1. Khái niệm về hoạt động ngoại thương

Ngoại thương là những hoạt động buôn bán, trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia theo nguyên tắc ngang bằng giá.

Ngoài trao đổi sản phẩm, ngoại thương còn bao gồm việc giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và lưu giữ những nét đẹp của các quốc gia dân tộc đối với bạn bè quốc tế.

Như vậy, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.

2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật quản lý ngoại thương 2017

– Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Như vậy, Luật không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau mà điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước và thương nhân.

Ngoài ra, Luật chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định trong Luật một số nguyên tắc quản lý chung cho cả hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, hiện nay theo quy định tại Quyết định số 28/2012/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin… Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ này được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông, Luật Xây dựng, Luật Du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán…). Ngoài ra, do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thông qua 2 phương thức. 

Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; họ vẫn ở 2 nước khác nhau và dịch vụ được cung cấp từ nước này vào nước kia. 

Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Với 2 phương thức đặc thù như vậy, cùng với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, việc đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong một luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý. Các biện pháp này đều đã được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Nếu Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định về xuất nhập khẩu dịch vụ, sẽ tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Mặc dù không điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhưng Luật Quản lý ngoại thương đã quy định một số biện pháp mang tính chất hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hỗ trợ phát triển các dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

– Đối tượng áp dụng: cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

3. Khái niệm về khu vực hải quan riêng

Ngày 12/06/2017, Quốc hội thông qua Luật Quản lý ngoại thương 2017. Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Định nghĩa khu vực hải quan riêng được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương 2017  (có hiệu lực 01/01/2018), theo đó:

Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Mua bán hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng

4.1. Mua bán hàng hóa bằng hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ

Mua bán hàng hóa bằng hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ là giao hàng tại chỗ, trên lãnh thổ Việt Nam thay vì phải vận tải hàng ra nước ngoài hoặc vận tải hàng từ nước ngoài về như xuất nhập khẩu thông thường.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm: 

  • Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định;
  • Mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
  • Mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhận nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

4.2. Kho ngoại quan

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu, hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi  để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

  • Hàng hóa từ nước ngoài hoặc từ nội địa, từ khu phi thuế quan đưa vào kho ngoại quan, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải làm thủ tục nhập kho ngoài quan tại Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.
  • Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào nội địa hoặc đưa vào nội địa hoặc các khu phi thuế quan, chủ hàng hoặc người được chủ hàn ủy quyền phải kê khai thông tin hàng hóa xuất kho ngoài quan với Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan. Trường hợp nhập khẩu vào thị trường  Việt Nam thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình nhập khẩu tương ứng; thời điểm nhập khẩu thực tể hàng hóa là thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hàng hóa đưa ra khỏi kho ngoại quan. 

Hàng hóa gửi kho ngoại quan thuộc diện buộc phải tái xuất theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì không được phép nhập khẩu trở lại thị trường Việt Nam.

  • Hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan; hàng hóa từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất; hàng hóa từ nội địa đưa vào kho ngoại quan và ngược lại phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan, trừ trường hợp hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu từ nội địa hoặc hàng hóa khi làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa đã mở tờ khai vận chuyển kết hợp.

4.3. Kho bảo thuế

Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.

  • Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, trừ thủ tục nộp thuế.
  • Hàng hóa đưa vào kho bảo thuế chỉ được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu của chủ kho bảo thuế
  • Khi đưa nguyên liệu, vật tư vào sản xuất, doanh nghiệp phải quản lý, theo dõi theo quy định của pháp luật kế toán, thống kê.

5. Quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng

Nội dung quản lý bao gồm việc phân định rõ quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu giữa nội địa với các khu vực hải quan riêng, giữa các khu vực hải quan riêng với nhau cũng như giữa khu vực hải quan riêng với bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư. 

“Khu hải quan riêng” đã được đề cập tại Điều 28 Luật Thương mại 2005 và theo khoản 4 Điều 3 của Luật, “khu hải quan riêng” là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong Luật Quản lý ngoại thương, vấn đề quản lý hàng hóa trong khu vực hải quan riêng được quy định từ Điều 56 đến Điều 59.

Cụ thể: Điều 56, áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng. Trong đó, áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa được đưa từ khu vực hải quan riêng ra nước ngoài như đối với hàng hóa được đưa từ nội địa ra nước ngoài; không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng. Tuy nhiên, hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

Điều 57, áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

Trong đó, áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.

Luật quy định không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng. Tuy nhiên, hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng.

Về áp dụng biện pháp quản lý mua bán hàng hóa giữa các khu vực hải quan riêng, Điều 58 quy định: Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa mua bán, vận chuyển giữa các khu vực hải quan riêng trong lãnh thổ Việt Nam.

Mặt khác, việc vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực hải quan riêng phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 59 quy định về trường hợp ngoại lệ liên quan đến quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng. Theo đó, trường hợp cần thiết nhằm chống gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hoặc không áp dụng một hoặc một số biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa quy định tại các điều 56, 57 và 58.