và ngày 15/12 hàng năm phải tổng hợp, báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

– Hướng dẫn việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật;

– Định kỳ trước ngày 30/06 và 31/12 hằng năm tổng hợp và báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật trên địa bàn huyện gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

– Hướng dẫn việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

– Định kỳ trước ngày 15/01 và 15/07 hằng năm tổng hợp và báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật trên địa bàn huyện gửi Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

– Nghiên cứu, hướng dẫn và cho triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định mức độ khuyết tật.

Trân trọng!