1. Định nghĩa hợp đồng gửi giữ tài sản
Gửi giữ là hoạt động của cụ thể của một chủ thể giao tài sản của mình hoặc của người khác cho một chủ thể để họ thực hiện việc trông coi, bảo quản, giữ gìn tài sản đó. Xuất phát từ những nhu cầu, đòi hỏi của thực tế, các chủ thể cùng nhau thực hiện hoạt động gửi giữ rất nhiều.
Theo quy định tại Điều 554 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về định nghĩa hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:
Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
2. Đặc điểm của hợp đồng gửi giữ tài sản
Từ định nghĩa của hợp đồng gửi giữ tài sản trên thì ta có thể rút ra được một số đặc điểm của hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:
– Là một hợp đồng nên hoạt động gửi giữ cũng xuất phát từ thỏa thuận của các bên:
Sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể là nguyên tắc tối cao hình thành lên hợp đồng giữa các bên. Gửi giữ cũng như vậy, không thể có trường hợp, bên giữ tự ý lấy tài sản của một chủ thể nào khác để trông coi, bảo quản và kết luận bằng một hợp đồng gửi giữ. Tuy nhiên, hoạt động gửi giữ không những được điều chỉnh ở một mục độc lập trong Bộ luật dân sự 2015 mà còn liên quan đến những hợp đồng và chế định khác. Cụ thể, trong Bộ luật dân sự năm 2015, hoạt động gửi giữ xuất hiện trong hợp đồng gia công khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm – bên gia công có thể gửi sản phẩm gia công vào nơi gửi giữ và báo lại cho bên đặt gia công biết. Bên đặt gia công phải thanh toán toàn bộ chi phí liên quan đến hoạt động gửi giữ.
– Bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản:
Nhiều quan điểm cho rằng, bên gửi không giao tài sản thì bên giữ không thể thực hiện hoạt động trông giữ, bảo quản tài sản được. Do đó, hợp đồng loại này phải là hợp đồng thực tế – tức phát sinh hiệu lực pháp luật khi bên gửi giao tài sản cho bên giữ. Tuy nhiên, với loại hợp đồng gửi giữ này, hiệu lực được xác định theo đúng quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015.
Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Nêu các bên đã thỏa thuận ký kết hợp đồng gửi giữ tài sản nhưng vì nhiều lý do, bên gửi chưa hoặc không chuyển giao tài sản trong một khoảng thời hạn điều này ảnh hưởng ít nhiều đến quyền, lợi ích của bên giữ tài sản. Đặc biệt với những loại tài sản cần phải thu xếp bến, kho, bãi trước khi nhận để đảm bảo tốt nhất điều kiện bảo quản, rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng, thiệt hại đến cho bên giữ nếu bên gửi không đồng ý gửi nữa.
– Bên giữ phải trả lại chính tài sản đó khi hết hạn hợp đồng;
Hoạt động trông giữ tài sản cũng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Cho nên, khi kết thúc thời hạn hợp đồng – có thể do các bên thỏa thuận hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật, bên giữ phải trả lại chính tài sản đó cho bên gửi.
Thay vì quy định một điều khoản về thời hạn, Bộ luật dân sự năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc tính thời hạn trong hợp đồng gửi giữ theo thỏa thuận của các bên và nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn, bên gửi có quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
– Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Việc trả tiền công trong họp đồng gửi giữ được hiểu là giá trị vật chất bên gửi phải thanh toán cho công sức của bên giữ đã bỏ ra để thực hiện công việc trông coi, bảo quản tài sản cho bên gửi trong một thời hạn. Nguyên tắc của việc trả tiền công trong hợp đồng này được xác định như sau: Bên gửi chỉ phải chi trả khi có thỏa thuận và sẽ không phải chi trả khi rơi vào trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
3. Quy định về trả tiền công trong hợp đồng gửi giữ tài sản
Đặc điểm riêng biệt của hợp đồng gửi giữ là bên giữ bỏ công sức của mình để thực hiện công việc trông coi, bảo quản tài sản cho chủ thể khác. Do đó, họ cần phải được hưởng thù lao cho hoạt động công việc của mình. Bộ luật dân sự quy định một điều luật để điều chỉnh hoạt động cụ thể này của cả hai bên.
Điều 561 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 561. Trả tiền công
1. Bên gửi phải trả đủ tiền công khi lấy lại tài sản gửi giữ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp các bên không thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công.
3. Khi bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Thứ nhất, nguyên tắc tại khoản 1 Điều này giúp chúng ta xác định nghĩa vụ của bên gửi phải trả đủ tiền công vào thời điểm lấy lại tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc trả đủ tiền công cho việc trông coi, bảo quản tài sản là đúng nhưng luật vẫn dự liệu một số trường hợp khác như: Bên gửi phải thanh toán thêm chi phí khi chậm nhận tài sản (Điều 560 Bộ luật dân sự) hay không phải trả tiền công nếu bên giữ yêu cầu nhận lại tài sản trước thời hạn (Khoản 4 Điều 561 Bộ luật dân sự).
Thứ hai, khi các bên không thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công. Đây được xác định là điều khoản thông thường giúp chúng ta cơ sở xác định giải quyết tranh chấp về điều khoản giá (mức tiền công) trong hợp đồng gửi giữ khi có tranh chấp. Thực tế, việc gửi giữ xuất phát từ nhu cầu của các bên nên loại tài sản các bên thỏa thuận đưa vào hợp đồng cũng rất đa dạng, phong phú. Việc xuất hiện hoạt động trông giữ một loại tài sản đặc định – giá trị là hoàn toàn có thể. Ví dụ: Trông giữ nhà, xe hơi… Và mỗi hoạt động đó mức công sức bỏ ra của bên trông giữ cũng sẽ khác nhau vì giá trị tài sản khác nhau. Lúc này, mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công cũng rất khó xác định.
