1. Khái niệm về người chưa thành niên vi phạm hành chính

Khái niệm người chưa thành niên, theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có nêu như sau:

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rằng, trừ một số trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực dân sự thì chỉ có người thành niên mới có đủ năng lực hành vi dân sự. Mặ khác theo các nhà khoa học thì ở độ tuổi này con người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần và vì vậy, các luật gia cho rằng, người chưa thành niên thì chưa thể có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên. Do đó, trong Luật Dân sự, Luật Hình sự cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính đều dành ra các chương riêng để quy định việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên.

Về khái niệm vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm Hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 có giải thích như sau:

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính  là hành vi có lỗi do người dưới 18 tuổi thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. 

Xử lý vi phạm hành chính là gì ? Xử phạt vi phạm hành chính là gì ?

Xử lý vi phạm hành chính là việc chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đối với người có hành vi vi phạm hành chính như:

– Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

– Đưa vào trường giáo dưỡng;

– Đưa vào các cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Còn xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt (ví dụ: Phạt tiền, cảnh cáo,…), biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính

Khi xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng cả nguyên tắc chung và nguyên tắc riêng quy định lần lượt tại Điều 3 và Điều 134 Luật Xử lý vi phạm Hành chính. Cụ thể như sau:

Nguyên tắc chung khi xử lý mọi trường hợp vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm Hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 gồm:

– Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm hành chính, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

– Nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật trong việc xử phạt vi phạm hành chính;

– Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính cần phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng (nếu có);

– Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Trường hợp có nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt riêng về hành vi vi phạm hành chính đó.

Trường hợp nếu một người mà thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

– Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

– Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân khi có cùng hành vi vi phạm.

Nguyên tắc xử lý riêng, được quy định tại Điều 134 Luật Xử lý Vi phạm hành chính gồm:

– Việc xử lý chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên có thể sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;

– Việc xử lý còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính phù hợp;

– So với người thành niên có cùng hành vi vi phạm thì việc áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn.

– Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, phải tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên;

– Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện luật định. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

3. Độ tuổi xử lý vi phạm hành chính

Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 có quy định về độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: 

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính

Từ quy định trên, về độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính được chia làm hai khoảng sau:

Thứ nhất là trong khoảng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Chỉ bị xử phạt vi phạm hành chí khivi phạm hành chính do lỗi cố ý Và việc xử lý thực hiện như sau:

– Không bị áp dụng hình thức phạt tiền, chỉ áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo và/hoặc tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính;

– Có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

Thứ hai là trong khoảng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Trường hợp này người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Việc xử lý được thực hiện như sau:

– Nếu hành vi vi phạm đó quy định bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

– Có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở khi hành vi vi phạm hành chính quy định bị phạt cảnh cáo và người chưa thành niên tự nguyện khai báo, thừa nhận về hành vi vi phạm, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

–  Có thể áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng khi có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, với điều kiện: Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

4. Căn cứ xác định tuổi của người chưa thành niên vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, căn cứ để xác định tuổi của người vi phạm hành chính là giấy khai sinh của người vi phạm. Nếu không có giấy khai sinh hoặc không thể xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh, thì căn cứ vào căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác được cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi rõ ngày, tháng, năm sinh.

Trường hợp không có các giấy tờ trên để xác định độ tuổi xử lý vi phạm hành chính thì căn cứ vào sổ hộ tịch hoặc các giấy tờ, sổ sách, tài liệu khác của cơ quan nhà nước quản lý về hộ tịch để xác định độ tuổi của người vi phạm.

Trường hợp thông tin ngày, tháng, năm sinh ghi trong các giấy tờ trên không thống nhất, thì xác định theo ngày, tháng, năm sinh trong giấy tờ theo hướng có lợi nhất cho đối tượng.

Lưu ý:Cách xác định ngày, tháng, năm sinh trong trường hợp giấy tờ tuỳ thân không ghi rõ ngày, tháng, năm sinh (tức là trường hợp không có căn cứ nào biết chính xác ngày, tháng, năm sinh).

– Trường hợp xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng, thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;

– Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý, thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh;

– Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm, thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh;

– Trường hợp xác định được năm cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng, thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh.

5. Các hình thức xử phạt và biện pháp xử lý hành chính với người chưa thành niên vi phạm hành chính

Các hình thức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

– Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

– Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.

Các biện pháp xử lý hành chính gồm:

– Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Chỉ áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn);

– Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính gồm:

– Nhắc nhở;

– Quản lý tại gia đình;

– Giáo dục đưa vào cộng đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH LVN Group

Trân trọng ./.