1. Quy định về mở lối đi chung theo luật dân sự?

Thưa Luật sư của LVN Group, em muốn hỏi: Nhà em có bán cho các hộ dân 01 thửa đất. Trước đó là đất của cha mẹ cho con, sau đó em tách từng thửa ra để chuyển quyền lại cho người dân. Tuy nhiên, thửa đất của em lại không có đường đi vào (Cách đường nhựa khoảng 60m). Ba em đã làm thủ tục hiến đường đi để em có đường đi vào cho em và các hộ sau. UBND xã và UBND huyện lại không đồng ý lập đường đi cho em.

Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự thì ba em đã tự nguyện chừa đường rồi sao lại không được chấp thuận?

Xin Luật sư của LVN Group tư vấn cho em!

Người gửi: LC Hòa

>> Tư vấn quy định pháp luật về mở ngõ đi chung, gọi:1900.0191

 

Trả lời:

Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, trong trường hợp này bạn có quyền yêu cầu được mở một lối đi ra đến đường công cộng. UBND cấp xã, huyện không đồng ý lập đường cho bạn cần phải có lý do. Nếu lý do không thỏa đáng bạn có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết để đòi lại quyền lợi cho mình. Tham khảo nội dung: Tư vấn việc sử dụng lối đi chung trong phần đất đã được phân thành nhiều thửa nhỏ ?

 

2. Lối đi chung – Lối đi riêng được xác định như thế nào?

Thưa Luật sư của LVN Group, tôi có một thửa đất 300 m2, nay muốn phân chia thành hai thửa nhưng thửa đất phía sau cần có một lối đi nên yêu cầu tôi cắt lối đi cho bất động sản phía sau (Tôi không rõ quy định của Nhà nước là lối đi này bắt buộc là bao nhiêu m). Xin hỏi Luật sư:

+ Lối đi này là lối đi chung hay lối đi riêng? ( Lô đất kia đã có lối đi khác)

+ Sau này tôi có lối đi khác thì tôi có được bán cho hộ liền kề lô đất phía trước không?

+ Hộ liền kề đó hợp thức lối đi đó vào đất của họ có được không?

– Nguyễn Hải Sơn –

 

Trả lời:

Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về lối đi qua như sau: Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Căn cứ theo quy định trên thì nhà nước không quy định cụ thể về chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi qua này, hai bên được quyền thỏa thuận với nhau về kích thước của lối đi, chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Lối đi này được xác định là lối đi qua cho bất động sản phía sau, bạn hoàn toàn có quyền thỏa thuận với chủ sở hữu bất động sản phía sau về việc có sử dụng lối đi đó hay không và mức đền bù mà bên được hưởng quyền về lối đi qua phải trả. Xem ngay: Tư vấn giải quyết tranh chấp lối đi chung ?

 

3. Tranh chấp lối đi chung được giải quyết như thế nào ?

Thưa Luật sư của LVN Group! Hiện em có một lô đất thổ cư ở xã Mỹ Hạnh, Long An. Đất có sổ hồng cấp năm 2013. Trên bản vẽ sổ hồng có ghi đường đất (nhưng đất ở nông thôn nên không ghi rõ là đường đất bao nhiêu mét). Do điều kiện kinh tế nên giờ em mới có tiền xây nhà, tuần trước em xuống lô đất khảo sát lại tình hình thì không có lối đi vào lô đất nữa. Em có hỏi hàng xóm (mới có 3 nhà ở gần đó) họ nói đường đi đang bị tranh chấp giữa 2 ông chủ ngày xưa chung nhau phân lô bán nền. Giờ họ mâu thuẫn, họ ủi đất, ủi bê tông lên cao, xe máy không đi qua được. Chỉ có thể dắc bộ. Muốn xây nhà cũng không đươc vì xe công xe ben không vào đươc. Giờ ai cũng nói: bán đất cũng không bán được mà xây nhà cũng không xong. Em xin hỏi công ty luật là: trên sổ hồng có hiển thị đường đi vào lô đất. Vậy em có thể xây nhà hay mua bán trao đổi được không? Cách giải quyết nào ổn thỏa ạ?

Mong công ty trả lời em sớm. Em cảm ơn rất nhiều.