Thứ ba, khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, luật định tại khoản 2 Điều 559 Bộ luật dân sự “bên giữ phải trả lại tài sản đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn, nếu có lý do chính đáng”. Với quy định này, bên gửi sẽ vẫn phải thanh toán mức tiền công cho bên giữ tài sản cho khoảng thời gian đã thực hiện việc trông coi, bảo quản tài sản. Do đó, quy định tại khoản 4 Điều này có thể bổ sung như sau: “Khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
4. Nếu bên giữ chậm giao tài sản thì có được nhận tiền công không?
Để đảm bảo triệt để trong việc giải quyết hậu quả pháp lý của sự vi phạm nghĩa vụ mà một trong các bên đã thực hiện, Bộ luật dân sự 2015 quy định điều luật chậm giao, chậm nhận tài sản gửi giữ.
Theo Điều 560 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 560. Chậm giao, chậm nhận tài sản gửi giữ
Trường hợp bên giữ chậm giao tài sản thì không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và thanh toán các chi phí về bảo quản, kể từ thời điểm chậm giao và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao tài sản.
Trong các hợp đồng gửi giữ gần như xuất phát từ quy định của pháp luật như quy định tại khoản 2 Điều 355 hay Điều 538 Bộ luật dân sự năm 2015, việc chậm giao tài sản hoàn toàn có thể diễn ra. Vì chủ thể gửi giữ sau khi gửi được coi là hoàn thành nghĩa vụ, chủ thể có quyền yêu cầu trả tài sản gửi giữ là một chủ thể khác vẫn phải chứng minh về tư cách chủ thể của mình. Trong tình huống này, bên gửi hoàn toàn có thể trì hoãn việc trả tài sản nếu khả năng chứng minh không đủ thuyết phục hoặc phải có sự can thiệp của bên gửi ban đầu. Điều này càng minh chứng cho việc, bên gửi tài sản vẫn còn trách nhiệm khi tranh chấp hợp đồng gửi giữ đó diễn ra.
– Đối với chủ thể gửi: Được coi là hoàn thành trách nhiệm sau khi thông báo cho bên đối tác biết việc mình đã gửi tài sản vào nơi gửi giữ, trừ trường hợp cần sự kết hợp để giải quyết hậu quả khi bên gửi và bên có tài sản có mâu thuẫn (nếu có).
– Đối với chủ thể giữ: Thực hiện giao tài sản cho chủ thể có tài sản đúng theo yêu cầu của bên có tài sản hoặc bên gửi, nếu chậm giao tài sản áp dụng theo quy định về chậm giao tài sản.
– Đối với chủ thể có tài sản: Khi thực hiện quyền yêu cầu giao tài sản phải tuân theo yêu cầu về chửng minh tư cách chủ thể trước bên giữ (nếu có yêu cầu) và phải thanh toán thù lao, chi phí bảo quản cho bên giữ theo quy định.
==> Như vậy, trường hợp bên giữ chậm giao tài sản thì không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và thanh toán các chi phí về bảo quản, kể từ thời điểm chậm giao và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao tài sản.
5. Hậu quả pháp lý khi bên gửi chậm nhận tài sản
Điều 560 Bộ luật dân sự 2015 quy định “trường hợp bên gửi chậm nhận tài sản thì phải thanh toán các chi phí về bảo quản và tiền công cho bên nhận giữ tài sản trong thời gian chậm nhận”.
Việc không đến nhận tài sản đúng hạn theo thỏa thuận hoặc yêu cầu của bên giữ, sẽ làm phát sinh trách nhiệm của bên gửi là phải thanh toán các chi phí về bảo quản và tiền công cho bên nhận giữ tỏng thời gian chậm nhận. Tuy nhiên, điều đáng bàn luận việc chậm nhận này bị kéo dài thậm chí ngay cả khi đã có yêu cầu, thông báo rất nhiều lần của bên giữ đối với bên gửi. Điều này có thể làm ảnh hưởng rất nhiều tới quyền, lợi ích của bên giữ, ví dụ: Chi phí bảo quản phát sinh, thù lao công sức để bảo quản, trông giữ nhiều… Mặc dù điều luật đã khẳng định các loại chi phí này bên gửi phải thanh toán nhưng lại không có “hồi kết” cho việc thanh toán này. Do đó, để đảm bảo quyền tối đa cho bên giữ trong trường hợp bên gửi chậm nhận tài sản, có thể sung thêm quy định “trường hợp bên gửi chậm nhận tài sản mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của bên giữ, bên giữ có thể bán tài sản đó sau khi đã thông báo ít nhất 3 lần bằng văn bản cho bên gửi, sổ tiền thu được bên giữ phải thanh toán cho bên gửi sau khi đã trừ đi chi phí cho việc gửi giữ’’’.
Khi bên giữ không còn hoặc không có thông tin liên lạc của bên gửi mà bên gửi chậm nhận tài sản thì bên giữ vẫn phải trông coi, bảo quản tài sản đó như đã thỏa thuận và được thanh toán các chi phí theo quy định về chậm nhận tài sản.
Cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm chịu rủi ro đối với tài sản gửi giữ trong thời gian chậm nhận của bên gửi. Theo đó, trong thời gian chậm nhận, bên giữ phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.