1. Khái niệm về hoạt động ngoại thương
Ngoại thương là những hoạt động buôn bán, trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia theo nguyên tắc ngang bằng giá.
Ngoài trao đổi sản phẩm, ngoại thương còn bao gồm việc giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và lưu giữ những nét đẹp của các quốc gia dân tộc đối với bạn bè quốc tế.
Như vậy, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.
2. Đặc điểm của hoạt động ngoại thương
Với cách giải thích thuật ngữ “ngoại thương” là gì như trên có lẽ quý vị cũng phần nào nắm được khái quát về hoạt động ngoại thương. Vậy ngoại thương có những đặc điểm gì?
– Trong lĩnh vực ngoại thương quốc tế, những sản phẩm trong đây có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với các sản phẩm trong nước
– Tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm vô hình có sự phát triển nhanh hơn so với những dòng sản phẩm hữu hình.
– Cơ cấu mặt hàng có sự biến đổi rõ rệt
– Phạm vi, phương thức cạnh tranh cũng như công cụ có sự phát triển rất đa dạng không chỉ về bao bì, giá cả, loại hàng, hình thức vận chuyển.
– Các hàng hóa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ bán chạy hơn so với các dòng sản phẩm mang tính truyền thống.
3. Nội dung của hoạt động ngoại thương
Hiện nay, Việt Nam đã và đang rất chú trọng đến lĩnh vực ngoại thương và xem nó như một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa, chính trị. Ngoại thương sẽ bao gồm những nội dung chính sau đây:
– Xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình như nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, máy móc, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng,…thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác
– Xuất nhập khẩu hàng hóa vô hình như các bí quyết công nghệ, bằng sáng chế, phát minh, phần mềm máy tính, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu, thương hiệu…) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.
– Gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công
– Tái xuất khẩu và chuyển khẩu
– Xuất khẩu tại chỗ
4. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật quản lý ngoại thương 2017
– Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Như vậy, Luật không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau mà điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước và thương nhân.
Ngoài ra, Luật chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định trong Luật một số nguyên tắc quản lý chung cho cả hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, hiện nay theo quy định tại Quyết định số 28/2012/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin… Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ này được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông, Luật Xây dựng, Luật Du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán…). Ngoài ra, do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thông qua 2 phương thức.
Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; họ vẫn ở 2 nước khác nhau và dịch vụ được cung cấp từ nước này vào nước kia.
Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Với 2 phương thức đặc thù như vậy, cùng với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, việc đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong một luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý. Các biện pháp này đều đã được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Nếu Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định về xuất nhập khẩu dịch vụ, sẽ tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Mặc dù không điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhưng Luật Quản lý ngoại thương đã quy định một số biện pháp mang tính chất hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hỗ trợ phát triển các dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hóa.
– Đối tượng áp dụng: cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.
5. Kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương
Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định một số trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa (Điều 100), cụ thể:
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.
– Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.
– Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.
Do việc ban hành các chính sách kiểm soát khẩn cấp có quan hệ mật thiết với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên nên việc áp dụng các biện pháp này cần phải thực hiện minh bạch, có cơ sở khoa học, không lạm dụng và trong những trường hợp thực sự cần thiết.
Chương này cũng quy định nghĩa vụ tham vấn của các cơ quan ban hành biện pháp với các đối tác thương mại chịu tác động của các biện pháp này.
6. Biện pháp phòng vệ thương mại
Phòng vệ thương mại là những biện pháp ngăn chặn, hạn chế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ nước này sang nước kia và được nước nhập khẩu áp dụng. Phòng vệ thương mại được quy định tại nhiều Hiệp định thương mại có thể kể đến như: Hiệp định TPP, Hiệp định GATT 1994, các Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định về các biện pháp tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO.
Phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của quốc gia. Phòng vệ thương mại có mục đích nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
– Về quy định chung, khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định: các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
Chương này còn quy định về nguyên tắc áp dụng, trình tự thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, các bên liên quan trong vụ việc điều tra.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý trên thực tiễn, đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp này. Ngoài ra, Luật còn quy định về xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó, khi thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trên cơ sở đề nghị của hiệp hội ngành, nghề, thương nhân có liên quan, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác thực hiện các hoạt động trợ giúp sau đây cho thương nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình: cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc; trao đổi với nước nhập khẩu đang điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; khởi kiện nước nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; các hoạt động trợ giúp khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 76).
– Về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, trong đó, biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (khoản 1 Điều 77).
– Về biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp chống trợ cấp bao gồm: áp dụng thuế chống trợ cấp; cam kết của tổ chức, cá nhân hoặc của Chính phủ nước sản xuất, xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu; các biện pháp chống trợ cấp khác (Điều 83).
– Về biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp tự vệ bao gồm: áp dụng thuế tự vệ; áp dụng hạn ngạch nhập khẩu; áp dụng hạn ngạch thuế quan; cấp giấy phép nhập khẩu; các biện pháp tự vệ khác (Điều 91).