-Lê Thị Tuyết-

 

Trả lời:

Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quyền về lối đi qua, áp dụng trong trường hợp bạn có lô đất bị vây bọc bởi các lô đất khác, không đủ để đi xe vào thì bạn cần thỏa thuận với các chủ sở hữu bất động sản liền kề để yêu cầu họ dành cho mình 1 lối đi hợp lý sao cho lối đi đó đủ rộng để bạn có thể tiến hành việc xây nhà. Bạn có thể đền bù cho các chủ sở hữu trên một khoản tiền phù hợp để họ tạo điều kiện giúp bạn tiến hành xây nhà một cách nhanh chóng.

Trong trường hợp, chủ đất không mở lối đi cho gia đình bạn thì gia đình bạn có quyền nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi có đất để được giải quyết vì yêu cầu có lối đi vào bất động sản của bạn là hoàn toàn chính đáng và đúng quy định của pháp luật.

 

4. Tự ý trổ cửa hướng vào lối đi chung ?

Chào Luật sư của LVN Group, mong được sự tư vấn giúp: Lối đi chung nhà em với một nhà nữa pháp lý rõ ràng là nhà kia được mở cửa hậu ra lối đi chung đó, còn cửa chính nằm hướng khác. Sau khi nhà kia bán chủ mới phân lô dạng sổ hồng chung cất nhà bán và cho quay mặt các nhà trên qua lối đi chung còn lối cửa chính của nhà cũ bít lại để lấy diện tích. Mỗi căn nhà đó khoảng hơn hai mươi m vuông.

Vậy xin Luật sư của LVN Group cho biết chủ nhà trên trổ cửa như vậy đúng hay sai và làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho gia đình về lối đi trong trường hợp này? Bây giờ, nhà em thành nhà cuối cùng trong tám nhà trên. Nhà em đang làm sổ hồng.

Cảm ơn Luật sư của LVN Group giúp đỡ!

-Trần Trung Nghĩa –

 

Trả lời:

Theo khoản 11 Điều 12 Luật xây dựng 2014 quy định cấm:

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.”

Cũng theo Điều 178, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề như sau:

Điều 178. Trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.”

Như vậy, không rõ là gia đình bạn và gia đình hàng xóm cũ đã có căn cứ gì cho việc thỏa thuận gia đình đó không được trổ cửa chính không được quay mặt ra phía lối đi chung. Đối với chủ mới của bất động sản liền kề, họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về những thỏa thuận mà chủ cũ đã có với gia đình bạn. Theo quy định của pháp luật dân sự thì họ hoàn toàn có thể trổ của ở vị trí hiện tại chỉ cần không trái các quy định về pháp luật xây dựng nêu trên.

 

5. Tranh chấp lối đi chung có được làm cổng không?

Thưa Luật sư của LVN Group! Gia đình chúng tôi có một thửa đất thổ cư được cấp ở từ năm 1957 có diện tích 998 m2, bố mẹ chúng tôi để lại chia cho 3 anh em chúng tôi (cho tôi, em Dũng và em Cường) vào năm 1992 và có để một lối đi chung cho 3 anh em chúng tôi và đã thể hiện trên sơ đồ, hiện nay chỉ có gia đình chúng tôi ở đây còn lại 2 em tôi không ở đây. Hiện lối đi chung này có phần đầu tiếp giáp với 2 gia đình là nhà ông N và gia đình ông Q. Hiện nay, hai gia đình nhà ông N và nhà ông Q có kiện cáo chúng tôi đây là lối đi chung của 3 nhà gồm gia đình nhà tôi nhà ông N và nhà ông Q, vì vậy gia đình tôi không được làm cổng và không được sử dụng một mình.

Vậy tôi xin hỏi Luật sư của LVN Group như vậy có đúng không ạ? Và gia đình tôi làm cổng ngõ của gia đình chúng tôi có đúng không?

Xin Luật sư của LVN Group trả lời giúp gia đình chúng tôi với ạ.

-Nguyễn Thị Huế-

 

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì không biết là ngoài phần đầu tiếp giáp với gia đình ông N và ông Q thì gia đình 2 người này còn lối đi nào khác hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Như vậy, nếu gia đình ông N và ông Q không còn một lối đi nào khác thì bạn bắt buộc phải để cho họ một phần đất làm lối đi qua hợp lý. Gia đình ông N và ông Q sẽ phải đền bù cho bạn một khoản tiền phù hợp theo thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, nếu gia đình 2 ông không bị vây kín và còn một lối đi khác thì gia đình bạn không cần phải để lối đi qua cho họ và hoàn toàn có thể làm cổng ngõ nếu không ảnh hưởng đến các gia đình khác.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty Luật LVN Group