1. Trình tự, thủ tục thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Hồ sơ thành lập

– Đơn đề nghị thành lập quỹ (theo mẫu thông tư 4/2020/TT-BNV).

– Dự thảo điều lệ của quỹ (theo mẫu thông tư 4/2020/TT-BNV).

– Bản cam kết về việc đóng góp tài sản thành lập quỹ của các sáng lập viên (theo mẫu thông tư 4/2020/TT-BNV) và tài liệu chứng minh tài sản đóng góp quỹ theo quy định 

– Bản sao di chúc, văn bản hiến, tặng có chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng theo quy định của pháp luật (nếu quỹ được thành lập theo di chúc, hiến, tặng hoặc uỷ quyền).

– Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Ban sáng lập quỹ.

– Cam kết của cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài theo quy định tại Điều 12 Nghị định 93 nếu cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ.

– Văn bản bầu các chức danh Ban sáng lập quỹ (theo mẫu thông tư 4/2020/TT-BNV).

– Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở quỹ.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động:

– Bộ trưởng Bộ Nội vụ: quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh hoặc có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh.

– Chủ tịch UBND cấp tỉnh: các trường hợp còn lại.

Quy trình thực hiện xin cấp phép hoạt động và công nhận điều lệ quỹ:

Bước 1: Chủ thể có nhu cầu thành lập quỹ, nộp hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền tuỳ vào phạm vi hoạt động quỹ.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền lập phiếu tiếp nhận hồ sơ gồm các nội dung: ngày, tháng, năm và phương thức tiếp nhận hồ sơ, thông tin hồ sơ, thông tin bên gửi, bên nhận.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, gửi văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho người nộp.

Bước 3: Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.

Chậm nhất là sau 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, chủ thể có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. Nếu không cấp phép thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Thủ tục đưa quỹ đi vào hoạt động sau khi được cấp giấy phép thành lập

Sau khi được cấp giấy phép thành lập, quỹ cần thực hiện các bước sau đây để có thể đưa quỹ đi vào hoạt động trên thực tế:

Bước 1: Các sáng lập viên đã phải hoàn tất thủ tục đóng góp tài sản, chuyển quyền sở hữu theo quy định. Căn cứ chứng minh là:

– Văn bản của ngân hàng nơi quỹ mở tài khoản xác nhận về số tiền từng sáng lập viên cam kết đóng góp để thành lập quỹ đã có đủ trong tài khoản.

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu (đã chuyển sang quỹ) đối với các tài sản phải đăng ký.

– Biên bản giao nhận và cam kết đóng góp đối với các tài sản không thuộc trường hợp phải đăng ký quyền sở hữu.

Bước 2: Thực hiện công bố về việc thành lập quỹ

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, quỹ phải thực hiện công bố liên tiếp trên 03 số báo viết hoặc báo điện tử ở trung ương hoặc địa phương tuỳ theo thẩm quyền của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập quỹ.

Lưu ý: Trên thực tế, bước 1 và bước 2 có thể thực hiện đồng thời hoặc đổi vị trí cho nhau. Nhưng cần phải đảm bảo việc đóng góp và chuyển quyền sở hữu hoàn thiện trước khi thực hiện bước 3 vì Hồ sơ trong bước 3 có yêu cầu cả kết quả sau khi thực hiện bước 1 và bước 2.

Bước 3: Có quyết định công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ.

– Sau khi hoàn thành các điều kiện nêu trên, Hội đồng quản lý quỹ lập 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ cho chính cơ quan nhà nước đã cấp phép thành lập trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập.

– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu không công nhận sẽ trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

3. Quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ

Thành phần hồ sơ:

– Đơn đề nghị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ, trong đó nêu rõ lý do và tên gọi mới của quỹ (Theo mẫu từ 1.10 đến mẫu 1.15 Thông tư 4/2020/TT-BNV)

– Dự thảo điều lệ của quỹ mới;

– Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ; ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có);

– Dự kiến nhân sự Hội đồng quản lý quỹ;

– Phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Quy trình thực hiện:

Bước 1: Quỹ gửi 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập theo quy định.

Bước 2: Nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, trong thới hạn 30 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ. Nếu không đồng ý sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

4. Các trường hợp quỹ bị đinh chỉ hoạt động

Đình chỉ hoạt động đối với quỹ là trường hợp đình chỉ hoạt động có thời hạn. Quỹ bị đính chỉ hoạt động theo quy định tại Điều 40 Nghị định 93/2019/NĐ-CP nếu rơi vào một trong số các trường hợp sau: 

– Quỹ hoạt động không đúng mục đích, điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng không tư giải quyết được hoặc trong quá trình tổ chức, hoạt động có vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.

– Quỹ có các hành vi vi phạm quy định Nhà nước về quản lý tài sản, tài chính.

