1. Quy định chung về hoạt động hòa giải

– Khái niệm hòa​ giải

Theo Từ điển tiếng Việt, hòa giải là “hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa”.

Ở nước ta hiện nay có những hình thức hòa giải khác nhau: Hòa giải trong tố tụng dân sự của Tòa án, hòa giải trong tố tụng trọng tài, hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và hòa giải ở cơ sở.

– Đặc điểm của hình thức hòa giải

Từ định nghĩa trên, có thể thấy hòa giải có một số đặc trưng sau:

Một là, hòa giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp.

Hai là, hòa giải có bên thứ ba làm bên trung gian giúp cho các bên thỏa thuận với nhau về giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp. Điều này làm cho hòa giải có sự khác biệt với thương lượng. Người trung gian phải có vị trí độc lập với các bên và hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp. Bên thứ ba làm trung gian không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào và không có quyền đưa ra phán quyết.

Ba là, hoà giải trước hết là sự thoả thuận, thể hiện ý chí và quyền định đoạt của chính các bên tranh chấp. Nói cách khác, chủ thể của quan hệ hoà giải phải chính là các bên tranh chấp. Các thỏa thuận, cam kết từ kết quả của quá trình hòa giải không có giá trị bắt buộc cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào thiện chí, sự tự nguyện của các bên.

Với các đặc trưng trên, có thể hiểu hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập, làm trung gian, giúp các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết được những bất đồng và đạt được thỏa thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và tự nguyện thực hiện những thỏa thuận đó.

2. Các hình thức hòa giải

2.1. Hòa giải trong tố tụng dân sự của Tòa án

Hòa giải trong tố tụng dân sự của Tòa án là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động, trừ những trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trường hợp các đương sự thống nhất thỏa thuận với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2.2. Hòa giải trong tố tụng trọng tài

Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, các bên tranh chấp có thể thương lượng, tự hòa giải hoặc đề nghị trọng tài giúp các bên hòa giải. Trọng tài cũng có thể chủ động tự mình tiến hành hòa giải các bên. Nếu các bên thông qua hòa giải giải quyết được tranh chấp thì có thể yêu cầu trọng tài viên xác nhận sự thỏa thuận đó bằng văn bản, lập biên bản hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận của các bên. Văn bản này có giá trị như quyết định trọng tài – có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo.

2.3. Hòa giải tranh chấp lao động

Hòa giải tranh chấp lao động được Hội đồng trọng tài lao động hoặc hòa giải viên lao động của cơ quan lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (hòa giải viên lao động) tiến hành khi có tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể và trong quá trình học nghề giữa người lao động với người sử dụng lao động. Thẩm quyền và trình tự hòa giải tranh chấp lao động được quy định tại Bộ luật Lao động.

2.4. Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Đây là việc hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp đối với các tranh chấp về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”

Khi đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

2.5. Hòa giải ở cơ sở

Khác với các loại hình hòa giải nêu trên, hòa giải ở cơ sở trước hết xuất phát từ đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý dân tộc. Ở Việt Nam, nền kinh tế nông nghiệp lúa nước với nhu cầu làm thủy lợi, đắp đê, chống lụt, thêm vào đó là nguy cơ giặc ngoại xâm luôn đe dọa đã khiến cho người Việt cổ sớm hình thành lối sống cộng đồng, truyền thống đoàn kết, tương thân, thương ái. Vì vậy, hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân…

Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định:

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.

3. Vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở

3.1. Tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên

Trước hết, phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc được ghi nhận là một nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sự linh hoạt trong thủ tục giúp tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên, thể hiện ở những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, các bên có quyền lựa chọn Hòa giải viên cho vụ việc của mình

Thứ hai, các bên có thể chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải, đối thoại phù hợp

Thứ ba, hòa giải, đối thoại được tiến hành nhanh chóng và dành quyền chủ động cho các bên

3.2. Tiết kiệm chi phí

Nhà nước khuyến khích hòa giải, đối thoại nên rất tiết kiệm chi phí cho các bên. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây:

– Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án là 2.000.000 đồng/1 vụ việc.

– Các chi phí khác, bao gồm: chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Các chi phí này phát sinh trong một số ít trường hợp theo thực tế và lựa chọn của các bên.

Trong tố tụng: các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đều phải chịu án phí, lệ phí từ 300.000 đồng trở lên, án phí kinh doanh, thương mại là từ 3 triệu đồng trở lên. Tùy giá trị tranh chấp mà án phí có thể được cộng thêm với 0,1 – 5% giá trị tranh chấp. Do đó, án phí dân sự, kinh doanh thương mại có thể lên tới hàng tỉ đồng nếu giá trị tranh chấp lớn.

Có thể thấy, lựa chọn hòa giải, đối thoại sẽ giúp các bên tiết kiệm được hầu hết các chi phí so với tố tụng. Điều này xuất phát từ cơ chế linh hoạt, nhanh gọn của hòa giải, đối thoại, cũng như sự khuyến khích của Nhà nước để phát huy vai trò, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại đối với các bên tham gia hòa giải, đối thoại và xã hội nói chung.

3.3. Bảo mật thông tin cho các bên

Về nguyên tắc, các thông tin trong hòa giải, đối thoại được bảo mật: Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của các bên. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

3.4. Hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên

Với sự hỗ trợ của Hòa giải viên giàu tâm huyết và năng lực, các bên có thể giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình và dần tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối tác… Đặc biệt, trong hòa giải tranh chấp hôn nhân và gia đình, trường hợp đoàn tụ thành đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình; trường hợp thuận tình ly hôn cũng giúp các bên giữ được hòa khí, vợ chồng thống nhất được người nuôi con, phương thức nuôi dạy con phù hợp và cùng hỗ trợ hợp tác trong việc nuôi con sau ly hôn. Đây là ý nghĩa rất lớn của hòa giải, đối thoại mà phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường tố tụng không có được.

3.5. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án công nhận và có hiệu quả thi hành cao

Thực tiễn thí điểm cho thấy, kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại thường được các bên tự nguyện thi hành, thậm chí là thi hành ngay tại phiên hòa giải do các bên tự thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Trong tố tụng, bên phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành bản án. Hàng năm, cơ quan thi hành án giải quyết được khoảng 60% so với tổng số phải thi hành. Số bản án không có điều kiện thi hành án chiếm khoảng hơn 20%.

Như vậy, việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thường nhanh chóng và hiệu quả cao hơn so với việc thi hành bản án của Tòa án.

4. Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Căn cứ Điều 20 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

– Thời hạn hòa giải, đối thoại là không quá 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

– Trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất kéo dài thì thời hạn hòa giải, đối thoại không quá 02 tháng.

5. Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Căn cứ Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án linh hoạt được thể hiện cụ thể như sau:

– Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

– Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

– Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

– Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên, yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

– Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

6. Chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Căn cứ Điều 21 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên như sau:

– Tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

– Vào sổ theo dõi vụ việc;

– Nghiên cứu đơn và tài liệu kẻm theo do Tòa án chuyển đến;

– Xác định tư cách của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện, người phiên dịch trong vụ việc; thông báo cho họ biết về việc hòa giải, đối thoại;

– Yêu cầu các bên tham gia hòa giải, đối thoại bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ; đề xuất phương án, giải pháp để giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

– Xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại;

– Mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

– Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan, tìm hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của các bên tham gia hòa giải, đối thoại để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

– Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến vụ việc dân sự, khiểu kiện hành chính để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

– Các nội dung khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.