Căn. cứ vào Điều 207 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công được thực hiện như sau:
- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, với quy định người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong thời gian diễn ra đình công; và tạo điều kiện để người lao động chia sẻ khó khăn cùng người sử dụng lao động trong thời gian ngừng việc (không sản xuất, kinh doanh) mà vẫn phải trả lương nên quy định hai bên thỏa thuận về mức lương (lúc này, người lao động có thể đưa ra mức lương thấp hơn mức lương trong hợp đồng lao động để giảm khó khăn cho người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu).
Với quy định người lao động tham gia đình công không được trả lương và hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật là để người lao động cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đình công, chỉ khi nào lợi ích của mình bị ảnh hưởng mới thực hiện đình công, tránh đình công tùy tiện dẫn đến thiệt hại cho chính mình.
Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp luật chi trả tiền lương trong thời gian đình công như sau:
1. Thế nào là đình công?
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo. Theo quy định tại Điều 199 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định về trường hợp người lao động có quyền đình công bao gồm: Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục đình công theo đúng quy định của pháp luật để đình công trong các trường hợp như sau:
– Hòa giải không thành hoặc là hết thời hạn hòa giải (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân – đầy mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động thì hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải) mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
– Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc là thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài lao động.
Trong trường hợp mà hai bên đồng ý với kết quả hòa giải của hòa giải viên thì việc tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ được gửi đến Ban trọng tài lao động. Nếu ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc trong trường hợp người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài thì người lao động có thể tiến hành đình công.
2. Trường hợp nào thì đình công là hợp pháp
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì đình công được coi là hợp pháp khi đáp ứng các quy định sau:
– Một là đình công hợp pháp phải thuộc các trường hợp người lao động được quyền tiến hành đình công;
– Hai là đình công phải do tổ chức đại diện người lao động có quyền thực hiện tổ chức và lãnh đạo đình công;
– Ba là đình công hợp pháp phải thực hiện đúng theo trình tự và thủ tục của quy định pháp luật:
- Bước 1: Lấy ý kiến đình công:
Tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định sẽ có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng. Nội dung lấy ý kiến gồm: đồng ý hay không đồng ý và phương án tổ chức đại diện người lao động về nội dung theo quy định;
Việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc là bằng các hình thức khác. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công sẽ do tổ chức đại diện người lao động ra quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Và việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây cản trở, khó khăn hoặc là can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.
- Bước 2: Ra quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công
Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung ý kiến đình công thì tổ chức đại diện người lao động sẽ ra quyết định đình công bằng văn bản. Quyết định đình công sẽ phải bao gồm các nội dung: kết quả của lấy ý kiến đình công; thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; phạm vi tiến hành đình công; yêu cầu của người lao động; họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
Và trong thời hạn ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động; ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bước 3: Đình công
Đến thời điểm bắt đầu đình công nếu như người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
Đồng thời, nếu như các cuộc đình công mà thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 204 Bộ luật lao động năm 2019 quy định thì đó là trường hợp đình công bất hợp pháp:
– Không thuộc vào trường hợp được quy định được phép đình công;
– Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công;
– Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của pháp luật;
– Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định;
– Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công;
– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định nhưng vẫn tiến hành đình công thì là đình công bất hợp pháp.
3. Quy định pháp luật về việc tạm thời đóng cửa nơi làm việc khi xảy ra đình công
Căn cứ vào quy định tại Điều 205 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định về tách nhiệm phải thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho các cơ quan tổ chức cá nhân sau:
– Thông báo cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;
– Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa;
– Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.
Ngoài ra, người sử dụng lao động không được phép đóng cửa nơi làm việc nếu như rơi vào các trường hợp sau:
– trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công;
– Sau khi người lao động ngừng đình công thì cũng sẽ cấm đóng cửa tạm thời nới làm việc.
4. Quy định về tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác trong thời gian đình công?
Theo quy định của Điều 207 Bộ luật lao động năm 2019 quy định thì tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động trong thời gian đình công được quy định như sau:
– Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật – đây là nhóm bị nghỉ việc vì người lao động khác đình công và những người này không tham gia đình công nhưng vẫn được hưởng lương ngừng việc và các hỗ trợ khác. Những người lao động này không tham gia đình công nhưng vẫn phải ngừng việc với lý do đình công do các bộ phận khác đình công ngừng làm việc và không thể phối hợp để tiếp tục làm việc và thực hiện công việc được nữa hoặc là do người sử dụng lao động đóng cửa tạm thời nơi làm việc. Vì vậy người lao động trong trường hợp này sẽ không tham gia đình công cũng không tự nguyện ngừng việc nên người sử dụng lao động sẽ phải trả lương ngừng việc theo quy định. Và hai bên sẽ tiến hành thỏa thuận mức lương phù hợp với khả năng của người sử dụng lao động cũng như đủ để người lao động lo sinh hoạt phí một thời gian.
– Người lao động tham gia đình công không nhận được lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó thì người lao động tham gia đình công là những người đồng tình với phương án đình công của tổ chức đại diện người lao động và trực tiếp tham gia đình công do tổ chức này tổ chức tại thời điểm và địa điểm ghi trong quyết định đình công thì sẽ không được hưởng lương trong thời gian này. Trong khoảng thời gian đình công thì người lao động không làm việc tạo ra sản phẩm hay chất lượng công việc không đạt được cũng như người sử dụng lao động không được hưởng bất kỳ thành quả nào và người lao động không thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận ban đầu giữa hai bên nên người sử dụng lao động sẽ không phải trả lương cho người lao động trong thời gian đình công. Tuy nhiên nếu như giữa người lao động và người sử dụng lao động có sự thỏa thuận khác thì người lao động vẫn sẽ được trả lương hay được hưởng các quyền lợi khác.
Có thể thấy dù người lao động dù có hay khôn g tham gia đình công nhưng lại nghỉ việc trong thời gian đình công thì vẫn sẽ được hưởng tiền lương và quyền lợi nhưng chủ yếu dựa trên cơ sở thỏa thuận của hai bên.
Trên đây là nội dung bài viết Luật LVN Group muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật lao động trực tuyến 24/7 qua số hotline: 1900.0191 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!