1. Khái niệm về hoạt động ngoại thương

Ngoại thương là những hoạt động buôn bán, trao đổi trên thị trường giữa các quốc gia theo nguyên tắc ngang bằng giá.

Ngoài trao đổi sản phẩm, ngoại thương còn bao gồm việc giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và lưu giữ những nét đẹp của các quốc gia dân tộc đối với bạn bè quốc tế.

Như vậy, ngoại thương chính là hoạt động thương mại, buôn bán hàng hóa, dịch vụ giữa các đất nước với nhau. Khi hoạt động kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một đất nước thì được gọi là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể bao gồm việc các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài hoặc nhập khẩu về cho đất nước.

2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật quản lý ngoại thương 2017

– Về phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Như vậy, Luật không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau mà điều chỉnh các quan hệ giữa nhà nước và thương nhân.

Ngoài ra, Luật chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định trong Luật một số nguyên tắc quản lý chung cho cả hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, hiện nay theo quy định tại Quyết định số 28/2012/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin… Theo đó, các lĩnh vực dịch vụ này được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành (Luật Viễn thông, Luật Xây dựng, Luật Du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán…). Ngoài ra, do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thông qua 2 phương thức. 

Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; họ vẫn ở 2 nước khác nhau và dịch vụ được cung cấp từ nước này vào nước kia. 

Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ. Với 2 phương thức đặc thù như vậy, cùng với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, việc đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong một luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý. Các biện pháp này đều đã được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Nếu Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định về xuất nhập khẩu dịch vụ, sẽ tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Mặc dù không điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhưng Luật Quản lý ngoại thương đã quy định một số biện pháp mang tính chất hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hỗ trợ phát triển các dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

– Đối tượng áp dụng: cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

3. Về nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương

Thực hiện quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước cũng như bảo đảm thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Điều 4 của Luật quy định nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương như sau: 

“1. Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.

3. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

4. Các quốc gia có biên giới chung với Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia nằm ở cực Đông Nam Bán đảo Đông Dương. Biên giới Việt Nam giáp với vịnh Thái Lan ở phía Nam, vịnh Bắc Bộ và biển Đông ở phía Đông, Trung Quốc ở phía Bắc, Lào và Campuchia phía Tây. Về biên giới đất liền, Việt Nam tiếp giáp với ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Với Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.406km tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây của Trung Quốc. Hai nước đã ký nhiều văn bản pháp lý quan trọng về biên giới lãnh thổ, đặc biệt là Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (gọi tắt là Hiệp ước 1999) được ký kết Ngày 30-12-1999 tại Hà Nội, đặt nền tảng quan trọng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài giữa hai nước.

Với Lào, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào là: Phỏng-sả-lỳ, Luổng-pha-bang, Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muồn, Sa-vắn-nạ-khệt, Sả-lạ-văn, Sê-kông và Ắt-tạ-pư. Hai nước đã ký nhiều văn bản pháp lý quan trọng về biên giới lãnh thổ, đặc biệt là “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” ký ngày 18/7/1977.

Với Campuchia, Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.137km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), tiếp giáp 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svayrieng, Preyveng, Kandal, Takeo và Kampot). Ngày 27/12/1985, tại Phnom pênh, Việt Nam và Campuchia đã ký kết Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia. Thực hiện công tác phân giới, cắm mốc biên giới theo Hiệp ước hoạch định năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, từ năm 2006 đến tháng 4/2017, qua 10 năm nỗ lực, hai bên đã đạt một số kết quả khả quan trong việc phân giới, cắm mốc. 

5. Hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới

Hoạt động ngoại thương với các nước có chung biên giới được quy định tại Điều 53 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:

“1. Hoạt động ngoại thương với nước có chung biên giới với Việt Nam tại khu vực biên giới (sau đây gọi là hoạt động thương mại biên giới) được áp dụng các biện pháp quản lý đặc thù sau đây:

a) Quy định về hàng hóa, số lượng hàng hóa, định mức miễn thuế, địa điểm và phương thức đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới;

b) Quy định về hàng hóa, địa điểm, phương thức và hoạt động hỗ trợ đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân đã được thoả thuận trong điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có chung biên giới.

2. Các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thương mại biên giới bao gồm:

a) Nhà nước tăng cường hỗ trợ và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp nơi có biên giới trong việc tổ chức, quản lý hoạt động thương mại biên giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới;

b) Người, phương tiện, hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Các hoạt động thương mại biên giới được hưởng một số chính sách quản lý đặc thù về địa bàn, hàng hóa, phí, lệ phí, phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Nội dung quản lý bao gồm quy định khung pháp lý chung về các biện pháp quản lý đặc thù được áp dụng đối với hoạt động ngoại thương với nước có chung biên giới, các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thương mại biên giới nói chung và nguyên tắc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong hoạt động thương mại biên giới nói riêng. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu khác và nơi mở ra cho qua lại biên giới được phép thực hiện hoạt động thương mại biên giới bảo đảm các điều kiện và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua các khu vực trên bị ách tắc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới, căn cứ vào điều kiện hạ tầng, kỹ thuật tại khu vực đó, có thể áp dụng biện pháp ưu tiên xuất khẩu hàng hóa là thực phẩm tươi sống, nông sản mau hỏng hoặc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa cho đến khi không còn ách tắc.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý ngoại thương 2017 còn quy định về cơ chế điều hành, phối hợp của các lực lượng tại cửa khẩu cũng như chính sách quản lý, phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu biên giới đất liền và phát triển du lịch. 

Quy định như trong Luật là phù hợp với Điều XXIV của Hiệp định GATT 1994 và các điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; phù hợp với đặc thù từng tuyến, tỉnh biên giới về giao thông, địa hình, dân số…; và là công cụ linh hoạt trong thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước với từng đối tác thương mại cụ thể có chung đường biên giới với nước ta.

Các quy định này tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại biên giới đã được thực hiện tương đối ổn định từ năm 2006 đến nay, theo đề nghị của nhiều Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và nguyện vọng của chính quyền, nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới các với nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia cũng như nhằm thực hiện các Điều ước quốc tế về thương mại biên giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước này.