– Quỹ sử dụng sai mục đích các khoản viện trợ có mục đích của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho quỹ.

– Quỹ không hoạt động liên tục trong thời hạn 06 tháng.

– Quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động, báo cáo tài chính hàng năm theo quy định mặc dù đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản nhưng quá thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận văn bản nhắc nhở vẫn không khắc phục.

– Không thực hiện việc báo cáo khi thay đổi trụ sở chính, thành viên HĐQL quỹ, Giám đốc quỹ.

– Vi phạm một trong các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ của quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 hoặc không thực hiện kiện toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 93/2019/NĐ-CP đối với những quỹ thành lập theo quy định cũ.

Thời hạn đình chỉ: Thông thường, đối với những quỹ vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 06 tháng. Tuy nhiên nếu hết thời hạn đình chỉ mà quỹ không khắc phục được vi phạm sẽ bị kéo dài thời hạn tạm đình chỉ thêm 01 tháng. Nếu hết thời hạn này vẫn không khắc phục được thì cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giải thế quỹ.

Quy trình ra quyết định đình chỉ hoạt động quỹ:

Bước 1: Tiếp nhận tin báo sai phạm từ quần chúng hoặc từ hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột suất.

Bước 2: Xem xét quyết định sai phạm.

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận sai phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp phép hoạt động) ra quyết định đình chỉ có thời hạn hoạt động cuẩ quỹ.

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, quỹ có thể bị xử phạt bi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại. Trường hợp cá nhân có vi phạm, tuỳ vào mức độ có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp xin hoạt động lại khi chưa hết thời hạn đình chỉ:

Trong thời hạn đình chỉ có thời hạn nếu quỹ khắc phục được sai phạm, quỹ lập 01 hồ sơ đề nghị được hoạt động trở lại gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định. Hồ sơ gồm:

– Đơn đề nghị được hoạt động trở lại của quỹ;

– Báo cáo của Hội đồng quản lý quỹ và các tài liệu chứng minh quỹ đã khắc phục sai phạm.

5. Quy định về giải thể quỹ

Quỹ xã hội, quỹ từ thiện có thể tự giải thể hoặc cưỡng chế giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Quỹ tự giải thể trong các trường hợp sau đây:

– Quỹ chấm dứt hoạt động theo quy định của điều lệ quỹ;

– Mục tiêu hoạt động của quỹ đã hoàn thành;

– Quỹ không còn khả năng về tài sản, tài chính để tiếp tục hoạt động.

Hồ sơ đề nghị tự giải thể quỹ:

– Đơn đề nghị giải thể (theo mẫu thông tư 4/2020/TT-BNV).

– Nghị quyết của HĐQL quỹ về tự giải thể, trong đó nêu rõ lý do giải thể quỹ;

– Bản kiểm kê tài sản, tài chính của quỹ có chữ ký của Chủ tịch HĐQL quỹ, Trưởng Ban Kiểm tra, Giám đốc và Người phụ trách kế toán;

– Dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính, lao động và thời hạn thanh toán các khoản nợ;

– Thông báo thời hạn thanh toán nợ (nếu có) cho các tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật và thông báo liên tiếp trên 03 số báo viết hoặc báo điện tử ở trung ương đối với quỹ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập, báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương đối với quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép thành lập;

– Các tài liệu chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ tài sản, tài chính của quỹ.

Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn ghi trong thông báo thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính của quỹ mà không có đơn khiếu nại, khiếu kiện nào thì cơ quan có thẩm quyền (chính là cơ quan cấp phép thành lập) xem xét ra quyết định giải thể và thu hồi giấy cấp phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.

Quỹ bị cưỡng chế giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi:

– Không báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính theo quy định hoặc không công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trong 02 năm liên tục; có mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, không tự giải quyết được, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan nhà nước;

– Giả mạo về thông tin kế toán, số tài khoản đăng ký; không đạt mức giải ngân quy định tại Nghị định này;

– Không tự giải thể theo quy định.

– Vi phạm một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 nghị định 93/2019/NĐ-CP

– Quá thời gian đình chỉ có thời hạn quỹ không khắc phục được vi phạm theo mục 4 nêu trên.

Thủ tục giải thể:

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết luận sai phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo về việc giải thể, thanh toán nợ, thanh  thanh lý tài sản, tài chính của quỹ liên tiếp trên 03 số báo viết hoặc báo điện tử ở trung ương hoặc địa phương tuỳ thẩm quyền thành lập.

– Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo mà không có đơn, thư khiếu nại; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải thể và thu hồi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội hoặc tư vấn thường xuyên, tư vấn theo vụ việc cho các hoạt động của quỹ sau khi thành lập có thể liên hệ tổng đài tư vấn trực tuyến hoặc gửi email dịch vụ qua địa chỉ: [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group